Quang cảnh Hội nghị
02 tháng đầu năm 2017, toàn quốc xảy ra 3.465 vụ, làm chết 1.570 người, bị thương 2.660 người. So với 2 tháng đầu năm 2016, TNGT giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Cụ thể, số vụ TNGT giảm 153 vụ (giảm 4,23%), số người chết giảm 20 người (giảm 1,26%), số người bị thương giảm 707 người (giảm 21%). Trong đó, có 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giảm số người chết vì TNGT và 26 địa phương có số người chết vì TNGT tăng. Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay cả nước đã xảy ra 12 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng làm chết 34 người, bị thương 30 người; 09 vụ tai nạn rất nghiêm trọng làm chết 17 người, bị thương 62 người; trong đó có 17 vụ TNGT đường bộ, 2 vụ TNGT đường sắt, 2 vụ TNGT đường thuỷ nội địa.
Nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT của người tham gia giao thông, các Bộ, ngành, Đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội là thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia và các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật TTATGT và các nguy cơ cao gây TNGT, cụ thể: Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp phối hợp với Ban ATGT thành phố Hà Nội tổ chức Lễ ra quân Năm An toàn giao thông 2017 và cao điểm bảo đảm TTATGT dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu; phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương, địa phương thường xuyên, kịp thời đưa tin về tình hình TTATGT trong các bản tin thời sự hàng ngày, cảnh báo các nguy cơ cao gây TNGT, các biện pháp phòng tránh TNGT; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp Ủy ban ATGT Quốc gia, tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Năm an toàn giao thông 2017 với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên”. Bên cạnh đó, Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng tích cực, chủ động phối hợp với các đơn vị, các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác truyên truyền đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Các đại biểu dự Hội nghị ở điểm cầu Cà Mau
Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia đã trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị, triển khai kế hoạch bảo đảm TTATGT dịp tết Nguyên đán của Cục Cảnh sát giao thông; Ủy ban ATGT Quốc gia đã ban hành Quyết định số 06về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để đôn đốc công tác chuẩn bị phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và bảo đảm TTATGT dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu và mùa Lễ hội xuân 2017. Ngoài ra, trong 02 tháng đầu năm 2017, các lực lượng thanh tra của ngành GTVT đã thực hiện trên 18.000 cuộc thanh tra, kiểm tra; quyết định xử phạt gần 14.000 vụ vi phạm với số tiền trên 39,6 tỷ đồng; tạm giữ 36 ô tô; đình chỉ hoạt động 70 phương tiện thủy nội địa; giám sát 163 kỳ sát hạch lái xe ô tô và 229 kỳ sát hạch lái xe mô tô. Lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc kiểm tra, lập biên bản gần 700.000 trường hợp vi phạm TTATGT; phạt tiền trên 400 tỷ đồng; tạm giữ trên 5.000 xe ô tô và gần 100.000 xe mô tô; tước gần 60.000 giấy phép lái xe.
Bộ GTVT đã trực tiếp kiểm tra hiện trường, tăng cường công tác quản lý chất lượng và đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án, nhất là các dự án trọng điểm, các công trình dự kiến hoàn thành trong năm 2017, đồng thời, hoàn tất thủ tục, triển khai thi công một số dự án mới. Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch bảo trì KCHTGT năm 2017 các lĩnh vực, coi công tác quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa và đảm bảo ATGT trên hệ thống quốc lộ, đường cao tốc là nhiệm vụ thường xuyên nhằm đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt trên toàn bộ hệ thống quốc lộ. Tập trung nghiên cứu, triển khai xây dựng quy định về việc xác định các vị trí nguy hiểm (điểm đen) trên đường thủy nội địa, đường sắt. Từ đầu năm 2017 đến ngày 22/02/2017, tổng số thu phí sử dụng đường bộ trên cả nước ước đạt 907,6 tỷ đồng.
Về Công tác quản lý vận tải, phương tiện, dịch vụ hỗ trợ vận tải: Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ GTVT, các Bộ, ngành, đặc biệt là sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương và các đơn vị kinh doanh vận tải, tình hình vận tải và TTATGT trước, trong và sau dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên Đán 2017 đã được đảm bảo tốt, năng lực vận chuyển và chất lượng dịch vụ được nâng cao, bảo đảm an toàn và giao thông thông suốt, ngay cả trong các ngày cao điểm phục vụ Tết, không xảy ra hiện tượng người dân không có phương tiện đi lại, các phản ánh về tình trạng nhồi nhét hành khách, chở quá tải, thu giá vé cao đã giảm đáng kể, tình hình an ninh, trật tự tại các bến, nhà ga, cảng hàng không trên các tuyến vận tải, trên các phương tiện vận tải hành khách được duy trì ổn định. Trong 2 tháng đầu năm 2017, lực lượng CSGT toàn quốc đăng ký mới 59.169 xe ô tô, 557.512 xe mô tô và 510.432 xe máy điện; nâng tổng số phương tiện đang quản lý lên 3.092.696 xe ô tô, 47.689.440 xe mô tô và 510.432 xe máy điện.
Đầu năm đến nay xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng có liên quan dến xe khách.
Về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện: Bộ GTVT tiếp tục theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị triển khai công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, tính từ 18/12/2016 đến hết ngày 18/02/2017, các trạm KTTTX lưu động trên cả nước đã kiểm tra 18.550 xe, trong đó vi phạm 7.591 xe (chiếm 42.3%). Đồng thời, Bộ Công an cũng tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc Thông báo số 13 của Bộ Công an về kiểm soát tải trọng xe. Từ ngày 16/11/2016 đến ngày 15/02/2017, lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý 14.245 trường hợp.
Đánh giá về những kết quả nổi bật, Hội nghị cho rằngvới sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các ngành, các cấp, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của một số Bộ, ngành như Bộ Công an, Bộ GTVT, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam...., tình hình TTATGT trên địa bàn cả nước tiếp tục có chuyển biến tích cực, giao thông trong các đô thị lớn và trên các quốc lộ trọng điểm tiếp tục được duy trì ổn định; TNGT được kiềm chế, giảm cả số vụ, số người chết và số người bị thương vì TNGT. Tình hình vận tải trước, trong và sau dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên Đán Đinh Dậu được đảm bảo tốt, năng lực vận chuyển và chất lượng dịch vụ được nâng cao, các phản ánh về tình trạng nhồi nhét hành khách, chở quá tải, thu giá vé cao giảm, tình hình an ninh, trật tự tại các bến, nhà ga, cảng hàng không trên các tuyến vận tải, trên các phương tiện vận tải hành khách được duy trì ổn định. Đặc biệt, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng và một số địa phương đã ra quân triển khai đồng bộ nhiều giải pháp lập lại trật tự giao thông đô thị.
Để đạt được những kết quả trên là do: Một là,sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia; sự triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời của các Bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức các hoạt động cao điểm bảo đảm TTATGT dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Đinh Dậu.Hai là, các Bộ, ngành, đoàn thể và cơ quan truyền thông, báo chí ở Trung ương và địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT trong mọi tầng lớp nhân dân. Ba là,sự vào cuộc mạnh mẽ, chủ động của các địa phương, các Tổng cục, các Cục chuyên ngành GTVT, các Sở GTVT và các đơn vị kinh doanh vận tải đã giúp người dân đi lại thuận tiện trong thời gian cao điểm Tết dương lịch và Tết Nguyên đán. Bốn là,công tác TTKS xử lý vi phạm tiếp tục được tăng cường, ngoài lực lượng CSGT, các địa phương tăng cường các lực lượng khác như cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động, công an xã, phường tham gia tuần tra và giải tỏa lòng đường, vỉa hè, chống ùn tắc giao thông. Năm là, bộ phận thường trực của các Bộ, ngành là thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia, Ban ATGT các địa phương đã thực hiện nghiêm quy định về thường trực trong những ngày Tết, đã phối hợp tốt trong việc xử lý kịp thời các ý kiến phản ảnh của người dân về các hành vi vi phạm TTATGT qua đường dây nóng.
Mặc dù, những tháng đầu năm 2017, tình hình TTATGT tiếp tục có chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, TNGT đường thủy tăng cả số người chết (tăng +83.33%), TNGT trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu tăng cao so với 7 ngày đầu dịp nghỉ Tết Bính Thân, trong tháng 2 và đầu tháng 3 xảy ra 19 vụ TNGT đường bộ, đường sắt đặc biệt nghiêm trọng làm chết 45 người, bị thương 72 người, làm thiệt hại lớn về tài sản gây bức xúc trong dư luận xã hội, trong đó điển hình là 02vụ TNGT đường sắt trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, 03 vụ TNGT liên quan đến xe ô tô chở khách hợp đồng tại Quảng Ninh, Hà Nội, Lào Cai làm chết 04 người và bị thương 55 người và 11 vụ tai nạn giữa xe ô tô tải với mô tô, xe máy làm 24 người chết và 13 người bị thương. Xảy ra một số vụ cháy xe ô tô kinh doanh vận tải và phương tiện thuỷ chở khách du lịch. Tình xe dù, bến cóc có xu hướng tăng tại một số địa phương. Vi phạm về chở quá tải có dấu hiệu tái diễn tại các địa bàn có mỏ vật liệu (Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An…), khu vực có các công trường đang thi công (Hà Nội, Đà Nẵng) và tại các khu vực đang thu hoạch nông, lâm sản (Gia Lai, Bình Định).Ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là trên các tuyến đường có công trình thi công chiếm dụng lòng đường và những ngày thời tiết xấu.
Nguyên nhân dẫn đến một số tồn tại, hạn chế:Thứ nhất:chưa có quy định pháp lý về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người thực thi công vụ trong bảo đảm TTATGT cho nên việc gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp Ủy, đứng đầu chính quyền cơ quan, đơn vị chức năng và địa phương trong công tác bảo đảm TTATGT chưa đi vào thực chất, chưa hiệu quả; còn một bộ phận người thực thi nhiệm vụ có biểu hiện hạn chế về năng lực, thiếu trách nhiệm, dung túng vi phạm, thậm chí tiêu cực, làm trái quy định. Thứ hai:vẫn còn tồn tại các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT chưa được xử lý dứt điểm, đặc biệt là tình trạng đường ngang không đảm bảo an toàn, lối đi dân sinh trái phép tồn tại tràn làn trên hệ thống đường sắt; hệ thống vạch sơn, tín hiệu, ký hiệu, biển báo giao thông còn bất cập trên nhiều tuyến đường bộ; tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè hành lang an toàn giao thông để tập kết vật liệu, nông, lâm sản, kinh doanh, trông giữ phương tiện…, trái phép trên mạng lưới đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa còn diễn ra phổ biến. Thứ ba: ý thức chấp hành pháp luật TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao, chưa tuân thủ các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông. Thứ tư: sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện cơ giới đường bộ cũng như hạn chế của công tác tổ chức, điều tiết giao thông cũng là nguyên nhân dẫn đến các vụ ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Thứ năm: mức độ ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều tiết giao thông, điều hành vận tải cũng như giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm còn hạn chế. Thứ sáu: kinh phí phục vụ cho công tác bảo đảm TTATGT còn hạn chế.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2017, Hội nghị đề ra 13 giải pháp:
1. Cần khẩn trương hoàn thành, trình Quốc Hội ban hành Luật Giao thông đường sắt (sửa đổi); tổng kết và xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ, Luật Xử phạt vi phạm hành chính, Luật Bảo hiểm... và các văn bản hướng dẫn nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật có liên quan đến phát triển và đảm bảo an toàn về kết cấu hạ tầng, phương tiện; kỹ năng, đạo đức, trách nhiệm của người tham gia giao thông cùng với các chế tài xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo đảm TTATGT.
Tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát tải trọng xe.
2.Đổi mới phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, xây dựng văn hoá giao thông; hoàn thiện chương trình đào tạo gắn liền giữa lý thuyết với thực hành về văn hoá giao thông và đưa vào chương trình chính khoá trong trường phổ thông; đẩy mạnh truyền thông về văn hoá giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và những môi trường thông tin phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của giới trẻ; phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị-xã hội, tổ chức tôn giáo, hiệp hội nghề nghiệp đồng thời xây dựng các tác phẩm văn hoá, nghệ thuật dân tộc để tuyên truyền về văn hoá giao thông;
3.Đẩy nhanh tiến độ phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược gắn với tái cấu trúc phát triển không gian: khẩn trương nghiên cứu, lập và triển khai đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm quốc gia như tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam, Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, sớm trình xin chủ trương để lập và đầu tư Dự án tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, các tuyến Hải Phòng – Hà Nội - Lào Cai, Biên Hoà – Vũng Tàu; TPHCM – Lộc Ninh... gắn với điều chỉnh lại quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và sử dụng đất của các trung tâm kinh tế-chính trị- xã hội nhằm nâng cao năng lực kết nối quốc gia và vùng, tạo sức hấp dẫn đầu tư, gia tăng cơ hội việc làm cho các đô thị trung bình (loại 1, loại 2) nhằm làm giảm mức độ di dân cơ học về Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, kéo giảm áp lực về giao thông, môi trường và an sinh xã hội.
4.Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tảitrong đó chú trọng nâng cao năng lực, chất lượng và giảm giá thành vận tải hành khách bằng đường hàng không; nâng cao năng lực và giảm giá thành vận tải hàng hoá của các phương thức vận tải đường sắt, đường thuỷ nội địa, hàng hải, đường sắt; tăng cường phát triển dịch vụ logistics và kết nối đa phương thức nhằm thu hút nhu cầu vận tải hàng hoá và hành khách, giảm sự phụ thuộc vào vận tải đường bộ, giúp giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
5.Đẩy nhanh tiến độ đầu tưđầu tư, xây dựng các tuyến đường sắt đô thị và vận tải công cộng khối lượng lớn theo quy hoạch phát triển GTVT thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đảm bảo kết nối thuận tiện và gắn với tiến độ đầu tư phát triển các khu đô thị, các trung tâm thương mại và dân cư lớn. Đồng thời nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ xe buýt trong các đô thị; tổ chức các tuyến xe khách liên tỉnh hoạt động theo mô hình xe buýt với lộ trình, tần suất ổn định để thu hút hành khách đi lại bằng dịch vụ công cộng, giảm mức độ sử dụng phương tiện cá nhân.
6.Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phát triển giao thông thông minh,khẩn trương nghiên cứu, lập dự án đầu tư trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị thông minh với năng lực giám sát, điều hành trực tuyến hoạt động giao thông, vận tải công cộng, hướng dẫn người dân đi lại đồng thời có khả năng giám sát và hỗ trợ xử lý vi phạm trước hết tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và sau đó là mở rộng áp dụng cho các đô thị khác.
7.Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản QPPL liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT, các quy định về tổ chức bộ máy quản lý về an toàn giao thông; nghiên cứu ban hành quy định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người thực thi công vụ trong công tác bảo đảm TTATGT...
8.Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương và địa phương để khắc phục các điểm đen, vị trí mất an toàn giao thông; rà soát, bổ sung gờ giảm tốc, biển cảnh báo nguy hiểm từ đường phụ ra đường chính....Ưu tiên sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ để bố trí gờ giảm tốc và biển cảnh báo nguy hiểm tại tất cả các đường ngang không có người gác, không có cần chắn tự động, các lối đi dân sinh có phương tiện cơ giới đường bộ hoạt động.
9. Khẩn trương rà soát, bổ sung chương trình đào tạo và nội dung sát hạch lý thuyết và thực tế đối với lái xe ô tô kinh doanh vận tải, các kiến thức và kỹ năng điều khiển phương tiện. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn đối với lái xe ô tô khách, xe ô tô tải.
10. tiếp tục tăng cường tuần tra kiểm soát, chú trọng tuần tra lưu động, tập trung xử lý hành vi người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ, chở quá tải trọng hàng hoá, gắn và xử lý trách nhiệm người đứng đầu của từng đơn vị theo địa bàn được phân công phụ trách. Tăng cường sử dụng trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm.
11.tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT tới mọi đối tượng, trong đó chú trọng xây dựng văn hóa giao thông cho Thanh, Thiếu niên; hướng dẫn kỹ năng điều khiển phương tiện an toàn và sử dụng áo phao hoặc dụng cụ nổi cứu sinh khi đi phương tiện thuỷ....
12. Xây dựng và triển khai kế hoạch lập lại trật tự giao thông đô thị; quản lý sử dụng vỉa hè đảm bảo quyền ưu tiên dành cho người đi bộ, tổ chức quản lý hiệu quả phần vỉa hè, lòng đường sử dụng để trông giữ xe, kinh doanh, buôn bán.... Xây dựng và công bố bản đồ các điểm hay ùn tắc giao thông để tăng cường lực lượng điều tiết, hướng dẫn giao thông; Xây dựng và thực hiện đề án hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.
13.Tăng cường lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ, đường sắt, trong đó tổ chức tháng cao điểm toàn quốc về tuyên truyền vận động và giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.
Huỳnh Anh