Nhận xe, chở người theo cam kết
Sáng 13/2, qua app GOCHEAP - Dịch vụ lái xe hộ đưa người sử dụng rượu bia về nhà, tài xế Nguyễn Công Anh nhận lịch hẹn của một vị khách trên phố Trích Sài (Hà Nội).
Dịch vụ "lái xe hộ" đưa người uống rượu bia về nhà đang nở rộ, góp phần đảm bảo an toàn cho người dân tham gia giao thông sau mỗi cuộc nhậu
Sau khi gọi điện xác nhận thời gian, địa điểm, đúng 13h chiều, anh Công Anh có mặt tại quán bia Cường Hói, nhận chìa khóa xe từ khách hàng để đưa họ về nhà ở quận Long Biên.
Tại Việt Nam, hiện có một số đơn vị kinh doanh dịch vụ lái xe hộ nổi bật như:
GOCHEAP, FAST GO, Bạn nhậu tôi lái… Riêng GOCHEAP quy định mức giá tối thiểu một chuyến đi 499 nghìn đồng/3 giờ, từ giờ thứ 4 phí 100 nghìn đồng/giờ; hai đơn vị còn lại tính phí tùy theo tuyến đường di chuyển. Thông qua app, khách hàng chỉ cần chọn điểm đón, điểm đến, loại xe, thời gian đón sẽ hiện số tiền khách hàng phải thanh toán.
Theo Nghị định 100/2019, người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước GPLX đến 24 tháng, còn với người điều khiển xe máy, mức phạt từ 6 - 8 triệu đồng, tước GPLX đến 2 năm.
Liền đó, anh xin phép sử dụng điện thoại quay video và cẩn thận kiểm tra hiện trạng bên ngoài xe cũng như bên trong khoang lái.
“Đây là việc làm cần thiết để tránh những rủi ro, khiếu nại không đáng có từ khách hàng”, anh Công Anh nói.
Tài xế này cho biết, anh tham gia dịch vụ lái xe hộ, đưa người uống rượu bia về nhà đã 3 năm, kể từ khi Nghị định 100 quy định mức xử phạt hành vi uống rượu bia sau khi tham gia giao thông có hiệu lực.
Gần đây, khi lực lượng CSGT mở cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn, công việc của anh cũng bận rộn hơn.
“Trung bình mỗi ngày tôi nhận lịch hẹn của 4 - 5 khách hàng để đưa họ và phương tiện về nhà sau mỗi cuộc nhậu. Mức giá dịch vụ theo quy định của công ty tối thiểu cho một chuyến là 499.000 đồng/3 giờ và 100.000 đồng/giờ tiếp theo trong giới hạn 100km cả đi và về”, tài xế Anh cho hay.
Tương tự, tài xế Phạm Văn Trường cho biết, dù công việc thường diễn ra vào chiều tối và tối muộn nhưng thu nhập khá, giúp khách hàng về nhà an toàn, khiến anh cảm thấy có động lực làm việc mỗi ngày.
Anh Phạm Thắng (trú tại quận Nam Từ Liêm) thường xuyên sử dụng dịch vụ lái xe hộ cho biết, không chỉ đảm bảo an toàn về tính mạng mà còn giúp tránh được mức phạt hàng chục triệu đồng nếu lỡ bị CSGT kiểm tra trên đường.
Ông Phạm Việt Tiệp, Giám đốc Marketing của GOCHEAP cho biết, dịch vụ lái xe hộ cho người uống rượu bia được công ty triển khai từ khi Nghị định 100 được ban hành.
Vài tháng gần đây, số khách hàng đã tăng 150% so với thời điểm trước dịch. “Không chỉ ở Hà Nội, chúng tôi còn mở rộng kinh doanh ra nhiều tỉnh, thành phố khác như Đà Nẵng, TP.HCM.
Giá cả, thông tin tài xế được niêm yết công khai. Các quy định dịch vụ, hợp đồng được cam kết nên khách hàng không phải lo ngại gì”, ông Tiệp nói.
Cần nhân rộng để kéo giảm TNGT
Tài xế "lái xe hộ" Nguyễn Công Anh cho biết, trung bình mỗi ngày anh đưa 4 - 5 người đã uống rượu bia trở về nhà an toàn cùng chiếc xe của họ
Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, trong cao điểm kiểm tra xử lý vi phạm trật tự ATGT của lực lượng CSGT dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, có hơn 7.700 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, chiếm hơn 35% tổng số vi phạm về TTATGT.
Theo Thiếu tá Trần Quang Chinh, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, có thời điểm, lực lượng 141 kiểm tra nhanh 400 xe trong 1 buổi tối nhưng chỉ có 1 trường hợp vi phạm.
Điều này chứng tỏ ý thức của nhiều người đã được nâng lên từ khi lực lượng CSGT quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn.
“Thực tế rất nhiều người do tính chất công việc thường xuyên phải tham gia các cuộc nhậu, tiếp khách. Không phải ai cũng có điều kiện kinh tế để có tài xế riêng. Dịch vụ lái xe đưa người uống rượu bia về nhà đáp ứng yêu cầu của không ít người”, ông Chinh nói.
Cũng theo ông Chinh, các nhà hàng, quán ăn cần thích ứng với tình hình để có sự liên kết, phối hợp với các công ty dịch vụ lái xe hộ, thậm chí, có thể tự triển khai dịch vụ này.
Đồng quan điểm, Thượng tá Phạm Việt Công, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT nhìn nhận, dịch vụ này rất thiết thực, nên khuyến khích phát triển.
Tuy nhiên, người dân cũng nên chủ động tìm hiểu, chọn sẵn cho mình một đơn vị cung cấp dịch vụ tin cậy để sử dụng khi cần, tránh gặp những rủi ro về tài sản, tính mạng.
“Việc người dân tìm kiếm lái xe hộ sau mỗi cuộc nhậu đã thể hiện ý thức chấp hành Luật GTĐB và bảo đảm an toàn cho bản thân, góp phần quan trọng giúp đảm bảo ATGT và kéo giảm TNGT.
Dịch vụ này có đặc thù rất riêng, vì vậy, phải có độ tin cậy cao, đảm bảo chất lượng, lái xe phải đảm bảo đủ điều kiện về bằng lái, sức khỏe, nhân thân. Các đơn vị cung cấp dịch vụ cần công khai những thông tin trên đến khách hàng và đảm bảo trách nhiệm nếu có sự cố phát sinh”, Thượng tá Công nói.
Nở rộ ở nhiều nước
Nhiều nước trên thế giới đã thắt chặt quy định xử phạt hành vi lái xe khi có hơi men từ lâu. Cũng bởi vậy mà các dịch vụ đưa đón, lái xe thuê cho người sử dụng bia rượu ngày một phát triển.
Nổi bật nhất phải nhắc tới Hàn Quốc. Dịch vụ này hoạt động thông qua ứng dụng trên điện thoại. Người dùng đăng nhập ứng dụng, đặt yêu cầu và trung tâm điều phối sẽ cử lái xe tới phục vụ.
Hiệp hội Lái xe dịch vụ Hàn Quốc cho biết, ước tính có hơn 5.500 công ty đăng ký trên cả nước và hàng ngàn công ty chưa đăng ký, sử dụng tới 120.000 tài xế thay thế. Với khoảng 20km, khách phải trả 15.000 won (tương đương 300.000 VNĐ) cho tài xế. Ước tính, mỗi tháng, người làm nghề lái xe thuê ở Hàn Quốc thu nhập khoảng 2 triệu won (tương đương 40 triệu VNĐ).
Tại Trung Quốc, vài năm trở lại đây dịch vụ cũng nở rộ, từ đó hình thành một ngành nghề mới được khá nhiều người lựa chọn, với số lượng lên tới hàng triệu tài xế chuyên nghiệp đang ngày đêm làm công việc này.
Ở Trung Quốc, chỉ cần kiểm tra phát hiện trong hơi thở có nồng độ cồn, sẽ đối mặt với các hình phạt như tịch thu bằng lái, cấm lái xe có thời hạn, thậm chí xử lý hình sự.
Theo atgt.vn