Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung liên quan đến công tác kiểm soát tải trọng xe (KSTTX) tại Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/11/206 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông, Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới và Kế hoạch số 4485/KH-BGTVT ngày 29/04/2023 của Bộ GTVT về thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg, Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đề nghị các Khu Quản lý đường bộ (QLĐB), các Sở GTVT chủ động tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện vận tải trên địa bàn; trong đó, phân công và xác định trách nhiệm cụ thể của lực lượng Công an, Giao thông vận tải, chính quyền địa phương theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Khảo sát và thống nhất với các cơ quan chức năng liên quan xác định rõ khu vực, vị trí Thanh tra giao thông thực hiện kiểm tra tải trọng xe để tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, tuyến, địa bàn giữa các lực lượng. Bố trí lực lượng, kinh phí tổ chức quản lý, vận hành các Trạm kiểm tra tải trọng xe do Bộ Giao thông vận tải trang bị và UBND tỉnh trang bị; rà soát, kiện toàn hoạt động của các Trạm kiểm tra tải trọng xe phù hợp với tình hình của địa phương. Chỉ đạo Thanh tra giao thông phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi xâm phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; tập trung tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm về tải trọng phương tiện, kích thước thùng xe tại đầu nguồn hàng như: điểm xuất phát hoặc gần khu vực kho, cảng biển, cảng, bến thủy nội địa, cảng ICD, bến bãi, nhà ga, mỏ vật liệu (mỏ đất, đá, cát...), nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm logistics, điểm thông quan, các nơi tập kết, xếp dỡ hàng hóa lên xe ô tô để ngăn chặn kịp thời, triệt để các xe ô tô chở hàng quá tải trọng lưu thông ra các tuyến đường bộ. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Thanh tra giao thông phải phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát giao thông, công an các cấp, các Sở, ngành, chính quyền địa phương và các Khu QLĐB trong tiếp nhận, trao đổi thông tin về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, kiểm soát tải trọng phương tiện, cung cấp các dữ liệu liên quan đến điều kiện của phương tiện, hành trình phương tiện... để phục vụ công tác quản lý và xử lý vi phạm;
Tiếp tục rà soát, yêu cầu các doanh nghiệp nơi đầu nguồn hàng tại địa phương ký cam kết về việc không xuất, xếp hàng hóa quá tải trọng lên phương tiện. Thường xuyên rà soát, kiểm tra việc tổ chức ký cam kết không xếp hàng quá tải trọng cho phép của phương tiện và tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện cam kết đã ký. Kiên quyết không cho xuất hàng, xuất bến đối với các trường hợp xe cơi nới kích thước thành thùng hàng, xe chở hàng quá tải trọng, xe quá niên hạn sử dụng, hết hạn kiểm định, xe không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, lái xe không bảo đảm điều kiện sức khỏe... Tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các đơn vị vận tải, đầu mối hàng hóa vi phạm cam kết về xếp hàng hóa lên xe ô tô không vượt quá tải trọng cho phép (xử phạt vi phạm, xem xét rút giấy phép kinh doanh, phù hiệu vận tải và các hình thức xử lý khác phù hợp, bảo đảm tính răn đe). Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về tải trọng xe, thiệt hại do xe quá tải gây ra, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển và chủ phương tiện khi vi phạm quy định về tải trọng xe. Đối với các dự án, công trình đường bộ đang triển khai đầu tư xây dựng, đề nghị các Khu QLĐB, các Sở GTVT làm việc và yêu cầu các Ban QLDA, các Chủ đầu tư thực hiện các dự án phải có các giải pháp ngăn chặn, cam kết không vi phạm về tải trọng, khổ giới hạn phương tiện và xử lý nghiêm các nhà thầu sử dụng xe cơi nới kích thước thành thùng, chở vật tư, vật liệu xây dựng quá tải để cung cấp cho các công trình; trường hợp cần thiết báo cáo cấp có thẩm quyền (Bộ GTVT, UBND tỉnh, Cục ĐBVN...) để xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xe quá tải trọng hoạt động. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, giám sát, và kiểm soát tải trọng, hạ tầng giao thông. Tiếp tục nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác KTTTX; tăng cường sử dụng thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới, phương tiện đo độ dài, thiết bị ghi hình, ghi âm...) để thực hiện công tác kiểm soát tải trọng xe và xử lý vi phạm theo quy định tại Nghị định số 135/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ và Thông tư số 51/2022/TT-BGTVT ngày 30/12/2022 của Bộ GTVT. Thường xuyên tổ chức tập huấn về quy trình, thao tác sử dụng, bảo quản phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cho người sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thuộc đơn vị mình theo quy định;
Có giải pháp hiệu quả tổ chức kiểm tra, giám sát tổ chức, cá nhân trong công tác kiểm tra tải trọng xe. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát thực hiện nghiêm túc cam kết đã ký về việc không xếp hàng quá tải trọng cho phép của phương tiện, nhất là các xe vận chuyển vật liệu ra vào công trường của các dự án kết cấu hạ tầng giao thông đang thi công; xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm quy định về tải trọng xe. Chỉ đạo, quán triệt lực lượng làm công tác kiểm soát tải trọng xe nêu cao tinh thần trách nhiệm trong khi làm nhiệm vụ, xử lý nghiêm, đầy đủ các hành vi vi phạm, nâng cao hiệu quả công tác, tránh xảy ra sai phạm, tiêu cực trong khi làm nhiệm vụ. Tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm, sai phạm, kịp thời chấn chỉnh việc thi hành pháp luật, quy trình công tác của lực lượng Thanh tra giao thông trong thực thi công vụ về giao thông. Xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị được giao kiểm soát tải trọng xe tại đầu nguồn hàng để xe quá tải trọng hoạt động phức tạp trên địa bàn. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí trong công tác tuyên truyền về kiểm soát tải trọng phương tiện, nắm bắt thông tin, phản ánh của các cơ quan báo chí để kịp thời kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm.
Mộng Tuyết