Đây là nhận định của Phó chủ tịch kiêm Giám đốc vận hành lĩnh vực lái xe thông minh của Baidu Wei Dong tại một diễn đàn về giao thông tổ chức ở Thượng Hải (Trung Quốc).
Tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP) dẫn lời ông Wei cho biết: “Xe tự hành sẽ mang đến trải nghiệm lái an toàn và tin cậy hơn so với việc con người vận hành. Tuy nhiên, công nghệ không thể đảm bảo chắc chắn không bao giờ xảy ra tai nạn”.
Ô tô được trang bị công nghệ tự hành tại Apollo Park của Baidu tại Trung Quốc Ảnh: Futurecar
Nhận định của ông Wei được đưa ra sau một vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra ngày 12/8 liên quan tới hệ thống trợ lái NOP. Vụ tai nạn khiến một doanh nhân thiệt mạng, làm dấy lên quan ngại về tính an toàn của hệ thống trợ lái. Tai nạn xảy ra trong khi hệ thống NOP trên xe thể thao đa dụng ES8 của hãng NIO (Trung Quốc) đang bật.
NOP là công nghệ trợ lái sử dụng thuật toán phân tích dữ liệu giao thông thời gian thực thu thập qua các cảm biến được lắp trên phương tiện.
Các cảm biến có thể hỗ trợ người lái ra quyết định vượt phương tiện khác đang di chuyển chậm, nhưng vẫn cần sự can thiệp của con người.
Cảnh sát tỉnh Sơn Đông đang điều tra vụ tai nạn. Nguyên nhân vụ việc vẫn chưa được công bố chính thức.
Hầu hết các công nghệ trợ lái đang được ứng dụng hiện nay mới chỉ được xếp loại tự lái L2 hoặc L2+, theo hệ thống phân loại của Hiệp hội Kỹ sư ô tô quốc tế. Trong khi, L5 mới là mức tự hành cao nhất, cho phép xe vận hành tự động mà không cần sự can thiệp của con người.
Tuy nhiên, một số chủ sở hữu ô tô thông minh hiểu lầm ô tô trang bị công nghệ trợ lái trên thị trường đã thuộc loại tự vận hành hoàn toàn dẫn tới chủ quan.
Theo ông David Zhang, nhà nghiên cứu về công nghiệp tự động tại Đại học Công nghệ Bắc Trung Quốc: “Công nghệ trợ lái hiện nay chưa được phát triển đầy đủ và không phải là hệ thống tự lái”. Do đó, chỉ nên hiểu phát biểu của ông Wei theo nghĩa “người tiêu dùng có thể đặt niềm tin ở công nghệ xe tự hành khi công nghệ hoàn thiện”.
Về phía Baidu, hãng này đã ra mắt nền tảng lái xe tự động nguồn mở lớn nhất thế giới có tên Apollo vào 4 năm trước và là một trong những công ty tiên phong về phát triển xe ô tô không người lái.
Hồi tháng 1, Baidu và nhà sản xuất ô tô lớn của Trung Quốc là Geely đã thành lập công ty vốn mạo hiểm Jidu Auto để đưa vào sản xuất ô tô điện quy mô lớn vào năm 2024.
Hãng kỳ vọng, các thế hệ ô tô tương lai dự kiến sẽ sử dụng các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, kiểm soát qua giọng nói, kết nối internet…
Theo Báo Giao thông