Mỗi ngày trôi qua, Việt Nam có khoảng 24 người chết và 60 người bị thương do TNGT. Nguyên nhân của hầu hết các vụ TNGT đều xuất phát từ ý thức chấp hành quy định pháp luật TTATGT của người dân còn rất kém. Chính vì vậy, việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật TTATGT cho mọi tầng lớp người dân được xem là một trong những giải pháp tối ưu hàng đầu để thực hiện mục tiêu kéo giảm đau thương do TNGT gây ra cũng như mục tiêu xây dựng văn hóa giao thông văn minh, cơ sở hạ tầng hiện đại.

Có thể khẳng định rằng, chỉ có năng lực của báo chí mới là yếu tố “then chốt” để thực hiện mục tiêu này. Bởi lẽ, báo chí cung cấp thông tin đến người dân theo cách tiếp cận gần gũi, dễ hiểu, đồng thời hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy định pháp luật, kỹ năng lái xe an toàn trong các điều kiện thời tiết, địa hình… Bên cạnh đó, báo chí còn là kênh thông tin tuyên truyền về những tấm gương người tốt, việc tốt cũng như lên án những hành vi xấu khi tham gia giao thông…

Những năm gần đây, TNGT liên tục được kéo giảm và lĩnh vực báo chí viết về ATGT cũng đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ cả về “chất” và “lượng”. Một câu hỏi lớn được đặt ra rằng, báo chí đã đóng góp như thế nào vào công tác đảm bảo TTATGT và tại sao lại có thể đem lại hiệu quả?

Trăm kiểu tác nghiệp

Giải thích cho câu hỏi này, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá: “Nói đến báo chí người ta thường chỉ nghĩ đến tuyên truyền mà quên đi chức năng căn bản nhất, đó chính là môi trường tương tác giữa các đối tượng của hệ thống GTVT gồm: Pháp luật, người thực thi pháp luật và người phải tuân thủ pháp luật. Đây là môi trường thông tin chính thống, tương tác và phản biện rất hiệu quả, được tất cả các đối tượng thừa nhận”.

Trên thực tế, những năm qua đã có rất nhiều trường hợp người dân phản ánh tới báo chí, rồi báo chí đưa tin kêu gọi các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý. Qua đó, nhiều hiện tượng, sự việc xấu đã được xử lý quyết liệt và chặt chẽ, góp phần nâng cao TTATGT, giảm thiểu các nguy cơ gây TNGT, UTGT như tình trạng: Xe chở quá tải; xe dù, bến cóc; các hành vi phá hoại kết cấu hạ tầng giao thông; các tệ nạn xã hội liên quan đến GTVT…

Cũng theo ông Khuất Việt Hùng, giao thông là nhu cầu thiết yếu nhất của con người, ai cũng phải tham gia giao thông mỗi ngày. Vì vậy, việc cung cấp thông tin về giao thông là một “sứ mệnh” của những nhà báo, phóng viên. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cơ quan thông tin đại chúng đã là những người tiên phong trong “cuộc chiến” kéo giảm TNGT.

Phải nói rằng, với sự tận tâm, năng động và góc nhìn sâu sắc, các phóng viên giao thông đã phản ánh rất kịp thời nhiều hiện tượng mang tính chất tiêu cực, đe dọa đến TTATGT trên phạm vi rộng rãi, từ thành thị đến nông thôn, miền núi. Qua đó, các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực GTVT, ATGT cũng như lực lượng CSGT, TTGT… đã được tiếp thêm sức mạnh nhằm nâng cao hiệu trong công tác đảm bảo TTATGT. Đó là những đóng góp không hề nhỏ của báo chí.

Luôn có  mặt trên các tuyến đường.

Những năm qua, cùng với sự tích cực của các cơ quan báo chí ngành GTVT, hầu hết các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình trên cả nước đều đã chú trọng đến lĩnh vực này với những chuyên mục, bản tin có thời lượng lớn, tần suất dày đặc phản ánh về tình hình TTATGT. Nổi bật như Báo Nhân dân, Báo Lao động, Báo điện tử VOV, Báo điện tử vietnamplus.vn, Báo Dân trí, Vietnamnet… đều mở chuyên mục riêng về giao thông và ATGT; Đài Tiếng nói Việt Nam có riêng 1 kênh phát thanh “VOV giao thông”; Đài Truyền hình Việt Nam với chuyên mục “An toàn giao thông”; các đài phát thanh - truyền hình, báo chí ở địa phương đều mở các chuyên mục về ATGT.

Trong đó, hầu hết các cơ quan thông tấn báo chí đều phân công những nhà báo, phóng viên chuyên trách về lĩnh vực GTVT. Nhờ đó, tin tức về giao thông đã đáp ứng cơ bản nhu cầu thông tin về giao thông của người dân, đặc biệt là góp phần giúp các cơ quan hành chính nhà nước hoàn thiện các văn bản QPPL để đề ra các giải pháp đồng bộ nhằm kéo giảm TNGT, nâng cao chất lượng của hệ thống GTVT Việt Nam

Theo Tạp chí giao thông