Nội dung đề cập trong văn bản do Thứ trưởng Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ ký gửi UBND TP HCM hôm 23/3, sau kiến nghị của thành phố cho sử dụng buýt mini nhằm phù hợp các đường nhỏ trên địa bàn, tăng tiếp cận người dân.
Trong yêu cầu rà soát tính khả thi, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị TP HCM cần đánh giá hiệu quả của những tuyến buýt hiện có, bao gồm cả xe dưới 17 chỗ đã triển khai. Thành phố cũng cần nêu cụ thể thời gian thí điểm, số lượng xe, chi tiết lộ trình các tuyến buýt mini dự kiến nhằm đảm bảo đúng tính chất chở khách từ đường hẹp ra đường rộng, thuận tiện kết nối buýt lớn, metro, buýt nhanh...
Xe buýt 12 chỗ do doanh nghiệp khai thác chở khách trên đường Lê Duẩn, quận 1. Ảnh: Gia Minhh.
Trường hợp Thủ tướng cho thí điểm buýt nhỏ, UBND TP HCM cần chỉ đạo các đơn vị liên quan đánh giá kết quả và báo cáo lại quá trình thực hiện... Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị thành phố thực hiện giải pháp phát triển mạng lưới tuyến hiện hữu, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ...
Trước đó hồi đầu tháng 2, UBND TP HCM kiến nghị được sử dụng buýt 12-17 chỗ nhằm đa dạng loại hình giao thông và đáp ứng nhu cầu đi lại người dân khi phần lớn đường ở thành phố nhỏ hẹp, xe buýt khó chạy vào. Năm ngoái, thành phố đề xuất mở 6 tuyến buýt dưới 17 chỗ, không trợ giá, đi qua các khu đô thị mới, đầu mối giao thông, giá vé 10.000-40.000 đồng. Tuy nhiên Bộ Giao thông Vận tải phản hồi kiến nghị không phù hợp do quy định xe buýt phải có sức chứa từ 17 chỗ trở lên.
Thành phố hiện có hơn 2.300 xe buýt hoạt động và phần lớn từ 41 đến 60 chỗ, chủ yếu chạy ở các đường rộng tối thiểu 10 m. Vì vậy với hơn 3.400 đường (trên tổng gần 5.000 tuyến) rộng dưới 7 m, rất khó để xe buýt đi vào tiếp cận người dân. UBND TP HCM đánh giá việc phát triển buýt nhỏ ngoài tăng khả năng phục vụ người dân còn thuận lợi kết nối các khu đô thị mới, khu công nghiệp, nơi bị hạn chế về hạ tầng...
Bốn năm trước, TP HCM thí điểm 3 tuyến xe buýt điện loại 12 chỗ do doanh nghiệp khai thác, giá vé 12.000 đồng mỗi lượt phục vụ khách tham quan, dân cư khu vực nội bộ. Trong đó một tuyến chạy ở khu trung tâm; hai tuyến còn lại ở khu Phú Mỹ Hưng (quận 7). Các xe này được đánh giá giúp đa dạng loại hình vận tải và tạo điều kiện cho khách tham quan, du lịch đi lại.
TP HCM hiện có 128 tuyến xe buýt, gồm 91 tuyến trợ giá và 37 tuyến không trợ giá. Mỗi năm thành phố trợ giá trung bình 1.000 tỷ đồng cho hệ thống xe buýt.