Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 của Bộ GTVT, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá, trong năm vừa qua, với điều kiện gặp nhiều khó khăn như bị ảnh hưởng nặng nề thiên tai đến hạ tầng giao thông, nhu cầu đầu tư lớn nhưng nguồn vốn hạn hẹp, quản lý chặt chẽ hơn, gia tăng nhu cầu đi lại giao thông… nhưng với sự đồng lòng của lãnh đạo Bộ GTVT và nhân viên đã hoàn thành các nhiệm vụ.

Bên cạnh đánh giá và biểu dương những kết quả đạt được năm 2016 vừa qua, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ngành tiếp tục tập trung khắc phục các hạn chế, yếu kém về khách quan và chủ quan. Trước hết là đẩy mạnh công tác xây dựng thể chế, không ít các dự án, luật liên quan đến lĩnh vực GTVT, thông tư hướng dẫn chất lượng chưa cao với đòi hỏi thực tiễn của xã hội.

Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được tập trung xây dựng chiến lược, quay hoạch thực hiện đầu tư nhưng còn bất cập. Trong đó, quy hoạch cảng hàng không so với kinh tế lạc hậu, dự báo không chính xác dẫn đến quá tải và phải điều chỉnh quy hoạch, nhiều cảng hàng không đã quá tải đặc biệt là Cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Đầu tư kết cấu hạ tầng được quan tâm nhưng còn rất thiếu so với yêu cầu, hạ tầng ngày càng trở thành nhân tố cạnh tranh của kinh tế quốc gia nhưng còn thiếu chất lượng. Nước ta hiện có 800km đường cao tốc trong khi 1 tỉnh của Trung Quốc cách đây 10 năm đã có 40.000 km đường cao tốc. Quảng Tây tới năm 2020 có 8.000 km đường cao tốc, chưa nói đến đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị.

Các đơn vị thuộc ngành GTVT có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua Ngành năm 2016 được tặng cờ thi đua của Bộ trưởng.

Hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ làm giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, khả năng vốn đầu tư ngày càng khó khăn đặc biệt là nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Rất khó khăn huy động nên phải huy động nguồn vốn xã hội, đây là vấn đề hết sức khó khăn của ngành.

Ùn tắc giao thông diễn ra ngày càng trầm trọng đặc biệt là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh với việc gia tăng xe cá nhân như ô tô trong khi kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, đầy đủ và xu hướng dịch chuyển dân số ngoại ô vào trung tâm tạo ra áp lực vô cùng lớn lên các công trình. Đây là bài toán nan giải trước mắt và lâu dài cần phải tháo gỡ. Ùn tắc diễn ra ở cả cảng hành không đe dọa an toàn an ninh hàng không và làm giảm chất lượng cuộc sống, dịch vụ của người dân. TNGT dù được kiềm chế, giảm cả 3 tiêu chí nhưng còn hết sức nghiêm trọng và không được coi nhẹ.

Đồng tình với kế hoạch 2017 ngành GTVT đề ra, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT thực hiện hoàn thiện thể chế, đây là nhiệm vụ thường xuyên, phải rà soát các Luật, Nghị định, Thông tư để điều chỉnh bổ sung kịp thời chỗ thiếu, xây dựng cơ chế đặc thù của ngành để thực hiện các dự án cấp bách, trọng điểm như đường cao tốc…

Làm đường cao tốc Bắc-Nam vô cùng khó, hơn 1.000 cây số trong khi chỉ có 70 nghìn tỷ vốn nhà nước, nếu thiếu phải huy động trên 60-70% vốn xã hội trong khi các doanh nghiệp đầu tư ngành GTVT năng lực và kinh nghiệm còn hạn chế. Vì thế, phải xây dựng cơ chế để huy động nguồn lực cả trong và ngoài nước thì mới làm được.

Bộ trưởng tặng cờ thi đua cho các địa phương có thành tích xuất sắc trong năm 2016.

Bộ GTVT cần điều chỉnh quy hoạch, chiến lược để làm cơ sở kế hoạch hóa đầu tư trên cơ sở quy hoạch các cảng hàng không, đường sắt, đường bộ, cảng biển, đường thủy, hàng hải… Từ quy hoạch, xây dựng kế hoạch thực hiện trong giai đoạn trung và dài hạn trên cơ sở nguồn lực Nhà nước và nguồn lực từ xã hội, tránh đầu tư tự phát không theo phong trào, dẫn đến phát triển không bền vững.

Về quản lý vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải, Bộ GTVT cần phải tái cấu trúc vận tải toàn ngành để phát triển các lĩnh vực hài hòa, hợp lý, đường sắt hiện nay năng lực dưới 2%, vận tải chủ yếu là đường bộ và hàng không nên ảnh hưởng đến vấn đề an toàn an ninh, chất lượng cuộc sống, tăng chi phí đầu vào; đồng thời phát triển vận tải đa phương thức logistic, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Bộ GTVT cần tăng cường công tác đảm bảo TTATGT, phối hợp với các bộ ngành, địa phương xây dựng các giải pháp đồng bộ giảm ùn tắc giao thông. Đặc biệt, các bộ ngành cần giảm dân số dịch chuyển vào trung tâm, không thực hiện mục tiêu này nếu càng đầu tư hạ tầng tập trung vào một khu vực thì càng ách tắc nhiều, phương tiện cá nhân tăng hạ tầng không đảm bảo. Đồng thời phát triển các khu đô thị vệ tinh xung quanh trung tâm với dịch vụ đầy đủ để thu hút người dân đến ở và tìm kiếm việc làm, sinh sống mới giải quyết triệt để ùn tắc giao thông.

Phó Thủ tướng còn yêu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đặc biệt là giao thông quan trọng. Bộ GTVT khẩn trương hoàn thành quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch các cảng hàng không. Ngày 15/1 phải báo cáo Chính phủ quy hoạch mở rộng nâng cấp Cảng hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, phải làm thêm 1 đường lăn, 2 nhà ga và sắp xếp lại khu vực các nhà ga đó, tăng hệ thống bến đỗ, đầu tư hệ thống giao thông kết nối bên ngoài chủ yếu dùng vốn xã hội chủ yếu. Sau đó, có kế hoạch để đầu tư xác định rõ các dự án được đầu tư bằng nguồn vốn nào (vốn Nhà nước và xã hội hóa) để năm 2018 xong đưa vào khai thác sử dụng, đảm bảo an ninh an toàn.

Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện đề án đường cao tốc Bắc-Nam để báo cáo Quốc hội kỳ họp thứ 3 vào tháng 5 tới. Bộ GTVT phải đồng thời làm các dự án đường cao tốc đã và đang triển khai, tiếp tục lập dự án khi Quốc hội thông qua thì đủ cơ sở để triển khai; Đẩy nhanh tiến độ lập báo cáo khả thi sân bay quốc tế Long Thành để sau 2020 đầu tư, 2025 đưa vào sử dụng. Rà soát đề án đường sắt tốc độ cao vào năm 2018, nếu cho phép thì để 2020 trở đi đến năm 2030 đầu tư các đoạn đầu tư tốc độ cao ưu tiên như Hà Nội-Vinh, TP.HCM-Nha Trang.

Bộ GTVT cần phối hợp với các địa phương để có kế hoạch đầu tư các cảng biển như cảng Lạch Huyện, Cái Mép-Thị Vải, cảng chuyên dùng. Mở rộng nâng cấp đường thủy nội địa để giảm áp lực vận tải đường bộ, hệ thống đường thủy nội địa chưa tốt nên tiếp tục có kế hoạch để cái tạo nâng cấp.

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và kế hoạch 5 năm 2016-2020.

Trước ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa thay mặt lãnh đạo Bộ GTVT và toàn thể cán bộ công chức, viên chức người lao động ngành GTVT tiếp thu ý kiến chỉ đạo và hứa sẽ tiếp tục đoàn kết cố gắng nhiều hơn nữa đẩy mạnh tái cơ cấu tổng thể ngành GTVT, quyết liệt cải cách, đổi mới, tập trung nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả các lĩnh vực công tác, quyết tâm xây dựng ngành GTVT phát triển toàn diện, góp phần thức đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước.

Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đã trao Cờ thi đua xuất sắc cho các đơn vị thuộc Bộ và các địa phương đã có thành tích trong phong trào thi đua năm 2016. Đồng thời, Bộ trưởng đã phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và kế hoạch 5 năm 2016-2020. Theo đó, chủ đề thi đua toàn ngành là “Phát huy truyền thống đi trước mở đường, tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, quyết liệt hành động vì lợi ích của người dân và cộng đồng doanh nghiệp”. Các đơn vị tổ chức các phong trào thi đua có tính thiết thực, hiệu quả, tạo sự thay đổi mạnh mẽ về chất lượng phong trào; tạo sự chuyển biến nhận thức và hành động, thu hút đông đảo CNVCLĐ tham gia, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước, của Ngành…

Theo tapchigiaothong.vn