Trong bối cảnh chung chưa được phê duyệt quy hoạch cấp tỉnh, Cà Mau triển khai thực hiện Quy hoạch vùng ÐBSCL với nhiều khó khăn cần quyết tâm vượt qua, khi tác động từ tình hình thế giới và biến đổi khí hậu ngày thêm khó lường, ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế và đời sống người dân.
Quy hoạch vùng ÐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 dựa trên quan điểm lấy con người làm trung tâm; coi tài nguyên nước là cốt lõi; quản lý tổng hợp tài nguyên nước trên toàn lưu vực đảm bảo việc duy trì nguồn sống cho môi trường và người dân; chuyển đổi mô hình sinh kế tại các tiểu vùng theo hướng chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Biến thách thức thành cơ hội, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng gia tăng hiệu quả và giá trị.
Quy hoạch mang tầm nhìn dài hạn này khẳng định tập trung phát triển kết cấu hạ tầng có ý nghĩa quan trọng đối với việc chuyển đổi mô hình phát triển, đặc biệt chú trọng hạ tầng giao thông, năng lượng, cấp nước sạch, thuỷ lợi và hạ tầng xã hội.
Quyết tâm xây dựng và phát triển tỉnh Cà Mau trở thành trung tâm kinh tế biển bền vững của vùng và cả nước trên cơ sở đầu tư xây dựng cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu Kinh tế Năm Căn, Cảng sông Ông Ðốc gắn với phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị ven biển. (Ảnh: Cầu Sông Ông Ðốc sắp hoàn thành, tạo trục giao thông liên hoàn trong hành lang kinh tế Ðông - Tây).
Nông nghiệp giá trị cao, hiệu quả
Từ tình hình chung của vùng và những lợi thế riêng biệt, Cà Mau hướng quy hoạch nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, gắn với tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số; xây dựng Cà Mau trở thành địa phương mạnh về biển, phát triển đột phá các ngành kinh tế biển, nhất là kinh tế thuỷ sản, du lịch, năng lượng tái tạo, hàng hải; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi với các địa phương trong vùng, cả nước và quốc tế.
Là tỉnh thuần nông, lấy kinh tế nông nghiệp làm nền tảng phát triển, tuy nhiên, với tầm nhìn trước thời cuộc phát triển năng động, Cà Mau tập trung cho kinh tế nông nghiệp giá trị cao, hiệu quả.
Theo đó, hướng trọng tâm chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp tại các vùng sinh thái. Cụ thể, giai đoạn đến năm 2030, cơ bản duy trì mô hình sản xuất hiện nay tại các địa phương; sau năm 2030, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo phân vùng sinh thái đã được xác định trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, trong đó việc chuyển đổi chủ yếu diễn ra ở vùng sinh thái mặn - lợ và vùng chuyển tiếp ngọt - lợ.
“Ðể hỗ trợ quá trình chuyển đổi, cần tập trung xây dựng hoàn thiện hệ thống công trình thuỷ lợi và nghiên cứu điều chỉnh quy chế vận hành hệ thống thuỷ lợi, trong đó, tiến trình thực hiện theo hướng từ ngoài vào trong, từ vùng ven biển mặn - lợ đến vùng chuyển tiếp ngọt - lợ”, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, đồng thời với đó là xây dựng và triển khai các chương trình, cơ chế chính sách hỗ trợ người dân trong quá trình chuyển đổi sản xuất, đặc biệt là hỗ trợ người dân trồng lúa 2 vụ chuyển đổi sang các loại cây trồng có giá trị và hiệu quả kinh tế cao.
Cà Mau tập trung cho kinh tế nông nghiệp giá trị cao, hiệu quả. Theo đó, hướng trọng tâm chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp tại các vùng sinh thái; hình thành không gian phát triển ngư, nông, lâm nghiệp theo 3 vùng, trong đó giữ gìn và bảo vệ hệ sinh thái ngọt ở huyện Trần Văn Thời, U Minh. (Ảnh: Thu hoạch lúa tại vùng ngọt hoá huyện Trần Văn Thời).
Ưu tiên hạ tầng tạo sức lan toả lớn
Phát huy lợi thế, Cà Mau xây dựng trung tâm đầu mối gắn với thuỷ sản tại tỉnh; giai đoạn đến năm 2030, đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, thuỷ lợi gắn với trung tâm đầu mối của tỉnh. Quy hoạch, phát triển khu kinh tế, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu nuôi trồng thuỷ sản tập trung, gắn với trung tâm đầu mối, liên kết hệ thống đô thị có vai trò trung tâm của tỉnh...
Về lĩnh vực giao thông vận tải, ông Hồ Hoàn Tất, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, cho biết, địa phương luôn ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng có thể tạo sức lan toả lớn, có tính kết nối liên vùng, liên tỉnh, bao gồm kết cấu giao thông cấp quốc gia, liên tỉnh; hạ tầng kỹ thuật đô thị tại các khu vực phát triển động lực đã được xác định trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh để thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước để phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội.
“Ðầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng của tỉnh trên cơ sở các công trình hạ tầng đã và đang được đầu tư dẫn dắt bởi các dự án đầu tư công, phát huy tối đa hiệu quả của các công trình hạ tầng đã được đầu tư”, ông Hồ Hoàn Tất thông tin về thu hút đầu tư ngoài ngân sách cho phát triển hạ tầng, nhất là lĩnh vực giao thông trên địa bàn.
Bên cạnh thực hiện các công trình, dự án lớn mang tính liên kết vùng gắn với địa phương, trong quy hoạch vùng, Cà Mau là 1 trong 3 trung tâm đầu mối về thuỷ sản. Những dự án lớn được quy hoạch thực hiện phải kể đến là Ðề án phát triển vùng Ðất Mũi Cà Mau; tuyến đường nối khu khí - điện - đạm đến Quốc lộ 1; nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Cà Mau - Năm Căn với chiều dài dự kiến 43 km, đạt quy mô cấp III đồng bằng; nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 63 đoạn qua địa phận tỉnh Cà Mau; nâng cấp, mở rộng tuyến đường Hồ Chí Minh; xây dựng tuyến đường ven biển đoạn đi qua tỉnh; xây dựng bến cảng Hòn Khoai (đảo Hòn Khoai); xây dựng Cảng Hàng không Cà Mau...
Tuyến tránh QL1 sắp đưa vào vận hành, tạo tuyến vành đai quan trọng trong phát triển kinh tế và đô thị.
Trên cơ sở xây dựng các nhóm nhiệm vụ trọng tâm và lộ trình thực hiện Quy hoạch vùng ÐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sắp được phê duyệt), ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu Sở Kế hoạch và Ðầu tư ngay từ bây giờ xây dựng phương án phân bổ vốn đầu tư, kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm đối với các nhiệm vụ, chương trình, dự án để triển khai thực hiện quy hoạch vùng; hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh. Các ngành, các địa phương rà soát, lồng ghép các nội dung, nhiệm vụ liên quan vào kế hoạch, chương trình của huyện, TP Cà Mau để triển khai, phối hợp thực hiện. Tổ chức lập quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn thuộc phạm vi quản lý để cụ thể hoá quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo đúng quy định.
“Các cấp chính quyền và người dân hiểu đầy đủ, chính xác về quy hoạch vùng ÐBSCL, từ đó kêu gọi huy động nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ, chương trình, dự án, đề án thuộc ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý đã được đề ra trong quy hoạch”, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt yêu cầu./,
Nguồn Báo Cà Mau