Ngày 9/1/2022, Bộ Tài chính tổ chức họp báo quý 4 năm 2022, trong đó phần nội dung về nguồn thu bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới năm 2022 và số tiền chi cho việc bồi thường nghiệp vụ bảo hiểm này, được nhiều phóng viên quan tâm.

Bảo hiểm bắt buộc xe máy thường bày bán ở những điểm gần chốt công an, do tâm lý đề phòng bị CSGT xử phạt

Theo ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, doanh thu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (ước tính hết 9 tháng năm 2022) đạt khoảng 3.971 tỷ đồng, trong đó thu của xe ô tô đạt khoảng 2.894 tỷ đồng; thu của mô tô xe máy đạt khoảng 1.077 tỷ đồng.

Số tiền bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự cho toàn bộ xe cơ giới (gồm cả ô tô, xe máy) là 750 tỷ đồng, trong đó ô tô là 723 tỷ đồng, xe máy 27 tỷ đồng.

Như vậy, tỷ lệ bồi thường trên tổng doanh thu của nghiệp vụ bảo hiểm bắt buộc ô tô là 24,9% (chi 723 tỷ đồng, thu 2.894 tỷ đồng), với xe máy chỉ là 2,5% (chi 27 tỷ đồng, thu 1.077 tỷ đồng).

Nói cách khác, doanh thu bảo hiểm bắt buộc xe máy cao gấp 40 lần số tiền chi cho việc bồi thường, trong khi với ô tô chỉ là 4 lần.

Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cho biết thêm, theo số liệu thống kê bình quân từ năm 2017 - 2021 của các doanh nghiệp bảo hiểm, tỉ lệ chi bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới khoảng 19,81% (bao gồm cả ô tô và xe máy).

Ông Ngô Việt Trung cũng cung cấp một thông tin rất đáng lưu ý, tỷ lệ yêu cầu được chấp thuận bồi thường lên tới con số trên 98%, nghĩa là nếu người dân khi xảy ra tai nạn, có yêu cầu bồi thường thì gần như được đáp ứng.

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm đã thẳng thắn nhìn nhận các thủ tục về bồi thường còn "gây khó dễ" cho người dân, dẫn đến việc khi va chạm giao thông, đôi bên thường tự thỏa thuận thay vì tìm đến bảo hiểm để yêu cầu bồi thường.

Nói với các phóng viên ngay sau đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh với vai trò quản lý nhà nước, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính cần rà soát, hoàn thiện chính sách, tổ chức thực hiện có hiệu quả, tạo thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm trong việc bồi thường.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đặc biệt lưu ý đến thủ tục bồi thường phải thuận lợi, tránh tình trạng làm người dân "nản lòng", không muốn làm thủ tục bảo hiểm.

Trước đó, hôm 5/1/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký quyết định 07/QĐ-TTg phê duyệt "Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030".

Theo chiến lược này, điểm c điều 7 quyết định của Thủ tướng yêu cầu: "Thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin giữa doanh nghiệp bảo hiểm nhằm phòng chống gian lận, giải quyết khiếu nại, hỗ trợ và tư vấn pháp lý đồng thời chia sẻ dữ liệu này với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và dữ liệu quốc gia".

 

 Theo báo Cà Mau