Các nhà đầu tư dự án giao thông BOT đã triển khai thu phí tự động không dừng (ETC) từ lâu và chỉ vướng mắc trong đàm phán phần phí trích lại cho đơn vị thu phí tự động. Thế nhưng, Tổng cục Đường bộ lại ra văn bản yêu cầu dừng thu phí.
Hiệp hội các nhà đầu tư BOT tiếp tục phản bác về thu phí không dừng.
Các nhà đầu tư BOT giao thông phản ứng gay gắt yêu cầu này của Tổng cục Đường bộ và có đơn kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng.
Một bên đang gia sức ép buộc “vào khuôn khổ”, một bên tìm nhiều lý do để phản kháng những áp đặt có phần vô lý đó. Rút cuộc, chậm thu phí tự động không dừng, cứ mải tranh cãi, bao giờ dừng để thu?
Vướng mắc ở phần trích lại cho ETC chưa hợp lý
Tại cuộc làm việc giữa các nhà đầu tư BOT bị “đe” dừng thu phí từ 10/7 do chậm ký phụ lục thu phí không dừng với Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) sáng 8/7, đại diện các doanh nghiệp BOT khẳng định, đồng tình với chủ trương thu phí không dừng. Nhưng các doanh nghiệp cho rằng, tỷ lệ mà họ phải trích lại cho ETC chưa hợp lý nên họ chưa ký.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ chủ trì buổi làm việc với các nhà đầu tư BOT sáng 8/7.
Cụ thể, các dự án phải trích từ 2% đến 4,5%, thậm chí 7% doanh thu làn không dừng, trong khi với nhiều đơn vị thì doanh thu dự án BOT hiện nay chưa đủ trả lãi vay ngân hàng.
Một số chủ đầu tư phản ánh chi phí lắp đặt ETC khiến phương án tài chính của dự án tăng hàng trăm tỷ đồng và kéo dài thời gian thu phí 1-2 năm. Doanh nghiệp muốn tự đàm phán với ETC thay vì Bộ GTVT và Tổng cục ĐBVN yêu cầu họ phải trả theo tỷ lệ doanh thu.
Phản ứng gay gắt lại văn bản của Tổng cục ĐBVN yêu cầu dừng thu phí tại 4 dự án BOT giao thông từ chiều 10/7, ngay trong chiều 8/7, Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) đã tổ chức họp và có văn bản kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng.
Ông Phạm Văn Thưởng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư 194 BOT QL1 - Cam Ranh (trạm thu phí Cam Thịnh, Khánh Hòa) cầm theo phụ lục hợp đồng về triển khai thu phí tự động đã ký với Bộ GTVT từ năm 2017, để chứng minh doanh nghiệp chấp hành nghiêm quy định.
Theo ông Thưởng, sau khi ký phụ lục hợp đồng với Bộ GTVT, nhà đầu tư đã ký hợp đồng triển khai thu phí tự động với Công ty VETC từ năm 2017 tới nay.
Theo yêu cầu của Bộ GTVT, đến hết năm 2019, các trạm thu phí phải lắp đặt xong thu phí không dừng.
“Việc Tổng cục Đường bộ ra văn bản yêu cầu chúng tôi dừng thu phí do chưa ký phụ lục hợp đồng để triển khai thu phí tự động là nhầm lẫn của cơ quan quản lý nhà nước”, ông Thưởng nói.
Ông Thưởng cho biết, vướng mắc hiện nay chỉ nằm ở mức phí trích lại cho đơn vị thu phí tự động. Theo quy định trước đây, nhà đầu tư đã ký mức phí trả cho đơn vị thu phí tự động là 2,1% tổng mức phí thu được. Tuy nhiên, cuối năm 2018, do thay đổi phương án tài chính thu phí tự động, mức phí phải trả cho đơn vị thu phí tự động tăng lên 4,1%. Vì thế, nhà đầu tư phải đàm phán lại với đơn vị thu phí tự động.
Còn Tổng Giám đốc Công ty BOT Phước Tượng - Phú Gia (đơn vị quản lý vận hành trạm thu phí Bắc Hải Vân) Phạm Quốc Vượng cũng cho biết, nhà đầu tư ủng hộ thu phí tự động. Không đồng ý với cách mà Tổng cục Đường bộ áp đặt nhà đầu tư. Nhà đầu tư này cũng cho biết, đã ký hợp đồng và đưa vào hoạt động thu phí tự động từ lâu, cũng chỉ vướng phần mức phí trả cho đơn vị thu phí tự động.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam, từ 18h ngày 10/7, sẽ yêu cầu "đóng cửa" trạm BOT Bắc Hải Vân do chậm triển khai thu phí tự động không dừng.
Dù vậy, văn bản yêu cầu dừng thu phí từ ngày 10/7 của Tổng cục Đường bộ gây hiểu nhầm. Khi thông tin phát đi, một số tài xế đã lấy lý do này tập trung tới trạm thu phí gây mất trật tự, cản trở hoạt động thu phí. Ông Vượng kiến nghị Tổng cục Đường bộ rút văn bản trên, vì nhà đầu tư không có lỗi.
"Đây là sự nhầm lẫn của cơ quan quản lý nhà nước. Việc này gây khó khăn cho chúng tôi vì lái xe họ nắm thông tin dừng thu phí để gây rối trật tự. Ngay với sở GTVT địa phương chúng tôi cũng phải làm công tác dân vận giải thích cho họ hiểu sau khi Tổng cục yêu cầu dừng thu phí", ông Vượng nói.
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng phản ánh về số lượng ô tô sử dụng thu phí tự động rất ít, như trạm thu phí BOT Bến Thủy (Nghệ An) chỉ có 14% số xe qua trạm sử dụng thu phí tự động. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng bày tỏ lo ngại về công cụ giám sát đơn vị thu phí tự động, khi nhà đầu tư phải bàn giao trạm thu phí cho đơn vị này; xử lý rủi ro khi đơn vị thu phí tự động gặp vấn đề...
Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Lưu Xuân Thuỷ cho hay, tại cuộc họp giữa nhà đầu tư, hiệp hội với Bộ GTVT sáng 8/7, Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ rút lại văn bản yêu cầu dừng thu phí, vì gây hiểu nhầm. Đồng thời, ông Thọ giao Vụ Đối tác công - tư (PPP) tính toán tỷ lệ phí trích lại cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.
Động thái bất ngờ sau việc dừng thu phí 4 trạm BOT
Bất ngờ trước phản ứng của nhiều nhà đầu tư BOT, để “xoa dịu” tình hình, tại buổi làm việc với các nhà đầu tư BOT xung quanh việc Tổng cục Đường bộ ra quyết định yêu cầu các trạm thu phí chậm triển khai ký phụ lục hợp đồng thu phí không dừng phải dừng thu phí từ ngày 10/7, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, các nhà đầu tư BOT đã triển khai thu phí không dừng từ lâu nên yêu cầu Tổng cục Đường bộ rút lại quyết định đã ban hành.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Lưu Xuân Thuỷ cho rằng các doanh nghiệp BOT ủng hộ thu phí không dừng, nhưng tính toán tỷ lệ phí trích lại cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.
Về khúc mắc giữa việc đàm phán ký phụ lục hợp đồng thu phí không dừng giữa các nhà đầu tư BOT với nhà cung cấp dịch vụ, ông Thọ yêu cầu Vụ Đối tác công - tư tính toán lại tỷ lệ phí trích lại cho nhà cung cấp dịch vụ, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.
Việc trích tỷ lệ sẽ không áp dụng chung mà tùy theo từng trạm thu phí. Với những trạm thu phí ở cửa ngõ thành phố sẽ phải trích tỷ lệ cao hơn vì lưu lượng xe cao hơn.
Thứ trưởng Thọ nói rõ, tỷ lệ trích hiện nay Bộ đưa ra chỉ là tạm tính, khi nào thanh quyết toán dự án thu phí không dừng mới có số liệu chính thức.
Trong thông báo phát đi trưa 8/7, Bộ GTVT cũng khẳng định, sẽ tiếp tục đàm phán để ký xong phụ lục hợp đồng triển khai thu phí tự động với 3 nhà đầu tư còn lại trước ngày 10/7. Đảm bảo thực hiện lắp đặt xong thu phí giai đoạn 1 trong năm 2019. Bộ GTVT cũng khẳng định, nhà đầu tư BOT chỉ bàn giao một số làn thu phí cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng, tổ chức thu phí theo công nghệ ETC.
Mấu chốt của tự động là....
Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho rằng, việc yêu cầu các nhà đầu tư chậm triển khai ký phụ lục hợp đồng thu phí không dừng đã đẩy doanh nghiệp dự án và nhà đầu tư vào việc vi phạm các nghĩa vụ trong hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp và phải gánh chịu các chế tài về phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại, gây rủi do đối với việc quản lý dòng tiền hoàn vốn của dự án.
Bên cạnh đó, việc triển khai thu phí tự đồng còn có những khó khăn khi việc kết nối giữa tài khoản ngân hàng với tài khoản giao thông của chủ phương tiện mở tại nhà cung cấp dịch vụ thu phí chưa được thực hiện.
Việc thu phí tự động không dừng là cần thiết và phải sớm được triển khai. Tuy nhiên, việc cần làm là sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để thực hiện. Vì thượng tôn pháp luật là trên hết.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT, các cơ quan cũng cần nghe kiến nghị của doanh nghiệp BOT. Nên chuyển tiền thu phí tự động về Ngân hàng Nhà nước quản lý, làm đầu mối là đảm bảo nhất, vừa là cơ quan cao nhất trong hệ thống quản lý tiền tệ quốc gia, vừa có chuyên môn nghiệp vụ sâu và có thể kết nối tất cả các ngân hàng thương mại hiện nay về một đầu mối. Từ đó có thể triển khai thu phí không dừng cả cho tương lai xe của các nước trong khu vực.
Thứ nữa, Bộ GTVT cũng nên có bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn về hệ thống thiết bị thu phí tự động không dừng, từ quy chuẩn đó nhà đầu tư có thế tự lắp đặt, kết nối về hệ thống giám sát của Tổng cục Đường bộ và hệ thống dữ liệu ngân hàng, khi đó cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm định, đạt thì cho triển khai, không nên “ép” phải dùng dịch vụ của 1, 2 nhà cung cấp đã được chỉ định. Hơn nữa, cũng nên để cho nhà đầu tư tự thỏa thuận với nhà cung cấp dịch vụ theo nguyên tắc “thuận mua vừa bán”, chỉ khi thỏa thuận tự nguyện không ép buộc sẽ không ai thấy mình bị ép.
Đó mới là mấu chốt của vấn đề!./.
Dịch vụ thu phí tự động đường bộ áp dụng công nghệ RFID, sử dụng sóng radio để nhận diện tự động phương tiện xe cơ giới có gắn thẻ định danh được dán lên kính hoặc đèn xe. Từ thẻ gắn trên kính xe, thiết bị đọc gắn tại trạm thu phí sẽ trừ tiền của chủ xe. Chủ xe có thể nạp tiền vào tài khoản bằng tiền mặt, Internet banking...
Hệ thống thu phí không dừng giúp người sử dụng biết mình phải đóng bao nhiêu tiền, cơ quan quản lý có thể giám sát số thu và lượng xe tại các trạm BOT. Hệ thống cũng có thể ghi nhận thông tin để phát hiện biển số xe giả, xe hết hạn đăng kiểm, xe vi phạm giao thông.
4 dự án BOT bị Tổng cục ĐBVN yêu cầu dừng thu phí gồm: Trạm thu phí QL1 đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp (Công ty TNHH BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp); Bắc Hải Vân thuộc Dự án hầm đường bộ Phú Gia -Phước Tượng (Công ty cổ phần Phước Tượng Phú Gia BOT); Trạm BOT Cam Thịnh - QL1 thuộc Dự án mở rộng QL1 qua tỉnh Khánh Hòa (Công ty TNHH Đầu tư 194 BOT QL1 - Cam Ranh); 2 trạm thu phí thuộc Dự án mở rộng QL14 đoạn TP. Pleiku đến Cầu 110 (Công ty cổ phần BOT&BT Đức Long Gia Lai).
Theo vov.vn