Việt Nam là một quốc gia đang phát triển. Tốc độ tăng trưởng phương tiện giao thông cá nhân tương đối cao. Trung bình một ngày có khoảng 7000 xe máy và 500 ôtô được đăng ký mới. Đi đôi với sự gia tăng các phương tiện cá nhân là sự gia tăng số vụ tai nạn giao thông, trong đó 70% số ca tử vong do TNGT đường bộ xảy ra ở người điều khiển và người ngồi trên môtô, xe máy.
Khi xảy ra va chạm giao thông, một trong những biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu tai nạn giao thông cho người sử dụng xe môtô, xe gắn máy là việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm. Mũ bảo hiểm có thể giảm được nguy cơ chấn thương đầu và chấn thương sọ não do giảm nhẹ được tác động của lực lên đầu. Đội mũ bảo hiểm là biện pháp duy nhất, hiệu quả nhất để phòng tránh chấn thương vùng đầu và tử vong do TNGT gây ra. Đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe máy có thể giảm tới 42% nguy cơ tử vong, với xác suất tùy thuộc vào tốc độ của môtô, xe máy.
Chính vì tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe gắn máy, ngày 26 tháng 4 năm 2007, Thủ Tướng Chính phủ đã ban hành Nghị Quyết 32 yêu cầu tất cả mọi người khi tham gia giao thông bằng môtô, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm (Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 15 tháng 12 năm 2007). Sau một năm triển khai mạnh các biện pháp tuyên truyền, giáo dục và cưỡng chế thực thi pháp luật của lực lượng cảnh sát giao thông, cả nước đã giảm được trên 1500 người chết do tai nạn giao thông. Trong bối cảnh một quốc gia có tới 95% số phương tiện cơ giới là môtô, xe máy, mũ bảo hiểm được đánh giá đã đóng góp phần lớn vào mức giảm này.
Mặc dù trên thực tế mũ bảo hiểm đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc giảm chấn thương sọ não và tử vong nhưng hiện nay chất lượng của mũ bảo hiểm đang được sử dụng và bán cho người tiêu dùng còn tồn tại nhiều vấn đề.
Trong thời gian qua, Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) đã tiến hành nghiên cứu thực trạng chất lượng mũ bảo hiểm ở Việt Nam nhằm thông tin cụ thể cho các cơ quan hữu quan trọng công tác xây dựng chính sách quản lý chất lượng mũ bảo hiểm.
Nghiên cứu được tiến hành trong hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, WHO đã thu thập 800 mũ bảo hiểm hiện đang được sử dụng tại 5 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và Quảng Ninh. Giai đoạn thứ 2, nhóm khảo sát đã mua mới và tiến hành đánh giá hấp thụ xung động của 200 mũ bảo hiểm tại Hà Nội và Thành phố Hồ chí Minh.
Đối với mũ đang sử dụng, có tới 58% số mũ đạt yêu cầu về trọng lượng và các bộ phận cần thiết. Tuy nhiên khi tiến hành đánh giá hấp thụ xung động, chưa tới 25% đạt yêu cầu (xem hình 1).
Hình 1 - Mũ đạt chuẩn và giá bán
Ở giai đoạn thứ hai của nghiên cứu, 200 mũ được chọn mua mới ngẫu nhiên từ danh sách 313 mũ bảo hiểm đạt chuẩn theo thông báo của Bộ Khoa học & Công nghệ. Tất cả số mũ này đều có dán tem hợp chuẩn (CR).
Qua kiểm tra cho thấy 100% số mũ bảo hiểm này đạt yêu cầu về trọng lượng và các bộ phận cần thiết (Xem bảng 1). Tuy nhiên chỉ có 39% mũ bảo hiểm kiểu nhiệt đới và 37,5% mũ bảo hiểm kiểu nửa đầu đạt yêu cầu kiểm định về hấp thụ xung động. Đây là một thông tin rất đáng quan tâm vì trên thực tế, trên 90% số mũ bảo hiểm được sử dụng tại Việt Nam là loại che nửa đầu và nhiệt đới.
Bảng 1. Kết quả thử nghiệm của mũ bảo hiểm mới
|
Số lượng kiểm tra |
Kết quả kiểm tra các bộ phận cần thiết |
Kết quả kiểm tra hấp thụ xung động |
||
Số sản phẩm đạt chuẩn |
% |
Số sản phẩm đạt chuẩn |
% |
||
Mũ bảo hiểm kiểu nhiệt đới |
92 |
92 |
100 |
36 |
39,1 |
Mũ bảo hiểm kiểu nửa đầu |
104 |
104 |
100 |
39 |
37,5 |
Mũ bảo hiểm kiểu cả đầu |
4 |
4 |
100 |
4 |
100 |
Từ kết quả nghiên cứu, đánh giá chất lượng mũ bảo hiểm đang sử dụng và mũ hoàn toàn mới tại một số tỉnh, thành phố của Việt Nam, có thể khẳng định chất lượng của mũ bảo hiểm là một vấn đề cần hết sức quan tâm. Công tác quản lý chất lượng mũ bảo hiểm là một nhiệm vụ quan trọng và đòi hỏi trách nhiệm liên ngành. Trên thực tế, việc đảm bảo chất lượng của mũ bảo hiểm phải bắt đầu từ cơ sở sản xuất, bên cạnh đó việc tuyên truyền và thực thi pháp luật yêu cầu người dân sử dụng mũ bảo hiểm đạt chuẩn cũng cần được thực hiện một cách mạnh mẽ, nghiêm túc và thường xuyên. Với sự vào cuộc của các Bộ, Ngành liên quan và của toàn xã hội, mới có thể duy trì được hiệu quả Nghị quyết 32 của Chính phủ.
Theo Nguyễn Phương Nam (1) - Lã Ngọc Quang (2)
WHO Việt Nam - (2) Đại học Y tế Công cộng Hà Nội