Mỏ khai thác cát trên sông Hồng thuộc địa phận Hà Nội vẫn đang hoạt động bình thường

Cát đang bị làm giá?

Tại một số cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng, giá cát đang leo thang từng ngày, thậm chí từng giờ. Ông Nguyễn Ngọc Tiên, chủ cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng Tiên Thúy (số 90, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, cửa hàng của ông trong những ngày vừa qua nhiều lúc không có cát để bán cho khách. “Mới từ đầu tháng 3 trở lại đây, giá cát tăng liên tục, mà nguồn cung cũng chập chờn, khách muốn mua số lượng lớn phải báo trước ít nhất 2-3 ngày. Khi chúng tôi hỏi chủ cát thì cũng chỉ biết do cấm khai thác cát nên giá bị đẩy cao, hàng cũng khan hiếm”, ông Tiên nói.

Khảo sát trên thị trường cho thấy, giá cát biến động theo từng vùng, đặc biệt có sự chênh lệch khá lớn. Tại Hà Nội, giá cát có nhiều biến động theo chiều hướng tăng cao và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Cụ thể, tại bến Chèm (Thụy Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đầu tháng 3 giá cát vàng bán lẻ dao động từ 200 - 280 nghìn đồng/m3, giá cát đen dao động từ 60 - 100 nghìn đồng/m3. Tuy nhiên, tính tới ngày 15/4, giá cát vàng đã lên mức 300 - 350 nghìn đồng/m3, tăng gấp 1,4 lần so với đầu tháng 3; Giá cát đen ở mức từ 100 - 150 nghìn đồng/m3, tăng gấp 1,5 lần.

Tại TP Hồ Chí Minh, từ cuối tháng 3 đến nay, giá cát tăng mạnh. Cụ thể, giá cát vàng bán lẻ đầu tháng 3 dao động từ 220 - 260 nghìn đồng/m3, đến nay đã ở mức 450 - 500 nghìn đồng/m3, tăng gấp 2 lần. Tương tự, giá cát đen ở thời điểm hiện tại cũng ở mức cao từ 250 - 270 nghìn đồng/m3.

Lý giải giá cát tăng, các chủ kinh doanh đều cho hay, nhu cầu lớn trong khi nguồn cung thấp, giảm sút nên hàng luôn khan hiếm, buộc phải tăng giá bán. Tuy nhiên, chia sẻ với PV Báo Giao thông, anh L., một chủ hàng vận chuyển cát tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho hay, trong suốt 20 năm hành nghề, đây là lần đầu tiên anh thấy giá cát tăng cao, leo thang từng ngày như vậy. “Nguồn cung không hề thiếu, các mỏ khai thác vẫn bình thường, bất kể ở đâu gọi chúng tôi đều đáp ứng. Tuy nhiên, trước thông tin đang cấm khai thác cát nên các hộ kinh doanh họ tự ý điều chỉnh, phát giá”.

Ông Hoàng Văn Nhượng, Chánh văn phòng Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cũng nhận định, những mỏ khai thác cát tại nhiều địa phương vẫn hoạt động bình thường. “Hiện, trên từng địa bàn, liên Sở Xây dựng - Tài chính vẫn thường xuyên công bố giá vật liệu xây dựng, trong đó có giá cát. Tuy nhiên, đây chỉ là hình thức tham khảo. Công bố một đằng, nhưng giá bán thực tế vẫn do thỏa thuận giữa hai bên mua - bán. Nhiều khi cũng không tránh khỏi việc đầu nậu kinh doanh tạo khan hiếm giả, đẩy giá bán cao, như hiện tại có nơi giá cát đã tăng gấp 2-3 lần”, ông Nhượng nói.

Ảnh hưởng tới các công trình xây dựng giao thông

Nói về giá cát tăng cao, tác động tới chi phí xây dựng, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho biết: “Giá cát tăng sẽ tác động tới những công trình cầu đường, còn đối với các công trình xây dựng nhà ở thì hầu như không bị ảnh hưởng hoặc nếu có cũng rất ít”. Vì thế, ông Đực khẳng định, sẽ không có chuyện tăng giá nhà ở do giá cát tăng. “Chi phí cát chỉ chiếm khoảng 1% tổng chi phí xây dựng của công trình nhà ở. Trong khi đó, nếu nói về giá bán, đối với phân khúc nhà ở xã hội, chi phí xây dựng chiếm khoảng 60-70%; Với phân khúc cao cấp thì chi phi này chỉ chiếm khoảng 30-40% giá bán”,  Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành lý giải.

Đối với các công trình cầu đường, theo các nhà chuyên môn, do cần lượng cát lớn nên chi phí cát sẽ chiếm từ 5-10% tổng mức đầu tư công trình. Một chủ DN xây dựng tại Hà Nội vừa trúng thầu công trình tuyến đường liên huyện cho hay: Theo giá công bố mới nhất của liên Sở Xây dựng - Tài chính Hà Nội, giá cát xây là 56 nghìn đồng/m3; Giá cát san lấp khoảng 50 nghìn đồng/m3. Khi lập hồ sơ thầu, DN cũng chỉ tính biên độ tăng - giảm giá vật liệu 5% trên cơ sở giá đã công bố. Thế mà giờ đây, riêng giá cát đã đội lên hơn 100%. Trong tình hình này, chắc chúng tôi phải xin tạm dừng thi công, đề xuất chủ đầu tư điều chỉnh đơn giá, sau đó mới tính phương án thi công tiếp theo”, chủ DN nói.

Cao tốc Bến Lức – Long Thành

Ông Đàm Xuân Toan, Phó tổng giám đốc Tổng công ty XDCTGT4 (CIENCO4) cho biết, giá cát thời gian qua tăng đột biến gây ảnh hưởng rất lớn đến việc thi công các công trình xây dựng giao thông, cả dự án chuẩn bị triển khai và các dự án đang triển khai.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông kiểm tra công trường cao tốc Bến Lức - Long Thành ngày 22/6

“Hiện nay, dự án Bến Lức - Long Thành do CIENCO4 đảm nhiệm thi công đang rất vất vả về vật liệu cát. Giá cát tăng lên đột biến, nhà thầu bị ép giá, không mua sẽ ảnh hưởng đến tiến độ dự án, mua vào thì giá trên trời. Thông tin tôi được biết giá cát ở đây tăng thêm từ 80.000 - 120.000 đồng/m3. Theo tính toán, dự án cần khoảng vài chục nghìn m3 cát để thi công đắp nền và trộn bê tông, giá cát tăng đột biến đang ảnh hưởng lớn đến quá trình thi công của nhà thầu”, ông Toan chia sẻ.

Chính thức triển khai xây dựng từ tháng 7/2016, dự án xây dựng tuyến đường Lộ Tẻ - Rạch Sỏi được kỳ vọng sau khi hoàn thành cùng với dự án kết nối trung tâm Đồng bằng Mê Kông tạo thành tuyến trục dọc nối thông khu vực kinh tế trọng điểm Tây Nam bộ, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, đến nay, dự án đang đối mặt với không ít khó khăn khi giá cát tăng đột biến, nhà thầu phải thi công cầm chừng, khiến mục tiêu đưa công trình vào khai thác cuối năm 2018 đang bị đe dọa.

Ông Nguyễn Ngọc Toan, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Cửu Long CIPM - đại diện chủ đầu tư) cho biết, công trình đang bước vào giai đoạn triển khai đắp nền đường, nhu cầu sử dụng cát rất lớn nhưng nguồn cung thiếu hụt trầm trọng, nhà thầu tìm mọi cách xoay trở vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu vật liệu thi công. “Không chỉ riêng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, một dự án khác do Cửu Long CIPM đang triển khai là cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu cát trầm trọng để phục vụ thi công”, ông Toan nói và cho biết, giá cát tại khu vực Tây Nam bộ đang tăng rất cao, nhưng cũng không đủ trữ lượng phục vụ thi công các dự án.

Theo ông Toan, qua khảo sát, tổng trữ lượng cát tại các mỏ ở khu vực Tây Nam bộ được cấp phép khai thác khoảng 2,25 triệu m3/năm, trong khi đó nhu cầu sử dụng từ 8 - 10 triệu m3/năm, riêng dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi là 2 triệu m3 và cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là 3 triệu m3. “Trữ lượng cát được cấp phép chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu thực tế. Chúng tôi tính toán, riêng dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi trong vòng 10 tháng phải huy động 2 triệu m3 cát, bình quân mỗi ngày khoảng 6.000 - 7.000m3, nhưng thực tế chỉ đạt được 1.000 - 2.000 m3/ngày”, ông Toan nói và cho biết, nguồn vật liệu cát bị thiếu hụt khiến công tác thi công của các nhà thầu phải cầm chừng. Khối lượng thi công của dự án đến nay đạt khoảng 15%, chậm khoảng 2,5% so với kế hoạch đề ra.

Dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đang trong giai đoạn thi công nền đường nên “ngốn” rất nhiều cát

Chấp nhận lỗ vẫn không có cát

Ông Vũ Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT) cho biết, việc nguồn cung thiếu hụt đã kéo theo giá cát tại khu vực Tây Nam bộ bị “thổi” lên rất cao, trong khi nhiều địa phương chưa ban hành thông báo giá, hoặc có thông báo giá nhưng không theo kịp giá cát thực tế làm tăng thêm khó khăn cho các nhà thầu.

“Theo thông báo giá của tỉnh Tiền Giang trong tháng 3/2017, giá cát vàng là 200 - 250 nghìn đồng/m3, nhưng thực tế các nhà thầu đang phải mua với giá 400 - 500 nghìn đồng/m3 mà vẫn không đủ cát để mua”, ông Tuấn Anh nói và cho biết, sắp tới, Bộ GTVT sẽ đề nghị các tỉnh An Giang, Tiền Giang, Cần Thơ sớm ban hành thông báo giá trên cơ sở cập nhật, điều chỉnh lại để phù hợp với thực tế.

“Hiện nay, các nhà thầu thi công tại hai dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang bị thua lỗ vì giá cát thực tế cao hơn nhiều so với giá bỏ thầu, hơn nữa, thời gian vận chuyển vật liệu kéo dài làm tăng chi phí vận tải. Vừa qua, Cửu Long CIPM đã có văn bản đề nghị Tổng cục Thống kê xem xét biến động về giá và cập nhật các chỉ số về giá vật liệu cho chuẩn xác. Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ kiến nghị UBND các tỉnh khu vực Tây Nam bộ sớm đưa ra thông báo giá cát sát với thực tế, nếu không sẽ không có cơ sở để điều chỉnh bù giá cho các nhà thầu”, ông Nguyễn Ngọc Toan cho biết.

Ông Toan cho biết thêm, trước đây mỗi sà lan chở cát có thể quay đầu trong 3 ngày, nhưng hiện tại phải mất 7-10 ngày do các mỏ cát còn phải cung cấp cho nhiều dự án khác. “Các nhà thầu đã chấp nhận đặt tiền trước, chấp nhận lỗ và mua cao hơn giá hợp đồng để đẩy tiến độ, nhưng không thể mua được đủ khối lượng theo nhu cầu”, ông Toan nói.

Ông Phan Quang Hiển, Phó cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT (Bộ GTVT) cho biết, việc điều chỉnh giá vật liệu thi công các công trình giao thông phụ thuộc vào quy định của từng loại hợp đồng dự án. Đối với những hợp đồng dự án có quy định điều chỉnh giá (thông thường thời gian hợp đồng từ một năm trở lên), giá thành vật liệu sẽ căn cứ vào báo giá của địa phương. “Khi giá vật liệu biến động, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào báo giá của liên Sở Tài chính - Xây dựng tại địa phương để điều chỉnh giá thành cho các nhà thầu”, ông Hiển nói và cho biết, với những hợp đồng dự án quy định không điều chỉnh giá, thường là những dự án có thời gian thi công ngắn, ít chịu tác động của biến động giá thì sẽ không được điều chỉnh giá.

Theo Báo Giao Thông