Theo Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Cà Mau, trong năm 2023, trên các tuyến đường bộ do Sở Giao thông vận tải quản lý, phát hiện 38 trường hợp vi phạm hành lang ATGT đường bộ trên phần đất đã bồi thường, giải phóng mặt bằng. Cụ thể: Tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Ðá Bạc có 7 trường hợp; tuyến Cống Ðá - Kênh Tư - Giáp Nước có 10 trường hợp; tuyến bờ Nam Sông Ðốc có 4 trường hợp; tuyến Lương Thế Trân - Ðầm Dơi có 5 trường hợp; tuyến Võ Văn Kiệt có 5 trường hợp; tuyến đường trục Ðông - Tây có 7 trường hợp.

Các trường hợp vi phạm đơn vị quản lý tuyến đường đã kết hợp với chính quyền địa phương lập biên bản, giao cho địa phương xử lý và theo dõi có biện pháp chống tái lấn chiếm.

Người dân dựng mái che buôn bán trên tuyến đường Võ Văn Kiệt.

Bên cạnh đó, Thanh tra Sở Giao thông vận tải phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, giải toả dứt điểm 61/76 trường hợp lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ trên phần đất bồi thường, giải phóng mặt bằng trên đường bộ, các trường hợp còn lại đang tiếp tục xử lý.

Ông Lý Minh Vững, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, cho biết, năm qua, công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến hành lang an toàn đường bộ được địa phương quan tâm tổ chức thực hiện. Thông qua công tác nắm địa bàn, kiểm tra, nhiều trường hợp vi phạm đã bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Trên tuyến đường Hành lang ven biển phía Nam có tổng số 214 trường hợp vi phạm, đã xử lý xong 109 trường hợp, còn lại 105 trường hợp; trong đó 49 trường hợp mái che tạm, biển quảng cáo và tái lấn chiếm lại sau xử lý là 56 trường hợp.

Tuyến đường Võ Văn Kiệt có tổng số 117 trường hợp vi phạm mái che, lều quán và biển quảng cáo. Trong đó đã xử lý 97 trường hợp, còn lại 20 trường hợp mái che tạm, biển quảng cáo. Tuyến đường ÐT983B có tổng số 18 trường hợp vi phạm mái che, lều quán và biển quảng cáo, đã xử lý xong 15 trường hợp, còn lại 3 trường hợp thuộc địa bàn thị trấn Thới Bình.

Tuyến đường về Khu Du lịch sinh thái Sông Trẹm (đoạn từ đường Hành lang ven biển phía Nam đến Khu du lịch), có 17 trường hợp vi phạm mái che và biển quảng cáo, trong đó đã xử lý được 9 trường hợp, còn lại 8 trường hợp. Các trường hợp tái lấn chiếm và lấn chiếm sau xử lý thêm là 10 trường hợp.

Ông Lý Minh Vững nhìn nhận, đã qua công tác giải toả hành lang ATGT đường bộ được triển khai thực hiện quyết liệt nhưng lại gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, tuyến Quốc lộ 63, tuyến đường Láng Trâm - Tân Lộc, chưa được bồi hoàn phạm vi an toàn hành lang lộ giới. Hiện tại các công trình, vật kiến trúc và các loại cây trồng vi phạm hành lang ATGT đường bộ còn khá nhiều trên tuyến đường ÐT 983, ÐT 983B và tuyến Quốc lộ 63. Vì vậy, để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ trên cần phải có thời gian, lộ trình và phương pháp giải quyết hợp lý.

Ða phần các tuyến đường chưa được bồi hoàn hành lang an toàn, trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân trùm tới mé kênh, nhất là tuyến đường ÐT 983B.

Theo đánh giá của Ban ATGT tỉnh, công tác bảo đảm hành lang đường bộ đã qua gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, ý thức của một số người dân còn thấp nên dẫn đến tình trạng tái chiếm thường xuyên, xảy ra khi thiếu vắng lực lượng chức năng. Lực lượng xử lý vi phạm hành lang ATGT tại địa phương còn mỏng, không thể bao quát hết địa bàn. Mặt khác, việc tái chiếm diễn ra phổ biến ngay khi các lực lượng chức năng vừa giải toả xong, nhất là việc họp chợ, nhóm chợ, mua bán lấn chiếm lòng, lề đường... do đó kinh phí, phương tiện không thể đủ để phục vụ thường xuyên cho công tác này.

Khu chợ tự phát trên tuyến Quốc lộ 1, đoạn qua địa phận xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, gây ảnh hưởng đến trật tự ATGT.

Một số tuyến đường chưa cắm mốc lộ giới, hoặc đã cắm mốc nhưng nằm trong phần đất của các hộ dân chưa được bồi thường, do đó địa phương gặp khó khăn trong công tác xử lý vi phạm, trước mắt chỉ tuyên truyền, vận động các hộ này tự di dời, tháo dỡ.

Nhằm đảm bảo trật tự ATGT, trong đó có công tác đảm bảo hành lang ATGT, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt yêu cầu, thời gian tới cần thực hiện nghiêm túc công tác quản lý hành lang ATGT đường bộ trên phần đất đã bồi thường, giải phóng mặt bằng; lưu trữ đầy đủ hồ sơ, mốc giải phóng mặt bằng từng tuyến, kiên quyết không để xảy ra tình trạng lấn chiếm trong phạm vi này. Ðối với các tuyến đường chưa bồi thường phần đất hành lang ATGT đường bộ, hoặc chỉ bồi thường một phần đất, chính quyền địa phương cần kiên trì công tác tuyên truyền, vận động, không để người dân cất nhà kiên cố, bán kiên cố trên phần đất này.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trực tiếp chỉ đạo, giải toả dứt điểm các điểm họp chợ trái phép trên đường bộ. Tổ chức kiểm điểm, phê bình, xử lý trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND cấp xã nếu để tái lấn chiếm sau giải toả./.

Theo Báo Cà Mau