Công nghệ an toàn trên xe hơi ngày càng trở nên hiện đại và phổ biến hơn. Những hệ thống cảnh báo va chạm, hỗ trợ phanh khẩn cấp hay cảnh báo buồn ngủ đang được các hãng tích hợp rộng rãi.

Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến tai nạn giao thông là người lái say xỉn khi điều khiển xe. Vụ việc nữ tài xế BMW lái xe trong tình trạng say xỉn gây tai nạn liên hoàn ở TP.HCM đêm 21/10 đặt ra câu hỏi: bao giờ các hãng ôtô tích hợp công nghệ chống "xe điên" hiệu quả?  

Công nghệ phát hiện nồng độ cồn

Dự án nghiên cứu hệ thống phát hiện nồng độ cồn (DADSS) đang được Hiệp hội an toàn Giao thông đường bộ Mỹ, đại diện các hãng ôtô hàng đầu thế giới và Cơ quan An toàn Giao thông Cao tốc Quốc gia Mỹ hợp tác phát triển. Công bố dưới dạng ý tưởng, DADSS được nghiên cứu rất tỉ mỉ và sẽ phát triển rộng rãi trong tương lai, có khả năng giảm đáng kể thương vong do lái xe say rượu.

Mục tiêu chung giữa hai tổ chức này là nâng cao công nghệ phát hiện nồng độ cồn tích hợp vào xe hơi, cung cấp dưới dạng tùy chọn an toàn, tương tự như phanh tự động, cảnh báo chệch làn đường và các công nghệ hỗ trợ lái tiên tiến khác. Nếu công nghệ mới được áp dụng phổ biến, nó có thể hạn chế được khoảng 10.000 ca tử vong do lái xe say rượu mỗi năm.

Công nghệ DADSS Công nghệ này sẽ phát hiện nồng độ cồn của người lái thông qua hơi thở và cảm ứng.

Công nghệ DADSS sẽ phát hiện người lái có say rượu hay không bằng cách đo nồng độ cồn trong máu và ngăn không cho xe di chuyển. Hai phương pháp nhận biết khác nhau đang được xem xét và thử nghiệm, bao gồm dựa trên cảm ứng và dựa trên hơi thở.

Hệ thống cảm ứng sẽ đo và phân tích nồng độ cồn trong máu dưới bề mặt da, bằng cách chiếu ánh sáng hồng ngoại (NIR) qua đầu ngón tay để đo bước sóng phù hợp nhằm nhận biết nồng độ cồn của tài xế. Hyundai cũng nghiên cứu hệ thống tương tự có tên "công nghệ đo sắc tố da" và đặt trên nút khởi động của xe hơi.

Công nghệ phát hiện nồng độ cồn DADSS. Ảnh: DADSS.

Một công nghệ khác dựa trên hơi thở, công nghệ phát hiện nồng độ cồn này có một cảm biến nhỏ để so sánh lượng phân tử carbon dioxide với các phân tử cồn trong hơi thở tự nhiên của người lái.

Hãng Nissan cũng phát triển công nghệ mới giống với ý tưởng DADSS. Bộ cảm biến nồng độ cồn được tích hợp trên cần số. Công nghệ có khả năng nhận biết mùi mồ hôi của lòng bàn tay tài xế. Khi nồng độ cồn vượt ngưỡng, cần số sẽ bị khóa đồng thời xe sẽ phát thông báo qua loa của hệ thống định vị. Mặt khác, công nghệ nhận diện mùi cồn được gắn tại ghế ngồi sẽ cảnh báo tài xế nếu trong xe có mùi quá nồng.

Vẫn còn khá lâu để phát triển hoàn thiện và áp dụng rộng rãi công nghệ này. DADSS đã đạt được những tiến bộ ấn tượng, tạo ra những bằng sáng chế mới về công nghệ laser và phát hiện nồng độ cồn. Dự án sẽ được nghiên cứu rộng hơn về khả năng hấp thu và loại bỏ nồng độ cồn của người lái.

Công nghệ nhận diện người mất tập trung

Tương tự như công nghệ DADSS, công nghệ nhận diện người say cũng giúp hạn chế những tai nạn đáng tiếc xảy ra liên quan đến bia rượu. Hãng xe Hyundai đang nghiên cứu hệ thống tia laser tích hợp trên tay lái, trần xe và gương chiếu hậu giữa giúp nhận diện người say ngồi trong cabin.

Bộ chiếu tia laser sẽ thu nhận phản xạ từ tài xế nhằm nhận biết hợp chất hóa học nào tài xế đã hấp thụ. Khả năng nhận diện mùi cồn còn được tích hợp trong bộ điều hòa của xe.

Công nghệ cần số phát hiện người say Nissan phát triển hệ thống an toàn phát hiện người say, cần số sẽ không hoạt động nếu người lái có nồng độ cồn.

Trong khi đó, Nissan cũng đang phát triển hệ thống nhận diện lái xe đánh võng. Hệ thống này sẽ quan sát hành vi và theo dõi thói quen lái xe của tài xế. Khi phát hiện xe có dấu hiệu mất lái hoặc đánh võng, hệ thống này sẽ cảnh báo bằng giọng nói và tín hiệu thông qua hệ thống định vị, sau đó thực hiện cơ chế siết chặt dây an toàn để thu hút sự chú ý ngay lập tức.

Một trong những công nghệ an toàn được áp dụng phổ biến hiện nay là nhận diện khuôn mặt và cảnh báo mất tập trung. Những trường hợp người lái rời mắt khỏi đường, ngủ gục hoặc say xỉn sẽ được chiếc xe ghi nhận thông qua cảm biến đặt trên bảng điều khiển.

Công nghệ nhận diện khuôn mặt sẽ phát cảnh báo nếu người lái mất tập trung hoặc ngủ gục. Ảnh: Volvo.

Bộ phận cảm biến này sẽ theo dõi hướng mắt, mí mắt và góc nghiêng đầu để phát hiện trạng thái của người lái. Nó cũng kết hợp với các hệ thống an toàn khác như cảnh báo giữ làn đường, cảnh báo va chạm để có những phản ứng nhanh nhất nhằm đánh thức người lái xe đang ngủ.

Công nghệ nhận diện khuôn mặt và cảnh báo mất tập trung được trang bị trên hầu hết xe hơi ngày nay. Ở những mẫu Ford, hệ thống cảnh báo mất tập trung sẽ đánh thức bằng cách rung vô-lăng, màn hình sẽ hiển thị biểu tượng ly cà phê để nhắc nhở người lái nên dừng xe và nghỉ ngơi.

 “Công nghệ này sẽ giúp người lái an tâm hơn và nó rất cần thiết. Chiếc xe có thể phát hiện nếu người lái xe không chú ý, hệ thống an toàn có thể được điều chỉnh hiệu quả hơn. Ví dụ, nếu người lái tập trung trở lại hệ thống hỗ trợ của xe có thể được kích hoạt sau hoặc sẽ chủ động xử lý sớm nếu cảm thấy người lái vẫn còn mất tập trung", Per Landfors - kỹ sư của Volvo, lãnh đạo dự án hỗ trợ lái giải thích.

Xe sang BMW chưa có công nghệ chống "ma men"

Trên các mẫu xe BMW, nhiều công nghệ hỗ trợ lái được trang bị, nhưng về cơ bản chưa thể phát hiện hay can thiệp vào nồng độ cồn của tài xế. 

BMW 5-series hiện được trang bị nhiều công nghệ an toàn nhất. Tiêu biểu như hệ thống hỗ trợ kẹt xe, tự động điều chỉnh khoảng cách cần thiết đến xe phía trước và điều khiển cho xe giảm tốc độ để dừng lại khi cần, cũng như hỗ trợ vào cua một cách chủ động. Xe có thể giữ đúng làn nhưng với điều kiện người lái xe phải giữ ít nhất một tay trên vô lăng.

Ngoài ra còn có công nghệ hỗ trợ lái ban đêm, hệ thống này sẽ phân tích và ngay khi cảm biến hồng ngoại nhận ra người đi bộ hoặc những con thú lớn có khả năng va chạm trong bóng tối, hướng đèn pha về chướng ngại vật mà không gây chói lóa. Ánh sáng này đảm bảo cả người lái và người đi bộ được cảnh báo va chạm một cách hiệu quả.

Đặc biệt, hệ thống bảo vệ chủ động BMW ConnectedDrive giúp cảnh báo và giảm thương vong tai nạn, đang được áp dụng trên các mẫu BMW 5-series bản sedan.

Nếu có tình huống nghiêm trọng xảy ra trên đường, dây thắt an toàn ở ghế trước sẽ tự động thắt chặt. Trong những tình huống tai nạn cụ thể, hệ thống sẽ giữ cho xe đứng im mà không cần sự can thiệp của người lái xe. Điều này giúp giảm khả năng va chạm liên tiếp, giảm thiểu những thiệt hại có thể gây ra.

Hệ thống trợ giúp cũng theo dõi hành vi lái xe của người lái, sau đó phân tích và can thiệp nếu cảm thấy người lái có biểu hiện bất thường. Khi đó, hệ thống bảo vệ chủ động sẽ hiện  thông báo trên màn hình điều khiển khuyên người lái nên nghỉ ngơi trước khi đi tiếp.

Yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất

Dù công nghệ hỗ trợ lái ngày càng tiên tiến, yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất. Trước khi xe hơi đạt được trình độ tự lái cấp 5, tài xế phải là người trực tiếp điều khiển và xử lý những huống bất ngờ.

Theo một nghiên cứu của Ford, tại Trung Quốc, lái xe trong tình trạng thiếu ngủ là nguyên nhân gây ra hơn 187.000 vụ tai nạn mỗi năm. 29% lái xe ở Australia thừa nhận họ đã từng tham gia giao thông trong trạng thái không tỉnh táo hoặc say xỉn ít nhất một lần mỗi tháng, và 20% trong số đó thậm chí đã ngủ gật ngay cả khi đang ngồi sau tay lái.

Chiếc BMW gây tai nạn liên hoàn tại TP.HCM vì tài xế say xỉn. Ảnh: An Huy.

Các hướng dẫn an toàn khi lái xe đều khuyến cáo tài xế không sử dụng bia rượu hoặc chất có cồn. Công nghệ hiện đại trên xe hơi chỉ là phụ trợ, ngay cả những chiếc xe tự lái tiên tiến của Tesla, Uber đều có nguy cơ gặp tai nạn chết người dù trang bị rất nhiều cảm biến.

Theo news.zing.vn