Một chiếc VinFast Lux A2.0 "gãy càng" vì tông phải ụ bê tông con lươn
Thời gian qua, đã có nhiều tình huống tai nạn khác nhau xảy ra tại Việt Nam khiến xe hơi bị "rụng bánh". Vụ việc được mang ra bàn luận trên các diễn đàn xe trên mạng xã hội. Nhiều người cho rằng đây là lỗi kỹ thuật của nhà sản xuất, ít ai hiểu rằng tai nạn này là chuyện thường thấy trên thế giới.
Không thể "rụng bánh" nếu không có va chạm
Nhiều chuyên gia trước đó đã nhận định một số góc va chạm trực tiếp với phần bánh trước, đặc biệt khi xe đang đánh lái, chiếc xe dễ bị gãy trục trước.
Camera hành trình trên xe chạy ngược chiều cho thấy, chiếc VinFast bị gãy bánh do tông phải ụ bê tông con lươn trên đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp, TP.HCM) vào ngày 16.2.2021
Về kỹ thuật, bánh trước trên xe hơi được định vị vào khung xe bởi các chi tiết của hệ thống treo, bao gồm thanh dẫn hướng, lò xo và hệ thống giảm chấn. Về cơ bản, hệ thống này được thiết kế đủ vững chắc nhằm mục đích sự dụng cho nhiều cấu hình xe khác nhau, và không dễ bị gãy hay rụng ở điều kiện sử dụng thông thường.
Ngay cả trong điều kiện vận hành hiệu suất cao trên đường đua với tốc độ lên đến hàng trăm km/giờ và bẻ lái liên tục, những mẫu xe thương mại giá rẻ cũng gần như không thể rụng bánh hay gãy càng nếu không xảy ra va chạm.
Tại Việt Nam, nhiều mẫu xe tải dù là có thương hiệu hay các mẫu xe Trung Quốc thường xuyên chở nặng, chở quá khổ, quá tải nhưng vẫn vận hành bình thường hàng chục năm mà không bao giờ có hiện tượng "rụng bánh" nếu không gặp tai nạn. Do đó, đối với xe con, xe du lịch, việc xe tự nhiên bị "rụng bánh" khi đang chạy là điều không thể xảy ra.
Chiếc Ford Explorer bị gãy trục đánh lái, khiến bánh xe xoay gần 90 độ
Dễ gãy càng trước nếu đâm vào góc hiểm
Dù hệ thống treo và cơ cấu lái trên xe hơi được thiết kế bền bỉ, khó hư hỏng trong quá trình vận hành, nhưng chi tiết này lại khá mong manh, dễ dàng bị gãy nếu gặp ngoại lực tác động.
Hệ thống treo và cơ cấu lái còn có tác dụng cung cấp cho cảm giác lái của tài xế, nếu thiết kế quá cứng sẽ dẫn tới việc hy sinh một số cảm giác vận hành, cũng như ảnh hưởng tới kết cấu của hệ thống giảm chấn.
Va chạm và bị "rụng bánh" là việc xảy ra bình thường trên thế giới
Khi va chạm, đặc biệt là ở một số góc "hiểm", phần đầu xe không thể che chắn cho hệ thống treo phía trước, Một va chạm từ bên hông khi bánh xe đang ở góc lệch sẽ khiến bộ phận này bị bẻ ngược và có khả năng gãy rời. Đây là điều hoàn toàn bình thường và có thể xảy ra ở bất kỳ loại xe nào, hãng xe nào trên thế giới.
Trên thực tế, thị trường cũng có một số mẫu xe đặc thù được gia cố mạnh mẽ ở hệ thống treo trước, tuy nhiên đó là những loại xe được chế tạo cho các mục đích chuyên dụng, không phải là xe thương mại. Làm sao để tránh bị "rụng bánh"?
Nhiều người khi lái xe không giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước nên dẫn tới việc phản xạ đánh lái khi gặp tình huống bất ngờ, xe dễ va chạm với các vật cứng như con lươn, lề đường khi bánh xe ở trạng thái hướng ra ngoài, dẫn tới việc "rụng bánh".
Đa phần người Việt lái xe, khi gặp tình huống nguy hiểm không dám hoặc không thể đạp phanh hết mức, có thể do phản xạ lái chưa tốt hay chỉnh ghế lái sai tư thế trước khi khởi hành, dẫn tới việc đạp phanh không hiệu quả, và buộc phải đánh lái, dẫn đến va chạm và hư hỏng xe ngoài ý muốn.
Người lái xe nên giữ khoảng cách an toàn để tránh gặp phải tai nạn đáng tiếc
Khi đạp phanh hết mức, chiếc xe sẽ kích hoạt hệ thống an toàn như ESP và ABS, người lái vẫn có thể đánh lái và không sợ lật xe, đồng thời khoảng cách phanh cũng được rút ngắn. Việc đạp phanh tối đa sẽ giảm lực va chạm, trong khi đánh lái một cách chủ động sẽ giảm thương vong và thiệt hại cho người và phương tiện.
Do đó, việc làm chủ tốc độ cũng như giữ khoảng cách an toàn là những điều kiện cần thiết để tránh gặp phải các va chạm ngoài ý muốn, dẫn tới hư hỏng các chi tiết của xe, trong đó có phần càng trước, bánh xe hay hệ thống treo.
Theo Báo Thanh Niên – Thiên Ân st.