Tesla đang phải thực hiện đợt triệu hồi lớn chưa có tiền lệ trong lịch sử hãng - Ảnh: CNN
Vào giữa tháng 12-2023, Tesla đã công bố triệu hồi gần 2 triệu xe đang lưu hành tại Mỹ. Động thái này là để hãng giới hạn tính năng "tự lái" Autopilot.
Sau 2 năm điều tra, các cơ quan quản lý an toàn tại Mỹ đã phát hiện khoảng 1.000 vụ tai nạn xảy ra sau khi tính năng này được kích hoạt.
Tesla đang ‘giết’ xe điện?ĐỌC NGAY
Việc giới hạn Autopilot hứa hẹn ảnh hưởng khá lớn tới tài chính của Tesla.
Hãng xe điện này trong thời gian qua đã đẩy mạnh tiếp thị và quảng cáo Autopilot - vốn là một yếu tố họ cực kỳ ít khi làm, thậm chí là không hề trong những năm trước đây.
Mỗi người dùng mua Autopilot sẽ mang lại cho Tesla 6.000 USD (145,7 triệu đồng), hoặc gấp đôi, nếu họ muốn tiếp cận bản nâng cấp.
Theo Cục kiểm soát an toàn giao thông đường bộ Mỹ NHTSA, Autopilot khiến người lái bị ảo tưởng về khả năng an toàn, một phần vì tên gọi của công nghệ này. Họ sẵn sàng kích hoạt Autopilot và không hề để tâm đến quá trình xe vận hành sau đó.
Đây là hành động cực kỳ sai lầm, vì Autopilot hay bất kỳ hệ thống hỗ trợ lái nào trên thế giới đến nay đều chưa hoàn chỉnh.
Autopilot từ lâu đã là nhân tố bị chỉ trích chính trên xe Tesla vì tên gọi dễ gây lầm tưởng là một hệ thống tự lái hoàn chỉnh mà thực ra không phải - Ảnh: Teslarati
Tesla, trong thời gian tới, sẽ buộc phải cập nhật Autopilot, cụ thể hơn là tính năng hỗ trợ đánh lái Autosteer. Tính năng này cần đưa ra cảnh báo khi phát hiện người lái không chú ý.
Các nhắc nhở liên tục được đưa ra sẽ yêu cầu người lái quan sát được phía trước và đặt tay lên vô lăng để chiếm lại quyền điều khiển khi cần thiết.
Nếu phát hiện người lái không chấp hành, hệ thống có thể ngừng kích hoạt hệ thống tự lái.
Theo quảng bá của Tesla, Autopilot là hệ thống "tự lái hoàn chỉnh" (Full Self-Driving) và có độ an toàn cao hơn là xe người dùng tự lái.
Tuy vậy, NHTSA sau quá trình điều tra kéo dài 2 năm không đồng tình với cả 2 yếu tố này. Họ cho rằng tên gọi "Autopilot" và "Full Self-Driving" không tương xứng với khả năng vận hành thực tế của hệ thống tự lái Tesla.
Việc người dùng chủ quan (một phần vì quảng cáo sai sự thật của Tesla) khiến nhiều tai nạn nghiêm trọng xảy ra - Ảnh: Teslarati
Một trong những tờ báo lâu đời của Mỹ là The Washington Post, chỉ trước khi chiến lược triệu hồi của Tesla được công bố 2 ngày, đã đăng tải một bài viết chỉ đích danh Tesla và Autopilot. Điều tra của riêng họ cho thấy 8 tai nạn nghiêm trọng với một số ca tử vong xảy ra khi Autopilot được kích hoạt trong khi điều kiện không cho phép.
Hướng dẫn sử dụng của Tesla cho biết tính năng hỗ trợ đánh lái Autosteer được phát triển để sử dụng trên cao tốc và đường vắng. Tuy vậy, hãng không làm bất cứ điều gì để cản người dùng kích hoạt Autosteer "vô tội vạ".
Ngược lại, những thông tin quảng bá của họ về việc Autopilot là một hệ thống tự lái hoàn chỉnh khiến người dùng lầm tưởng và kích hoạt chúng nhiều hơn.
Vào tháng 2-2023, Tesla đã phải triệu hồi 363.000 xe tại Mỹ sau khi hệ thống tự lái vi phạm luật giao thông nghiêm trọng. Một số ví dụ có thể kể đến như đi thẳng ở làn đường chỉ cho rẽ, tiến vào giao lộ bắt buộc dừng mà không dừng hay vượt đèn vàng.
Theo Tuổi trẻ