Mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Ảnh: CTV
Một trong những hoạt động hiệu quả về an toàn giao thông do Trung ương Đoàn phát động là phong trào "Thiếu nhi bảo vệ đường sắt" tiếp tục được triển khai rộng khắp. Hiện nay, trên cả nước, đã có gần 330 trường học kết nghĩa với các đơn vị đường sắt. Phong trào thu hút đông đảo thiếu nhi tham gia với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, hiệu quả, như: Ký cam kết bảo vệ an toàn giao thông đường sắt đối với học sinh; đảm nhận phần việc "Đoạn đường em chăm"...
Trong quá trình hoạt động, các em học sinh đã sáng tạo nhiều mô hình hay được nhân rộng trong cả nước như phong trào "Ba không, ba thấy": Không lấy cắp vật tư, thiết bị đường sắt; không ném đá lên tàu, lên trụ sứ điện; không nô đùa và chăn dắt trâu bò trên đường sắt. Mô hình "Đoạn đường ông cháu cùng chăm" nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương cùng tham gia bảo vệ đường sắt; không chăn thả gia súc trên đường sắt; tháo dỡ lều quán lấn chiếm hành lang đường sắt, xóa lối mòn dân sinh tự phát ngang qua đường sắt; phát quang hành lang đường sắt; thông báo kịp thời cho những người có trách nhiệm khi phát hiện các đối tượng có hành vi xâm hại đến tài sản của ngành đường sắt và an toàn đường sắt..
Hay như các mô hình "Cổng trường an toàn", "Cổng trường trật tự an toàn", "Cổng trường an toàn xanh - sạch - đẹp" tiếp tục được các cấp đầu tư, xây dựng tại các trường học. Mỗi mô hình đều có pa nô tuyên truyền khẩu hiệu và các tiêu chí về an toàn giao thông trước cổng trường, có các nhóm thanh niên tình nguyện hỗ trợ điều tiết giao thông trong đầu buổi học và giờ tan học, tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh.
Đồng thời, các địa phương còn xây dựng mô hình "Bến đò an toàn" với các nội dung hoạt động: Vận động chủ phương tiện tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện và được cấp giấy phép điều khiển phương tiện, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và được cấp phép hoạt động cho phương tiện vận tải; thành lập các đội thanh niên tình nguyện tham gia hướng dẫn sắp xếp người và phương tiện kết hợp tuyên truyền các quy tắc giao thông. Mô hình cũng vận động nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, bê tông hóa đường lên, xuống tại các bến đò, mua sắm áo phao và các phương tiện đảm bảo an toàn.
Mô hình "Nhà chờ bến đò ngang an toàn giao thông" giúp đoàn viên, thanh thiếu nhi và nhân dân có điểm dừng chân trú nắng, mưa lúc chờ đò... Hiện nay, các địa phương trên cả nước đang duy trì 12.861 cổng trường an toàn giao thông; 1.295 nhà chờ bến đò ngang an toàn giao thông, điểm giao cắt đường bộ, đường sắt an toàn giao thông. Những mô hình này đã phát huy hiệu quả rõ nét trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong trường học, tại cộng đồng dân cư, giúp người dân và học sinh nâng cao ý thức khi điều khiển các phương tiện tham gia giao thông.
Hưởng ứng các hoạt động chung tay vì an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông, lực lượng BĐBP cũng có nhiều hoạt động nhằm nâng cao ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông cho cán bộ, chiến sĩ, nhân viên trong các đơn vị. Các đơn vị BĐBP đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho cán bộ, chiến sĩ. Cùng với đó, triển khai các biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông và tăng cường công tác quản lý, rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy.
Ở nhiều đơn vị đã xuất hiện nhiều mô hình, phong trào nâng cao ý thức tham gia giao thông an toàn. Tiêu biểu như mô hình “An toàn giao thông là trách nhiệm, hạnh phúc của mỗi quân nhân” của Trường Trung cấp 24 Biên phòng, thường được gắn với các đợt thi đua cao điểm. Mô hình này nhằm xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ phong cách ứng xử có văn hóa, đúng pháp luật, hình thành ý thức tự giác tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông, xây dựng nếp sống văn hóa giao thông trật tự, an toàn, văn minh.
Nội dung mô hình gồm: Tổ chức quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ về Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; Nghị quyết số 452-NQ/ĐU, ngày 26/3/2017 của Thường vụ Đảng ủy BĐBP về “Lãnh đạo tăng cường xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật, pháp luật và đảm bảo an toàn giao thông trong BĐBP”. Nhà trường còn phối hợp với Công an huyện Ba Vì; Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương 1; Trường Cao đẳng Công nghệ và kỹ thuật ô tô tổ chức tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức về các quy định và cách xử trí các tình huống có thể xảy ra khi tham gia giao thông.
Định kỳ kiểm tra, rà soát tình trạng kỹ thuật, giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy của cá nhân trong toàn trường để đảm bảo đầy đủ các loại giấy tờ, tình trạng kỹ thuật an toàn đối với xe của các cá nhân khi tham gia giao thông; kiểm tra nồng độ cồn của cán bộ, chiến sĩ khi ra, vào đơn vị; phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân trên địa bàn đóng quân về các quy định khi tham gia giao thông.
Trường Trung cấp 24 Biên phòng còn lắp đặt hệ thống pa nô tuyên truyền trực quan trong nhà trường; tổ chức cho 100% cán bộ, chiến sĩ ký cam kết thực hiện và vận động gia đình chấp hành nghiêm các quy định về an toàn giao thông như: Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn theo quy định, không uống rượu, bia khi tham gia giao thông...; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tọa đàm, diễn đàn, hội thi, cuộc thi tìm hiểu về an toàn giao thông trong cán bộ, đoàn viên, thanh niên...
Theo Báo Biên phòng