Những tháng gần đây, lực lượng CSGT toàn quốc quyết liệt xử lý nồng độ cồn, khiến đa phần các tài xế đã uống rượu bia là không dám cầm lái. Bởi ai cũng lo bị xử phạt mức cao, tước bằng lái, giữ xe... nếu thổi vào máy đo cho kết quả vi phạm nồng độ cồn.

Cùng đó, một số người dân cũng lo ngại nếu xảy ra khi có những trường hợp không uống rượu, bia mà máy đo vẫn hiển thị thông số nồng độ cồn, thì cần phải làm gì để chứng minh, để không bị xử phạt.

Người dân có thể đi xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ cồn

Trả lời nội dung này, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Pháp Trị (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, nếu đúng là không uống rượu, bia mà kết quả vẫn báo là vi phạm nồng độ cồn thì người dân có thể yêu cầu CSGT đưa đi xét nghiệm máu tại cơ sở y tế gần nhất sẽ có kết quả chính xác.

Căn cứ Điều 4 Thông tư liên tịch 26/2014/TTLT-BYT-BCA quy định cơ sở y tế được xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ khi đủ các điều kiện sau đây:

Có khoa xét nghiệm hoặc phòng xét nghiệm hoặc bộ phận xét nghiệm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt danh mục kỹ thuật định lượng nồng độ cồn trong máu.

Có máy sinh hóa xét nghiệm nồng độ cồn trong máu, thiết bị bảo quản và lưu mẫu máu xét nghiệm.

Có cán bộ xét nghiệm đã có văn bằng đào tạo hoặc giấy chứng nhận về chuyên ngành xét nghiệm, nắm vững được quy trình xét nghiệm định lượng nồng độ cồn trong máu.

"Nếu kết quả xét nghiệm trong máu không có nồng độ cồn thì người tham gia giao thông sẽ không bị lập biên bản vi phạm", luật sư Lực nói.

Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Pháp Trị (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Luật sư Quách Thành Lực cũng cho biết, Điều 6 Thông tư liên tịch 26/2014/TTLT-BYT-BCA cũng quy định người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vi phạm Luật giao thông đường bộ phải chi trả chi phí xét nghiệm nồng độ cồn trong máu theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước.

"Chính vì thế, người dân nên cân nhắc việc yêu cầu CSGT đưa đi xét nghiệm máu, nếu đã sử dụng rượu bia thì không nên yêu cầu đưa đi xét nghiệm để tránh mất thời gian và làm tăng chi phí của chính bản thân mình", luật sư Quách Thành Lực nói.

4 trường hợp phải xét nghiệm nồng độ cồn trong máu

Thông tư số 26/2014/TTLT-BYT-BCA quy định 4 trường hợp phải xét nghiệm nồng độ cồn trong máu, gồm:

Người điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn hoặc bị tai nạn giao thông (TNGT) được cán bộ công an đang làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết TNGT yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu;

Người điều khiển phương tiện giao thông có liên quan đến vụ TNGT được cán bộ công an yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu;

Người điều khiển phương tiện giao thông có dấu hiệu sử dụng chất có cồn được cán bộ công an đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trong máu;

Người điều khiển phương tiện giao thông bị TNGT được đưa đến cơ sở khám, chữa bệnh được bác sĩ chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu.

Theo Báo Giao thông