Ở bất cứ nơi đâu, vào bất cứ thời điểm nào, việc lái xe sau khi dùng chất cồn đều gây nguy hiểm cho chính bản thân người điều khiển xe và người tham gia giao thông khác. Để ngăn chặn việc này, pháp luật nhiều nước đã quy định những hình phạt vô cùng nghiêm khắc. Đa số các nước trên thế giới truy tố hình sự với những lái xe say rượu (thường là trong trường hợp tái phạm), không tính đến việc người đó có gây tai nạn cho người khác hay không.

Thái Lan: Từ chối đo nồng độ cồn cũng bị truy tố
Theo Luật Say rượu lái xe sửa đổi của Thái Lan, những tài xế nào đang lưu thông phương tiện trên đường, từ chối việc để Cảnh sát giao thông (CSGT) đo nồng độ cồn sẽ bị coi là say xỉn trong lúc lái xe và bị truy tố ra trước cơ quan pháp luật. Người vi phạm sẽ phải đối mặt với các hình phạt nặng và phải chịu án tù.

Luật Say rượu lái xe sửa đổi cũng cho phép cảnh sát Thái Lan được chặn xe trong một số tình huống đặc biệt hoặc có bằng chứng lái xe đang say xỉn hay uống quá nhiều rượu bia. Cảnh sát có quyền yêu cầu tài xế mở cửa kính ô tô để đo nồng độ cồn trong cơ thể, thậm chí yêu cầu tài xế đi bộ để kiểm tra có thật sự tỉnh táo hay không? Trường hợp tài xế lái xe ô tô không tuân thủ hiệu lệnh kiểm tra nồng độ cồn của CSGT, người vi phạm sẽ bị bắt ngay và xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Cụ thể, mức phạt dành cho người từ chối đo nồng độ cồn khi lái xe có thể bị phạt tiền 10.000 đến 20.000 baht (tương đương từ 300 đến 600 USD) hoặc bị phạt một năm tù.
Singapore: Đánh "nhừ đòn"
Say rượu lái xe ở Singapore sẽ bị phạt 5.000 đô la Singapore cộng với sáu tháng tù. Nếu tái phạm, tài xế sẽ bị phạt tới 1 triệu đô la (tương đương hơn 22 tỷ đồng) cộng một năm tù giam, tạm đình chỉ giấy phép và đánh roi. Theo quy định hình phạt roi chỉ áp dụng đối với người phạm tội là nam giới, ở độ tuổi dưới 50.

         
                   Phạt đánh roi lái xe vi phạm nồng độ cồn ở Singapore. Ảnh Hà Giang st

Hình phạt roi của Singapore sẽ thực hiện bằng cách đánh vào mông trần của tội phạm. Họ dùng roi bằng dây nho trước khi ngâm nước, nhưng quan trọng nhất là sẽ không để cho người phạm tội bị tổn thương vùng thận bằng cách đệm những tấm đệm ở giữa lưng và thắt lưng để ngăn ngừa chấn thương. Hình phạt cao nhất lên tới 24 roi.

Đức: Tái vi phạm, cấm lái xe suốt đời

Dù công dân Đức được coi là những người chấp hành Luật Giao thông tốt nhất châu Âu, nhưng là một nước tiêu thụ rượu hàng đầu thế giới với 1,6 triệu người nghiện rượu, pháp luật Đức cũng xử lý rất nghiêm hành vi lái xe sau khi uống rượu.
Ở Đức, nếu nồng độ cồn trong máu vượt quá 0,05mg, người cầm lái sẽ bị phạt 500 euro, tạm giữ 4 phút và cấm lái xe trong 1-3 tháng tiếp theo. Ngoài ra, mức độ nghiêm khắc của hình phạt sẽ tăng dần lên cùng với số lần vi phạm, và trong trường hợp nghiêm trọng nhất, người lái xe sẽ bị cấm lái suốt đời. Quan trọng là, nếu bị cấm lái xe ở Đức, anh ta cũng sẽ không được lái xe ở bất cứ nước nào ở châu Âu. Trên thực tế, đại bộ phận người Đức đều chấp hành tốt các quy định liên quan đến việc cấm lái xe sau khi uống rượu, và ở đây hành vi này bị coi là cực kỳ không tôn trọng tính mạng con người.
Nhật Bản: Người ngồi cùng cũng bị phạt
Ở Nhật, người đông đường hẹp nên vấn đề lái xe sau khi uống rượu cũng được xã hội rất quan tâm. Đối với hành vi này, luật pháp Nhật không quy định định lượng chính xác, nhân viên chấp pháp sẽ căn cứ vào các yếu tố như: biểu hiện của lái xe sau khi uống rượu, mức độ kích thích của rượu với hành vi của anh ta như có thể lái xe bình thường không, có thể đứng vững không, có thể đi trên đường thẳng hay không… để phán đoán.

Các nước trên thế giới kiểm tra chặt chẽ lái xe vi phạm nồng độ cồn. Ảnh Hà Giang st.


Bắt đầu từ 19-9-2007, “Luật Giao thông đường bộ” mới của Nhật Bản đưa ra quy định, cần xử lý nghiêm khắc những người lái xe sau khi uống rượu, vi phạm nhưng cố tình bỏ trốn và người cố tình giấu giếm tiền sự về lái xe sau khi uống rượu. Ngoài ra, người cung cấp xe cho người vừa uống rượu, người ngồi cùng xe và người cung cấp rượu cho người lái xe đều bị xử phạt cùng. Ví dụ, người ngồi cùng xe hay người cung cấp rượu cho một tài xế sẽ bị tuyên mức án tù cao nhất là 3 năm hoặc bị phạt 500.000 yên; còn bản thân tài xế sẽ bị phạt tù giam cao nhất 2 năm hoặc bị phạt 300.000 yên.

Ấn Độ: Kiểm soát ngay tại cửa quán nhậu

Tại New Delhi, mỗi ngày đều có khoảng 45% trong số xe lưu thông trên các ngả đường được điều khiển bởi lái xe có chút hơi men. Đối mặt với tình trạng cấm không xuể, Chính phủ ấn Độ đã đưa ra những điều luật liên quan ngay từ những năm 1990. Dù nhìn từ góc độ xã hội hiện nay, vẫn thấy những điều luật đưa ra thời đó khá hà khắc: nếu độ cồn trong máu của lái xe vượt quá 0,03 mg đã bị coi là phạm tội lần đầu.

Theo thống kê, có tới 90% khách uống rượu tại các quán bar ở New Delhi tự lái xe về nhà, gây ra những nguy cơ lớn cho an toàn giao thông. Tòa án cao cấp New Delhi đã đưa ra tuyên bố, yêu cầu đưa ra những biện pháp đặc biệt nhằm kiểm soát những người lái xe về nhà sau khi uống rượu như lập các trạm kiểm tra di động ngay tại cửa các quán bar, nhà hàng, khách sạn. Tòa án thậm chí còn kiến nghị những nơi phục vụ rượu yêu cầu khách thuê người đưa về trước khi vào tiệm, nếu không sẽ không bán rượu cho.

Anh, Mỹ: Mức nặng nhất - phạt tù

ở Mỹ, lái xe sau khi uống rượu bị coi là một hành vi phạm tội nguy hiểm. Đại đa số các bang đều quy định, nếu tài xế bị cáo buộc vi phạm, nhẹ thì bị giữ bằng  lái hoặc phạt tiền, nặng thì bị bỏ tù và tịch thu bằng lái vĩnh viễn. Tại California, bang có mật độ xe trên đầu người lớn nhất Mỹ, trên bất cứ đoạn đường cao tốc nào, người ta đều có thể thấy những tấm biển điện tử ghi rõ cảnh báo và số điện thoại đường dây nóng để người dân báo cảnh sát khi phát hiện có người lái xe say rượu.
Pháp luật Anh quản lý việc lái xe sau khi uống rượu rất nghiêm ngặt, chỉ cần vi phạm lần đầu cũng bị treo bằng lái 1 năm. Ngoài ra, Bộ Giao thông Anh cũng đang tính toán việc trao cho CSGT quyền hạn lớn hơn nhằm kiểm soát tình trạng này. Bất kể tình trạng điều khiển xe trên đường có bình thường hay không, cảnh sát vẫn có thể yêu cầu dừng xe để kiểm tra. Khi đó, nếu lái xe từ chối mà không đưa ra được lý do chính đáng sẽ bị coi là lái xe sau khi uống rượu.

                Nguồn: Internet. Hà Giang sưu tầm