Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa yêu cầu các đơn vị trực thuộc trong quá trình sửa Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) phải nghiên cứu kỹ thẩm quyền xử phạt của lực lượng thanh tra giao thông (TTGT) theo hướng TTGT chỉ xử phạt những hành vi vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông. Còn hành vi liên quan đến hoạt động vận tải nên giao cho CSGT xử phạt, đồng thời bổ sung một số hành vi để mở rộng tối đa quyền xử phạt của CSGT. Việc phân định này nhằm tránh sự chồng chéo của hai lực lượng trên trong xử phạt về giao thông.

Phát biểu của Bộ trưởng Thể không chỉ khiến giới doanh nghiệp vận tải và tài xế quan tâm mà ngay cả những cán bộ thực thi nhiệm vụ trong ngành GTVT cũng băn khoăn.

Không thấy chồng chéo

Nói về vấn đề này, ông Trần Quốc Khánh, Chánh TTGT Sở GTVT TP.HCM, cho rằng bất kỳ sở, ngành nào cũng đều có lực lượng thanh tra để kiểm soát, kiểm tra và xử lý đối với ngành đó. “Vì vậy, là lực lượng TTGT của Sở GTVT mà bỏ đi hoạt động xử phạt trên đường thì không còn mang danh TTGT. Nghĩa là TTGT phải thanh tra, xử lý các vấn đề mà Sở GTVT quản lý, không thể giao trách nhiệm này cho một ngành khác quản lý được” - ông Khánh nhấn mạnh.

Theo ông Khánh, Điều 86 Luật GTĐB có quy định quyền và trách nhiệm của TTGT và không có sự chồng chéo nào ở đây. Cụ thể, thanh tra đường bộ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về giao thông đường bộ. Trong đó, điểm a Điều 86 có quy định thanh tra phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng GTĐB, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình đường bộ.

Đồng thời, điểm b Điều 86 của Luật GTĐB có quy định thanh tra, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính trong việc chấp hành các quy định về hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải tại các điểm dừng xe, đỗ xe trên đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí và tại cơ sở kinh doanh vận tải đường bộ.

Nói về việc chồng chéo trong xử lý vi phạm vận tải, ông Khánh cho biết hoạt động xử lý vi phạm này không có sự chồng chéo mà các đơn vị luôn có sự phối hợp nhịp nhàng với nhau, bổ sung cho nhau. “Ví dụ, để xử lý việc dừng đỗ không đúng nơi quy định thì TTGT, CSGT, trật tự đô thị đều có thể xử lý được. Rõ ràng các lực lượng này bổ sung cho nhau vì không phải lúc nào các lực lượng này cũng có mặt” - ông Khánh giải thích.

Tương tự, về xử phạt xe chở quá tải, đây là hành vi liên quan đến kết cấu hạ tầng giao thông và tác động trực tiếp đến lĩnh vực ngành đang quản lý nên thẩm quyền xử phạt thuộc TTGT. Ngoài nhắc nhở lần một, xử phạt thì TTGT sẽ báo cáo về Sở GTVT để quản lý và sẽ thu hồi phù hiệu nếu phương tiện, doanh nghiệp đó tiếp tục vi phạm. Tuy nhiên, TTGT không được quyền dừng các phương tiện chạy quá tải mà thường kết hợp với CSGT trong các chuyên đề về chở quá tải trọng do TTGT chủ trì.

 
Bộ GTVT đang xem xét giảm bớt quyền của lực lượng thanh tra giao thông. Ảnh: HTD

Một đơn vị khó xử lý hết được

PV Pháp Luật TP.HCM đã đặt vấn đề về sự chồng chéo của hai lực lượng TTGT và CSGT với anh Nông Văn Đức, một tài xế lái xe lâu năm chạy tuyến TP.HCM - Phan Thiết. Anh Đức cho biết không thấy có sự chồng chéo về xử lý vi phạm giữa TTGT và CSGT. “Thông thường TTGT sẽ kiểm tra ở những bến cố định, kiểm tra phù hiệu, lộ trình, còn CSGT chỉ kiểm tra về tốc độ, chở quá tải. Khi cần thiết thì hai đơn vị này phối hợp để kiểm tra như hiện nay là hoàn toàn hợp lý” - anh Đức nhận xét.

Ông Quách Hôn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vận tải Tuyết Hon (Kiên Giang), chia sẻ việc chuyển giao thẩm quyền xử phạt liên quan đến vận tải cho CSGT và bổ sung một số hành vi để mở rộng tối đa quyền xử phạt của CSGT là không hợp lý. “Bởi mỗi đơn vị có quyền và trách nhiệm khác nhau đã được quy định cụ thể. Chẳng hạn, TTGT được quyền kiểm tra xe chạy hợp đồng không được đón khách dọc đường. Trường hợp giao trách nhiệm xử lý các vấn đề liên quan đến vận tải về một đơn vị thì khó có thể kiểm tra và xử lý hết được” - ông Hôn khẳng định.

Ngành công an dè dặt

Trong khi đó, người phát ngôn của Cục CSGT (Bộ Công an) tỏ ra dè dặt khi bàn đến vấn đề này. Vị cán bộ này chỉ nói hiện chưa nhận được văn bản hay đề nghị chính thức nào của Bộ GTVT về vấn đề này. “Khi có văn bản, đơn vị sẽ có ý kiến chính thức. Trước đây, cựu bộ trưởng Đinh La Thăng cũng từng đề cập tới vấn đề tăng thẩm quyền xử phạt cho lực lượng CSGT nhưng sau đó cũng chưa thực hiện được” - vị này nói.

Đại tá Nguyễn Thanh Bình, Cục phó Cục CSGT, cũng nói khi nào có văn bản chính thức của Bộ GTVT sẽ trả lời.

Tại TP.HCM, Trung tá Nguyễn Văn Bình, Đội trưởng Đội Tham mưu Phòng CSGT (PC08, Công an TP.HCM), cũng chỉ nói hiện Phòng CSGT chưa nhận được văn bản của Bộ GTVT hướng dẫn chi tiết về việc chuyển giao quyền và trách nhiệm xử phạt các hành vi liên quan đến vận tải. “Tuy nhiên, nếu được bàn giao nhiệm vụ thì không có việc gì là không làm được” - ông Bình nói.

Người của Bộ GTVT nói gì?

Theo Điều 86 của Luật GTĐB, TTGT chỉ được xử phạt các hành vi tĩnh tại. Cụ thể, TTGT xử phạt vi phạm hành chính trong việc chấp hành các quy định về hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải tại các điểm dừng, đỗ xe trên đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí và tại cơ sở kinh doanh vận tải đường bộ…

Đối với lực lượng CSGT, Điều 87 Luật GTĐB quy định lực lượng này được xử phạt các vi phạm của phương tiện lưu thông trên đường. Cụ thể, CSGT thực hiện việc tuần tra để kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ; xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ đối với người và phương tiện tham gia giao thông… Như vậy, theo quy định hiện hành, chức năng và nhiệm vụ của hai lực lượng này được tách bạch.

Tuy nhiên, vừa qua bộ trưởng có đề nghị tới đây sửa Luật GTĐB cần nghiên cứu mở rộng phạm vi xử phạt của CSGT. Với cơ quan tham mưu, chúng tôi sẽ nghiên cứu những chỉ đạo của Bộ trưởng.

Ông NGUYỄN VĂN THẠCHVụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT)

__________________________________

Về việc giao CSGT xử phạt những sai phạm của các đơn vị kinh doanh vận tải, cá nhân tôi nhận định CSGT không bao giờ nhận việc này vì không đủ lực lượng… Nên tôi nghĩ quy định hiện hành là phù hợp. Vấn đề ở đây, theo tôi, khi phát hiện xe vi phạm thì lực lượng chức năng cần phải xử lý minh bạch, rõ ràng, đúng người đúng lỗi để răn đe, giáo dục.

Ông BÙI DANH THÁIĐội trưởng Đội Thanh tra - an toàn (Cục Quản lý đường bộ I, Tổng cục Đường bộ)

 

 

Theo  plo.vn