Phương pháp 1. Xử lý động cơ quá nóng
1. Đừng hoảng loạn và hãy tìm cách dừng xe sớm nhất có thể. Dù nghiêm trọng nhưng cả khi rất nóng thì động cơ cũng chưa nguy hại ngay đến bạn. Nếu kim nhiệt độ chỉ vào vạch đỏ hoặc có hơi nước bốc ra từ động cơ, hãy đi chậm lại và dừng xe ngay khi tìm được vị trí an toàn. Nếu nhận thấy có gợn trắng như mây bốc ra thì đó không phải là khói mà là hơi nước tỏa ra từ động cơ bị nóng và vẫn còn thời gian cho bạn dừng xe. Trong trường hợp không thể dừng ngay lập tức, bạn nên:
Tắt điều hòa và mở cửa sổ.
Bật hệ thống sưởi và quạt tản nhiệt trên xe để làm hơi nóng thoát ra khỏi động cơ.
Bật đèn báo nguy hiểm và giảm tốc, chạy từ từ đến khi tìm được chỗ dừng xe
2. Mở nắp ca pô khi hơi nước không còn bốc ra. Nếu xe không quá nóng, bạn chỉ việc tắt máy và mở nắp. Nếu nắp ca pô quá nóng để chạm vào hoặc nếu vẫn còn thấy hơi nước, bạn nên chờ một lúc đến khi nắp nguội rồi mới mở. Mở nắp ca pô sẽ giúp một phần hơi nóng thoát ra ngoài.
Tắt động cơ nhưng vẫn để chìa ở chế độ “bật”, nhờ đó đèn, bảng điều khiển, v.v. vẫn hoạt động. Lúc này, quạt tản nhiệt tiếp tục hoạt động ngay cả khi động cơ đã tắt, đẩy nhanh quá trình làm mát máy.
Hãy để động cơ nguội hẳn rồi mới chạm vào nó hay mở nắp két nước làm mát. Dù có thể sẽ mất từ 30-45 phút nhưng chờ đợi sẽ giúp bạn tránh nguy cơ bị bỏng
3. Kiểm tra ống tản nhiệt phía trên két nước. Bóp nhẹ vào các ống tản nhiệt ở phía trên có thể giúp bạn xác định liệu hệ thống có đang phải chịu áp suất và việc mở nắp két nước có an toàn hay không. Nếu thấy cứng và khó bóp thì nghĩa là áp suất trong hệ thống vẫn tương đối lớn và không nên mở nắp két nước vào lúc này.
Hãy dùng giẻ hoặc khăn để cầm ống vì có thể nó sẽ rất nóng.
4. Đừng đụng vào nắp két nước cho đến khi nguội hẳn. Áp suất cao và hơi nước bên trong có thể làm nước nóng bắn vào mặt bạn. An toàn là trên hết: hãy để nguyên nắp két nước càng lâu càng tốt. Nếu chạm vào vẫn ấm thì hãy cứ để nguyên nó ở đó.[3]
Khi động cơ quá nóng, nhiệt độ của nước làm mát có thể lên đến 120°C. Mặc dù vậy, nước không thể sôi vì hệ thống kín. Tuy nhiên, một khi tiếp xúc với không khí, nước sẽ ngay lập tức sôi trào và có thể gây bỏng nặng. Hãy chờ đến khi hệ thống nguội hẳn.
5. Vặn nắp két nước. Dùng khăn hay giẻ dày để vặn nắp một cách cẩn thận. Mở nắp sẽ làm chất lỏng bên trong tiếp xúc với không khí. Nếu nắp két nước không có ren, bạn cần ấn nó xuống ngay sau khi nới lỏng để vô hiệu khóa an toàn. Bằng cách này bạn có thể mở hẳn nắp.
6. Kiểm tra két nước mát ngay khi động cơ đủ nguội. Quá trình này thường mất khoảng 30-45 phút. Két nước mát trông như một hộp sữa nhựa màu trắng được nối với nắp két nước. Thường thì sẽ có một vạch ở mặt bên cho biết giới hạn đầy của nó.
7. Kiểm tra liệu động cơ có bị rò không. Nguyên nhân làm nóng máy thường gặp nhất là rò nước ở hệ thống làm lạnh. Hãy quan sát xem có vết nước trong xe hay vũng nước nhỏ ở dưới xe không, nhất là khi nước làm mát trong két ở mức thấp hay hết hẳn. Đừng quên rằng hệ thống làm mát cần áp suất để hoạt động và do đó, chỉ một vết rò nhỏ, dù chưa làm thất thoát nhiều nước, cũng đã có thể đem lại nhiều phiền toái.[4]
Nước làm mát thường có mùi dễ chịu và có thể được nhìn thấy trong các ống dưới gầm xe hoặc xung quanh nắp két nước. Nó di chuyển giống nước chứ không đặc quánh như dầu.
Ở xe đời cũ, nước làm mát thường có màu xanh lá cây. Dù vậy, màu sắc này không đồng nhất giữa các hãng và dòng xe.
8. Thêm nước làm mát khi động cơ đã nguội. Nếu sẵn có, khi xe đã hết nóng, thường là sau 30-45 phút, hãy chêm cho nó một ít nước làm mát. Mở nắp két nước và rót vào từ 3 đến 5 giây. Nếu có nước lọc, hãy hòa nước làm mát và nước lọc theo tỷ lệ ngang nhau trước khi chêm. Hầu hết các động cơ được thiết kế sử dụng kiểu trộn 50/50 giữa nước làm mát và nước lọc.[5]
Trong trường hợp bất khả kháng, bạn cũng có thể chỉ dùng nước lọc nhưng không nên để quá lâu.
9. Khởi động lại xe sau khi đã làm mát và kiểm tra kim chỉ nhiệt độ. Nó có còn chỉ vào vạch đỏ không? Nếu vẫn còn, bạn cần tắt máy và chờ thêm 10-15 phút nữa cho xe nguội hẳn rồi mới lái tiếp. Nếu không còn, bạn có thể lái xe đi kiểm tra, sửa chữa.
10. Nếu nhận thấy vấn đề không suy giảm mà còn trầm trọng hơn, hãy gọi xe cứu hộ. Nếu hệ thống làm mát bị rỉ nước, xe bị rò dầu hay động cơ không thể hạ nhiệt, hãy gọi xe cứu hộ ngay lập tức. Nếu bất cẩn, đầu máy quá nóng sẽ làm hư hại động cơ và toàn bộ xe hơi.
Nếu bắt buộc phải lái xe, hãy để nó nguội hết mức có thể trước khi chạy lại.
Phương pháp 2. Lái xe khi động cơ bị nóng
1. Tiếp tục lái xe khi kim trở lại với mức nhiệt độ thấp hơn.Để bảo vệ xe, bạn đừng nên lái tiếp quá lâu dù rằng đôi khi, bạn cũng không có sự lựa chọn và phải lái xe một quãng dài mới đến được nơi sửa chữa.[6]
Nếu động cơ không nóng trở lại, có thể đó chỉ là hiện tượng nóng lên nhất thời do một vài yếu tố nào đó (bật điều hòa, thời tiết nóng, kẹt xe). Tuy vậy, để tránh rủi ro, hãy luôn để mắt đến kim nhiệt độ khi có thể.
Phần lớn xe được thiết kế với chức năng báo hiệu ngay từ khi bắt đầu bị nóng, trước lúc hỏng hóc nghiêm trọng xảy đến với động cơ và cho bạn thời gian để giải quyết vấn đề. Tuy vậy, không có nghĩa là bạn có thể phớt lờ cảnh báo của kim nhiệt độ
2. Tắt điều hòa. Điều hòa sử dụng điện từ động cơ để làm mát xe và lúc này, bạn sẽ không muốn gây thêm sức ép cho động cơ của mình. Thay vì sử dụng điều hòa, hãy mở cửa sổ.
3. Bật hệ thống sưởi đến mức cao nhất có thể. Mặc dù nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng thực tế là hệ thống sưởi hoạt động trên nguyên tắc lấy hơi nóng từ động cơ và phả vào trong xe. Do vậy, bật quạt tản nhiệt và sưởi ở mức cao nhất sẽ làm hơi nóng thoát ra và hạ nhiệt động cơ. Tuy nhiên, việc nhiệt độ trong xe tăng lên do bật sưởi có thể khiến bạn hơi khó chịu.
Điều chỉnh lối thoát hơi từ hệ thống sưởi hướng ra bên ngoài cửa sổ để không khí trong xe không bị quá nóng.[8]
Bên cạnh đó, bạn có thể bật bộ xông kính để tránh hơi nóng phả trực tiếp vào mình.
4. Để côn về số không và giữ động cơ quay. Hãy để côn về số không và giữ cho động cơ quay khoảng 2000 vòng/phút. Việc này sẽ giúp động cơ và quạt tản nhiệt nhanh hơn, hút khí mát, đẩy hơi nóng ra ngoài và làm nguội động cơ. Nếu đang phải dừng vì kẹt xe, đây chính là thời điểm hợp lý để tiến hành thao tác này
5. Đổ thêm nước vào két nếu hết nước mát. Dù không được khuyến khích cho quãng đường dài, nước lọc giúp làm mát động cơ trong tình huống khẩn cấp. Hãy thêm nước ấm vào két nước mát nhưng chỉ khi động cơ đã nguội. Nước lạnh có thể khiến động cơ bị nứt do sự thay đổi nhiệt độ đột ngột.
6. Chạy xe từng quãng ngắn, tắt máy và lặp lại nếu muốn lái tiếp. Nếu bắt buộc phải lái xe khi động cơ đang nóng, hãy luôn để mắt đến kim nhiệt độ. Mỗi khi cảnh báo nóng xuất hiện, dừng xe và chờ 10-20 phút để động cơ nguội bớt. Dù không hẳn là tốt cho động cơ nhưng nó vẫn tốt hơn cố chạy tiếp và gây hỏng hóc toàn bộ.
7. Cần mang xe đi sửa nếu động cơ thường xuyên bị nóng.Nếu động cơ cứ nóng mãi, bị rò hoặc không thể khởi động, bạn cần mang xe đi sửa. Ngay cả khi những chỉ dẫn trong bài viết này giúp bạn ứng phó được, vấn đề vẫn cần được giải quyết triệt để trước khi xe hỏng hóc toàn bộ.
Phương pháp 3. Tránh làm nóng động cơ
1. Lái xe từ từ và chậm rãi thay vì dừng hẳn rồi lên ga đi tiếp khi kẹt xe. Dừng hẳn và lên ga đi tiếp có thể tạo áp lực lớn và khiến động cơ bị nóng, đặc biệt là với các đời xe cũ. Hạn chế phanh và để xe lăn bánh từ từ trong trường hợp bạn biết chắc là sẽ sớm tiếp tục phải dừng xe.[12]
Thường xuyên kiểm tra kim nhiệt độ khi gặp đèn đỏ hoặc biển báo dừng xe.
2. Mở cửa sổ thay vì bật điều hòa. Điều hòa sử dụng điện từ động cơ để làm mát không khí trong xe và khiến động cơ phải làm việc nhiều hơn. Khi động cơ trở nên quá nóng, điều đầu tiên mà bạn cần làm là tắt điều hòa và nếu sợ động cơ nóng lên vì một nguyên nhân nào đó, bạn cũng nên dừng sử dụng hoàn toàn.
Nếu không biết cách kiểm tra xe, hãy tìm xem có chỗ rò nào ở két nước làm mát, vấn đề nào ở điều hòa và mực nước làm mát có thấp không. Hãy thử tắt hẳn điều hòa
3. Thường xuyên thay dầu và kiểm tra quạt. Dầu cũ có thể dẫn đến việc động cơ quá nóng, đặc biệt là khi kết hợp với việc thiếu nước làm mát và các vấn đề khác. Mỗi khi thay dầu cho xe, hãy nhờ thợ cơ khí kiểm tra luôn quạt tản nhiệt. Phát hiện vấn đề ngay lúc đó sẽ giúp bạn tránh được những sửa chữa tốn kém về sau.
Hãy để ý xem có nghe được tiếng quạt tản nhiệt kêu sau khi tắt động cơ không vì thông thường, quạt vẫn tiếp tục hoạt động để giảm nhiệt cho xe.
4. Chêm đầy nước làm mát vào đầu mùa hè. Kiểm tra két nước làm mát và đảm bảo mức nước cần thiết. Nếu hơi thấp, hãy trộn nước làm mát với nước lọc theo cùng tỉ lệ và chêm vào cho đến khi đạt mức cần thiết. Điều này đặt biệt quan trọng khi sống ở vùng có khí hậu nóng.[15]
Khi kiểm tra hệ thống làm mát, hãy dành ra 2 đến 3 phút kiểm tra dấu hiệu rò nước. Nước làm mát thường có màu xanh và mùi dễ chịu. Hãy kiểm tra gầm xe, xung quanh động cơ, trên tất cả các ống và các phần khác nhau của két nước làm mát.
5. Giữ hộp phụ tùng khẩn cấp trên xe để dùng cho trường hợp động cơ bị nóng. Chắc hẳn bạn sẽ không muốn mắc kẹt ở nơi nào đó vì động cơ không hoạt động. Chuẩn bị một hộp phụ tùng đơn giản sẽ đảm bảo an toàn cho bạn và xe, đặc biệt là trong trường hợp cần lái xe đi sửa. Bạn nên chuẩn bị:[16]
Nước làm mát dự trữ.
Khoảng 3,5 lít nước lọc.
Một hộp đồ nghề.
Đèn pin.
Lương khô.
Một cái chăn.
Dao lam.
Một cuộn băng dính.
Tua vít 4 cạnh và tua vít đầu dẹt.
Lời khuyên
Nếu đang kẹt ở một nơi xa lạ hoặc trời tối, bạn vẫn có thể lái xe dù động cơ bị nóng. Chậm rãi chạy xe cho đến khi kim nhiệt độ chuyển sang đỏ rồi dừng lại, tắt máy, chờ động cơ nguội lại đến mức đủ để đi tiếp. Bằng cách này, bạn có thể đến được nơi an toàn gần đó.
Cảnh báo
Mở nắp két nước khi vẫn còn nóng có thể gây thương tích vì áp suất bên trong lớn.
Theo Wikihow.vn