Hành khách mua vé tàu qua điện thoại hoặc kios tự động tại ga

 

Từ 1/10, đường sắt bắt đầu bán vé tàu Tết Kỷ Hợi 2019 với nhiều đổi mới trong phương thức bán vé tránh tình trạng nghẽn mạng như những năm trước; đồng thời tăng đáng kể các toa tàu chất lượng “5 sao” phục vụ khách.

Nhiều lựa chọn cho khách đặt mua vé

Bắt đầu từ ngày 1/10, ngành Đường sắt mở bán vé tàu Tết Kỷ Hợi 2019 với nhiều kênh bán vé so với năm trước. Trao đổi với Báo Giao thông, bà Phùng Thị Lý Hà, Phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, năm nay, đường sắt mở bán đồng loạt tất cả các hình thức: Online trên website bán vé chính thức của Đường sắt VN, tại cửa vé của ga, qua đại lý, qua các điểm thu hộ như bưu điện, ngân hàng, qua các ứng dụng trên điện thoại cho cả hành khách mua vé cá nhân, tập thể.

“Chúng tôi sẽ đưa vào vận hành thêm website bán vé tàu online; mở thêm các kênh bán vé tàu qua ứng dụng trên điện thoại như: Ví điện tử MoMo, ViettelPay, VNPay”, bà Hà nói và cho biết thêm: Việc hợp tác với các đối tác vừa mở thêm các kênh bán vé tàu, vừa đem lại lợi ích cho hành khách vì nhiều đối tác như: MoMo, Viettel có nhiều chương trình ưu đãi cho khách hàng. Hiện tại, MoMo đang có chương trình ưu đãi giảm 50% giá vé (tối đa 200.000 đồng) dành cho hành khách mua vé tàu trong tháng 10/2018, thời gian đi tàu bất kỳ, kể cả tàu Tết.

Về giá vé, theo bà Phùng Thị Lý Hà, ngành Đường sắt thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, sẽ điều chỉnh theo thị trường, mác tàu, cung chặng, chiều vận chuyển đông khách hay vắng khách. Ngày cao điểm, mác tàu “hot” sẽ tăng giá vé từ 2-10% so với tàu Tết Mậu Tuất 2018 để giãn hành khách tập trung quá đông vào những ngày này. Ngược lại, giảm sâu giá vé những mác tàu ngày không cao điểm, chiều vắng khách. Ngoài ra, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội còn có chính sách giảm giá vé 30% cho học sinh, sinh viên từ ngày 14/2 - 25/2/2019 chiều số chẵn và từ ngày 18/1 - 2/2/2019 chiều số lẻ.

Trả lời câu hỏi của PV về việc mở bán đồng loạt trên các kênh cùng thời điểm có khiến tăng lượng khách truy cập, gây nghẽn mạng, ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Giải pháp dịch vụ vận tải hành khách - Fis (Công ty Giải pháp công nghệ FPT) khẳng định: Hoàn toàn không bị ảnh hưởng.

“FPT đang phối hợp chặt chẽ với Đường sắt VN đảm bảo hạ tầng mạng, lên phương án có thể xử lý nhanh nếu xảy ra nghẽn mạng hay sự cố. Việc bán vé đồng loạt cũng tương tự như nhà có nhiều cửa để khách lựa chọn cửa vào, thuận lợi hơn cho khách, đồng thời giảm áp lực cho cửa chính là website dsvn.vn khiến tốc độ truy cập chậm”, ông Bình nói.

Cùng với đổi mới hình thức bán vé, ngành Đường sắt tiếp tục đưa ra hàng chục toa xe khách cải tạo nâng cấp và đóng mới hiện đại chất lượng “5 sao” phục vụ hành khách trong dịp Tết. Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cải tạo, nâng cấp 30 toa xe khách với nội thất, trang thiết bị hiện đại, hoàn thành trước 31/12/2018. Các khoang VIP 2 giường chạy suốt Hà Nội - Sài Gòn thay vì chỉ chạy Hà Nội - Đà Nẵng như trước đây. Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn đang phối hợp với các đối tác đẩy nhanh tiến độ đóng mới 30 toa xe khách thế hệ thứ 3 để thay thế các toa xe cũ và dự định sẽ đưa vào 15 toa xe phục vụ hành khách vào dịp Tết.

Nhiều giải pháp ngăn đầu cơ vé

Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, lịch chạy tàu Tết Kỷ Hợi 2019 được tính từ ngày 23/1- 22/2/2019. Trong đợt vận chuyển Tết này, trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, ngoài việc tổ chức chạy thường xuyên 5 đôi tàu Thống Nhất và 5 đôi tàu khu đoạn trên các tuyến: Hà Nội - Vinh, Sài Gòn - Quy Nhơn, Sài Gòn - Nha Trang và Sài Gòn - Phan Thiết, Tổng công ty Đường sắt VN sẽ tổ chức chạy thêm 15 đôi tàu, gồm 7 đôi tàu Thống Nhất và 8 đôi tàu khách khu đoạn trên tuyến này. Trong đó, có thêm 3 đôi tàu Thống Nhất chạy suốt Hà Nội - Sài Gòn hàng ngày, nâng thành 8 đôi chạy suốt/ngày. Trong những ngày cao điểm nhất, sẽ chạy 25 đôi tàu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam với tổng số khoảng 14.000 chỗ/ngày.

Ông Lê Quốc Trung, Phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, với tàu khách khu đoạn do công ty quản lý sẽ tổ chức chạy 6 đôi trên các tuyến: Sài Gòn - Quảng Ngãi, Sài Gòn - Quy Nhơn, Sài Gòn - Nha Trang, Sài Gòn - Phan Thiết. Ngoài ra, trong thời gian nghỉ Tết, công ty tổ chức chạy thêm một số đôi tàu trên các tuyến: Sài Gòn - Tam Kỳ, Sài Gòn - Huế, Sài Gòn - Đà Nẵng, Sài Gòn - Diêu Trì, Sài Gòn - Nha Trang và Nha Trang - Huế.

Tại Hà Nội, bà Phùng Thị Lý Hà cho biết, với các mác tàu khu đoạn do công ty quản lý, tiếp tục duy trì các mác tàu tuyến phía Nam hiện nay như: Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - Vinh và các mác tàu trên các tuyến Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng… và 2 tuyến mới chạy lại tàu sau tạm dừng một thời gian là Gia Lâm - Đồng Đăng và Long Biên - Quán Triều. Tùy theo nhu cầu thực tế của hành khách, công ty sẽ lập thêm tàu từ ga Hà Nội đi các tuyến.

“Đặc biệt, để phục vụ công nhân các khu công nghiệp, chế xuất sát Tết mới có lịch nghỉ, công ty ưu tiên dành các toa xe khách để lập ram tàu riêng nếu doanh nghiệp có nhu cầu tổ chức đưa công nhân về quê ăn Tết”, bà Hà nói.

Đặt vé tàu qua mạng

Năm nay, để hạn chế nạn đầu cơ vé, vé giả, vé gian lận hay người đi tàu không đúng đối tượng, ngành Đường sắt thực hiện nhiều quy định chặt chẽ. Bà Hà cho biết, mỗi khách hàng đặt chỗ trên website bán vé mỗi lần không quá 4 vé cho một chiều. Áp dụng mức khấu trừ trả vé, đổi vé cao, 30% giá vé in trên thẻ lên tàu tùy theo cung chặng, thời gian đi tàu. Các tổ công tác trên tàu Thống Nhất không bán vé nối chặng cho hành khách, nếu phát hiện hành khách có vé tàu không hợp lệ thì kiên quyết mời xuống tàu. Trường hợp đặc biệt như người già, trẻ em thì phải xin ý kiến của lãnh đạo đơn vị. Duy trì tổ chức đón và kiểm soát thẻ lên tàu của hành khách tại cửa soát vé trước khi vào sân ga, lên tàu. Tại các cửa kiểm soát vé, ngành Đường sắt sẽ bố trí nhân viên hướng dẫn, hỗ trợ giúp đỡ hành khách vào ga, lên tàu.

Theo Báo Giao Thông