Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 trình bày tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, cần ưu tiên đầu tư hoàn thành một số tuyến đường cao tốc Bắc - Nam.
Trình bày báo cáo thẩm tra, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đánh giá, dự án đường cao tốc Bắc - Nam (tuyến phía Đông) là dự án có quy mô rất lớn, tác động mang tính vùng, miền, huy động nguồn lực lớn, phạm vi giải phóng mặt bằng rộng, là công trình trọng điểm quốc gia.
Do đó, để bảo đảm chặt chẽ trong việc sử dụng nguồn lực, đúng thẩm quyền theo Luật Đầu tư công, Ủy ban đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư riêng đối với dự án này tại kỳ họp gần nhất.
Về phân bổ ngân sách từ vốn trái phiếu Chính phủ: 200.000 tỷ đồng (không bao gồm 60.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 chuyển sang), dự kiến phân bổ cho ngành giao thông 121.150 tỷ đồng.
Trong đó, một số tuyến đường cao tốc Bắc - Nam: 70.000 tỷ đồng; Giải phóng mặt bằng dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành: 5.000 tỷ đồng.
Tuyến cao tốc Bắc – Nam sẽ giải quyết được bài toán giao thông độc đạo của quốc lộ 1 qua một số tỉnh và thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh. Anh minh họa
Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn, trong 5 năm tới, ngành giao thông vận tải (GTVT) sẽ tập trung đầu tư chuyển đổi thị trường vận tải với cơ cấu giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần vận tải đường sắt, đường biển và đường thủy nội địa, đặc biệt trên các hành lang vận tải chính.
Đồng thời, ngành GTVT xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại trên cơ sở sử dụng nguồn lực hợp lý để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; Ưu tiên các công trình có tính lan tỏa, đảm bảo kết nối các phương thức vận tải, các trung tâm kinh tế lớn, các vùng kinh tế trọng điểm, các cửa ngõ, đầu mối giao thông quan trọng./.
Trong giai đoạn 2016-2020, trong lĩnh vực giao thông, dự kiến sẽ hoàn thành mở rộng và đưa vào khai thác toàn bộ tuyến cao tốc trên tuyến Bắc - Nam, nhánh phía Đông, dài 1.814 km. Dự án đi theo hướng Quốc lộ 1 với điểm đầu tại Pháp Vân (Hà Nội), điểm cuối tại TP Cần Thơ, trong đó đoạn Hà Nội - TP Hồ Chí Minh dài 1.624 km.
Tuyến đường Hồ Chí Minh từ Hà Nội - Cà Mau, Quốc lộ 14 đoạn qua Tây Nguyên cũng sẽ được hoàn thành mở rộng và đưa vào khai thác toàn tuyến trong giai đoạn này.
Theo vov.vn. Hà Giang st