Hành vi chống đối luôn luôn sai
Chuyện chống đối CSGT không phải bây giờ mới có nhưng gần đây nó trở nên đáng báo động vì tính chất nghiêm trọng tăng đột biến.
Trước đây, chỉ có những chiến sĩ công an phòng, chống tội phạm nguy hiểm, bắt ma túy, buôn lậu… mới bị người vi phạm chống đối mạnh đến mức mất mạng. Còn bây giờ, lỗi vi phạm giao thông đua xe, chở quá tải, đi sai làn đường hay vượt đèn đỏ phạt tiền cùng lắm vài trăm ngàn đến vài triệu đồng, có đáng để làm như vậy?
Nói như thế để thấy rằng đối tượng có hành vi chủ động chống đối đến mức độ gây thương tích, nguy hiểm tính mạng CSGT thực sự là quá khích, có tính chất côn đồ, cần phải lên án và phán xử nghiêm minh.
Nhiều CSGT quận 12 (TP.HCM) và lực lượng chức năng giúp đỡ người dân bị đổ hàng hóa xuống đường. Ảnh: LÊ THOA
Hãy lấy luật để bảo vệ mình
Tuy nhiên, để loại trừ tận gốc rễ nguy cơ gia tăng tình trạng chống đối CSGT cần nhìn cả hai phía. Về phía người dân, đi sai luật, không có giấy tờ… đã là vi phạm và phải chấp hành quy định chế tài, xử phạt.
Mức phạt như thế nào là đúng, là không bị “bắt nạt” thì phải tự trang bị kiến thức để có cơ sở mà tranh luận hoặc ít nhất cũng biết hỏi anh Google. Đó là tuân thủ pháp luật, làm đúng bổn phận công dân. CSGT cũng sẽ nể và không thể làm sai luật.
Trong hầu hết trường hợp, tôi cho rằng một thái độ mềm mỏng, khéo léo sẽ hữu ích với chúng ta. Không có chuyện gì là không thể giải quyết, ăn thua là thái độ, tôi tin như vậy.
Trường hợp cảm thấy có tiêu cực, có sự thái quá mà không thể thương lượng, cách phản ứng khôn ngoan là thu thập bằng chứng CSGT vi phạm để tố cáo trước pháp luật. Người dân không bao giờ nên “tự xử” bởi sẽ không thể hợp lý hóa hành vi ấy bằng bất cứ cách nào.
Hình ảnh chiến sĩ CSGT cần tích cực hơn
Nói đi cũng phải nói lại, cần xem xét lại trong các vụ chống đối có hay không một “chất xúc tác” đã thổi bùng cơn giận, kích động người vi phạm chống lại lực lượng chức năng?
Có lẽ không vô lý mà mới đây Bộ Công an ban hành dự thảo quy tắc ứng xử của Công an nhân dân. Người dân, cho dù phạm luật, họ vẫn cần được tôn trọng. Nếu cảnh sát có thái độ không phù hợp như quát nạt, căng thẳng, đụng chạm kể cả tiêu cực… thì ở thế bí bách, một số người sẽ trở ngược, lấy tấn công làm tự vệ. Tiền lệ xấu này sẽ gia tăng nếu phía cảnh sát không xem xét điều chỉnh.
Hình ảnh tích cực CSGT giúp đỡ người dân trong cơn mưa to. Ảnh: Báo CAND
Dẫu biết điều kiện làm việc của CSGT không khói bụi nắng nôi thì mưa gió, ngập ngụa, khó nhọc nảy sinh khó tính là có thể hiểu được. Nhưng đó là công việc, đã chọn theo nghề thì làm tốt công việc là phận sự cũng như bất cứ người lao động nào khác. Nhiệm vụ của CSGT là đảm bảo trật tự giao thông, khi xử lý công việc với dân bắt buộc phải giữ thái độ đúng mực, chuyên nghiệp và hợp tác.
Gần đây, hình ảnh của CSGT đã tích cực lên nhiều qua những vụ việc được xử lý thỏa đáng, nghiêm minh và đúng mực. Hình ảnh CSGT giúp đỡ người bị nạn, trân mình trong mưa gió, kẹt xe, xông pha bắt cướp… cần phát huy hơn nữa. Khi làm tốt phận sự, chắc chắn cảnh sát sẽ nhận được ủng hộ, giúp sức và cả bảo vệ hết mình của quần chúng.
CSGT bế người đàn ông không đi vững ra taxi. Ảnh: Internet
Giúp người chuyển hàng trên con đường ngập nặng. Ảnh: Facebook
CSGT hỗ trợ đưa học sinh đến trường. Ảnh: Vietnamnet
Mong rằng những hình ảnh đẹp như thế này về người chiến sĩ công an hết lòng phục vụ, bảo vệ nhân dân sẽ được gìn giữ và phát huy.
Theo PLO