Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa chủ trì cuộc họp giao ban công tác tháng 1/2023 theo hình thức trực tuyến chiều 31/1. Tại đây, Bộ trưởng đã chỉ đạo nhiều vấn đề nóng của ngành GTVT như công tác vận tải, đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp Tết và mùa lễ hội; công tác đăng kiểm và triển khai các dự án xây dựng công trình giao thông.

Xem xét mở lại các trung tâm đăng kiểm đang bị tạm dừng

Báo cáo tại cuộc họp giao ban, ông Nguyễn Vũ Hải, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Đăng Kiểm Việt Nam cho biết, trong tháng đầu năm 2023, Cục Đăng kiểm Việt Nam vẫn đang tiếp tục tập trung cho hai nhiệm vụ lớn đó là: duy trì ổn định hoạt động các trung tâm đăng kiểm, phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và phối hợp với cơ quan liên quan tìm nguyên nhân gốc rễ, xử lý, phòng ngừa các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo tại buổi giao ban công tác Tháng 1/2023, chiều 31/1 (Ảnh: Liên Hồng).

Theo ông Hải, hiện tại có 31 đơn vị đăng kiểm trên cả nước đang tạm dừng hoạt động. Trong đó, Hà Nội chiếm số lượng nhiều nhất với 11 trung tâm, TPHCM tạm dừng 6 trung tâm, Thái Bình tạm dừng 2 trung tâm

"Mặc dù đã có một số lượng nhất định trung tâm đăng kiểm đang tạm dừng hoạt động, song theo thống kê trong tháng 1/2023, trên cả nước vẫn có khoảng 530.000 lượt phương tiện được thực hiện đăng kiểm, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm trước. Với các giải pháp cấp bách được triển khai, đến nay tình trạng ùn ứ tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đã cơ bản được giải quyết", ông Hải thông tin.

Theo lãnh đạo Cục Đăng Kiểm Việt Nam, trong tháng 2/2023, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì các giải pháp cấp bách, đảm bảo ổn định trong hoạt động các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới.

Cùng với đó, Cục Đăng kiểm cũng đang báo cáo cơ quan chức năng xem xét cho phép mở lại các trung tâm đăng kiểm đang tạm dừng hoạt động tại các tỉnh: Thái Bình, Hòa Bình… Nếu được chấp thuận, Cục sẽ điều động các đăng kiểm viên tại các đơn vị khác đến thực hiện công tác chuyên môn, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án ngay từ đầu năm

Theo ông Nguyễn Trí Đức, Bộ GTVT đang quyết liệt triển khai kế hoạch đầu tư công và các công trình giao thông trọng điểm năm 2023.

Đáng chú ý trong đó, Bộ GTVT tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 01 ngày 6/1/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Khẩn trương phân khai chi tiết dự toán chi, đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2023, tập trung ưu tiên cho các dự án trọng điểm, cấp bách, các dự án hoàn thành năm 2023.

"Trong tháng 2/2023, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản các dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, các tuyến Vành đai 3 - TP. Hồ Chí Minh, Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội khẩn trương giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, hoàn chỉnh các thủ tục về đầu tư xây dựng để sớm khởi công các dự án trước ngày 30/6/2023", ông Đức nhấn mạnh.

Bộ GTVT cũng phối hợp với UBND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị để sớm hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng nhằm phát huy hiệu quả đầu tư đoạn trên cao thuộc tuyến Nhổn - ga Hà Nội và Bến Thành - Suối Tiên.

Thủ tướng thăm hỏi, trao đổi với công nhân thi công cầu Mỹ Thuận 2 (Ảnh: Quốc Chính).

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng chia sẻ, bước vào năm 2023, ngành Giao thông tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước khi Thủ tướng Chính phủ đã dành 6 ngày liên tiếp dịp đầu Xuân (từ ngày 4 - 10/1 âm lịch) để thăm, kiểm tra, đôn đốc tiến độ các dự án giao thông trọng điểm. 

Theo Bộ trưởng, tại chuyến đi này, cách thức chỉ đạo, tổ chức thi công các dự án giao thông trọng điểm của Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ đánh giá rất cao. Đây xem như một niềm vui lớn đầu năm mới, giúp ngành GTVT có thể kỳ vọng sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý, việc đầu tư hạ tầng hiện nay còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 phải khẩn trương "vừa chạy, vừa xếp hàng", vừa thi công, vừa thực hiện quy trình thủ tục đối với các mỏ xin cấp phép khai thác mới.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, Ban QLDA liên quan phải đặc biệt quan tâm công tác chuẩn bị đầu tư, sớm triển khai một số dự án giao thông trọng điểm như: Nâng cấp đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi; Đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận; Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn trong thi công một số dự án lớn như: cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Bến Lức - Long Thành...

Theo Báo Dân Trí