Tuy nhiên, trong thời gian qua liên tiếp xảy ra nhiều vụ TNGT liên quan đến xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và xe ô tô tải gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Hiện trường 1 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng.

THỰC TRẠNG TNGT NGHIÊM TRỌNG VỚI XE KINH DOANH VẬN TẢI.

Trong 4 tháng đầu năm (tính từ ngày 16/12/2016 đến 15/4/2017), toàn quốc xảy ra 6.369 vụ TNGT, làm chết 2.795 người, bị thương 5.119 người; so với 4 tháng đầu năm 2016, TNGT giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Cụ thể, số vụ TNGT giảm 259 vụ (-3,91%), số người chết giảm 68 người (-2,38%), số người bị thương giảm 729 người (-12,47%).

Riêng trong tháng 4/2017 (từ ngày 16/3/2017 đến 15/4/2017), toàn quốc xảy ra 1.556 vụ, làm chết 681 người vàlàm bịthương 1.284 người; so với cùng kỳ năm 2016 giảm 85 vụ(-5,18%), tăng 12 người chết (1,79%), giảm 42 người bịthương (-3,17%).

Trong 4 ngày nghỉ lễ (29/4 - 02/5/2017), cả nước xảy ra 125 vụ, làm chết 98 người, bị thương 90 người; so với cùng kỳ năm 2016 (30/4 - 3/5/2016) giảm 27 vụ (-17,8%); giảm 13 người chết (-11,7%), giảm 48 người bị thương (-34,8%); tất cả các trường hợp trên đều là TNGT đường bộ.

Có thể thấy, trong những tháng đầu năm 2017, tình hình TTATGT trên cả nước tiếp tục được cải thiện, TNGT giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2016, UTGT trên các trục giao thông chính và các đô thị lớn từng bước được khắc phục. Tuy nhiên, trong thời gian qua liên tiếp xảy ra nhiều vụ TNGT liên quan đến xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và xe ô tô tải gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Điển hình ngày 16/3/2017, trên địa bàn tỉnh Hà Nam xảy ra vụ tai nạn giữa xe chở khách hợp đồng và xe tải làm chết 3 người, bị thương 10 người. Ngày 18/3/2017, trên địa bàn tỉnh Gia Lai xảy ra vụ tai nạn giữa xe khách chở học sinh và xe tải làm chết 3 người, bị thương 15 người. Gần đây nhất, ngày 31/3/2017 tại tỉnh Nghệ An liên tiếp xảy ra 02 vụ tai nạn liên quan đến xe khách, xe tải làm chết 6 người. Nghiêm trọng nhất là vụ tai nạn xảy ra lúc 4h35 ngày 7/5/2017 tại Km1632 + 100 đường Hồ Chí Minh thuộc địa bàn huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai giữa xe ô tô tải biển kiểm soát 77C - 139.37 và xe ô tô chở khách biển kiểm soát 18B - 018.32 làm 13 người bị chết, 32 người bị thương.

NHỮNG TỒN TẠI VÀ BẤT CẬP

Từ ngày 01/01/2017 đến 6/5/2017 đã xảy ra 23 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 77 người và 100 người bị thương, trong đó có 17 vụ TNGT đường bộ, 2 vụ TNGT đường sắt, 3 vụ TNGT đường thủy nội địa, 01 vụ TNGT hàng hải. Theo thống kê của CSGT và cơ quan điều tra, nhân tố con người là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh những bất cập trong hành vi của người tham gia giao thông là hệ quả trực tiếp và gián tiếp của những yếu kém tồn tại trong các quy định pháp luật có liên quan tới công tác bảo đảm TTATGT, hiệu lực thực thi pháp luật, hệ thống giáo dục và tuyên truyền nói chung và đào tạo sát hạch cấp phép lái xe nói riêng, những bất cập về hạ tầng, quản lý phương tiện; công tác tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm và công tác ứng phó cứu hộ sau tai nạn.

Tai nạn đường sắt đặc biệt nghiêm trọng vào tháng 2/2017

Ngoài những phân tích nguyên nhân về mặt kỹ thuật, nhìn rộng hơn có thể thấy một số nguyên nhân lớn hơn:

Hiện nay chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu địa phương, đơn vị, người thực thi công vụ trong bảo đảm TTATGT dẫn đến tình trạng còn một bộ phận người đứng đầu, người thực thi nhiệm vụ có biểu hiện hạn chế về năng lực, thiếu trách nhiệm, dung túng vi phạm, thậm chí tiêu cực, làm trái quy định;

Ý thức của tài xế còn hạn chế là một trong những nguyên nhân gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng.

Còn tồn tại các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT chưa được xử lý dứt điểm; tình trạng vi phạm hành lang ATGT, lấn chiếm lòng, lề đường bộ, đường sắt trái phép diễn ra tràn lan; còn tồn tại 4.268 lối đi dân sinh bất hợp pháp qua đường sắt;

Hạn chế về ý thức chấp hành pháp luật, đạo đức và kỹ năng điều khiển phương tiện của một bộ phận người tham gia giao thông, đặc biệt là một số lái xe tải, xe khách; hiện tượng chủ xe khoán trắng cho lái xe chịu hoàn toàn trách nhiệm trong kinh doanh và khai thác phương tiện;

Sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện cơ giới đường bộ, đặc biệt là xe ô tô tải, xe hợp đồng; hạn chế của công tác tổ chức, điều tiết giao thông khi có tai nạn và sự cố giao thông;

Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều tiết giao thông, điều hành vận tải, giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm còn hạn chế;

Kinh phí phục vụ cho công tác bảo đảm TTATGT còn hạn chế, thiếu cơ chế để địa phương tạo và duy trì nguồn ngân sách cho công tác bảo đảm TTATGT;

Việc phát huy vai trò của đoàn thể chính trị trị xã hội trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT, vận động nhân dân tham gia bảo đảm TTATGT, nhất là đối với thanh thiếu niên trên một số địa bàn còn hạn chế.

GIẢI PHÁP KÉO GIẢM TNGT ĐẶC BIỆT NGHIÊM TRỌNG VỚI XE KINH DOANH VẬN TẢI

Lực lượng CSGT tăng cường kiểm tra, xử lý các phương tiện kinh doanh vận tải vi phạm

Để kéo giảm các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng với xe kinh doanh vận tải, ngoài việc kiên trì thực hiện các giải pháp chung, có thể nghiên cứu tập trung một số giải pháp sau:

Rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản QPPL liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT; nghiên cứu ban hành quy định cụ thể trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu đơn vị, địa phương, người thực thi công vụ (đăng kiểm, sát hạch lái xe, quản lý vận tải, tuần tra kiểm soát) trong công tác bảo đảm TTATGT;

Xây dựng “Quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng có liên quan trong công tác bảo đảm TTATGT”, trong đó có Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ Y tế, chính quyền địa phương...;

Rà soát, bổ sung chương trình đào tạo và nội dung sát hạch lý thuyết, thực hành đối với lái xe ô tô kinh doanh vận tải; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, đặc biệt là đối với các cơ sở đào tạo, sát hạch có nhiều lái xe bị xử phạt vi phạm và gây TNGT;

Tổ chức khám sức khỏe đối với lái xe ô tô kinh doanh vận tải, đặc biệt là kiểm tra, phát hiện và chấm dứt hợp đồng lao động với lái xe dương tính với ma túy;

Kiểm tra thực hiện các quy định pháp luật về đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ, đặc biệt là đối với xe tải, xe khách; tổng điều tra phương tiện thủy nội địa trong cả nước;

Rà soát và ban hành quy định thắt dây an toàn với tất cả hành khách trên ô tô và áp dụng trong thời gian sớm nhất, trước hết với toàn bộ các xe ô tô kinh doanh vận tải;

Tiếp tục thực hiện tuần tra kiểm soát, chú trọng tuần tra lưu động, mô hình tổ tuần tra phối hợp CSGT với các lực lượng Cảnh sát khác; đẩy mạnh sử dụng trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp nhận hình ảnh, video clip từ người dân để làm căn cứ xác minh vi phạm và xử phạt; tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về TTATGT, chú trọng thực hiện các chuyên đề xử lý đối với xe ô tô vi phạm quy định xe ô tô chở khách theo hợp đồng, chở quá tải trọng, vi phạm các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, đặc biệt là vi phạm về tốc độ, đón, trả khách không đúng quy định...;

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT tới mọi đối tượng, trong đó chú trọng xây dựng văn hóa giao thông cho thanh, thiếu niên;

Tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa trên địa bàn; chú trọng tập trung kiểm tra các đơn vị kinh doanh vận tải có nhiều vi phạm quy định về tải trọng bị các lực lượng chức năng xử lý hoặc có nhiều vi phạm về hành trình, tốc độ, thời gian lái xe liên tục, không truyền dữ liệu theo quy định thông qua việc trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe

TS. TRẦN HỮU MINH - ỦY BAN ATGT QUỐC GIA.