Đô thị thành phố Thủ Đức hiện nay. |
Tại dự thảo này, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra khoảng 52 đề xuất, trong đó đáng chú ý là các đề xuất nhằm phát triển thành phố Thủ Đức, đề xuất chính sách đột phá lĩnh vực đầu tư, đô thị, tài chính, môi trường… nhằm khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới.
Để thành phố Thủ Đức phát triển đúng định hướng
Để thành phố Thủ Đức phát triển đúng định hướng là cực tăng trưởng mới, Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh được quyết định giao một số chức năng nhiệm vụ thuộc thẩm quyền ở một số lĩnh (quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý kinh tế; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; quản lý văn hóa xã hội; tổ chức, bộ máy quản lý hành chính của chính quyền đô thị và cán bộ, công chức, viên chức) cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức.
Mục đích của cơ chế này là tạo điều kiện cho thành phố Thủ Đức chủ động trong giải quyết các thủ tục hành chính, các nội dung công việc thuộc thẩm quyền; Cơ chế này còn tạo ra sự chủ động trong quản lý điều hành, hỗ trợ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức dưới sự giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố Thủ Đức.
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiến nghị, trong phạm vi các nội dung quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức được ủy quyền cho thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân các phường, chủ tịch Ủy ban nhân dân các phường một số nhiệm vụ, quyền hạn, trừ những nội dung đã được Thành phố Hồ Chí Minh ủy quyền.
Đề xuất này sẽ giúp Thủ Đức chủ động trong công tác quản lý tài chính, ngân sách để có nguồn lực tài chính dồi dào thực hiện đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, an sinh xã hội, tạo nền móng cơ sở hạ tầng vững vàng và hiện đại cũng như đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố về y tế, giáo dục…
Về cơ cấu tổ chức thành phố Thủ Đức, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị được chủ động quyết định tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, số lượng và chức năng, nhiệm vụ các phòng ban chuyên môn trực thuộc thành phố Thủ Đức; cơ cấu số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách tại các phường dựa trên hoạt động kinh tế, quy mô dân số và đặc điểm của thành phố Thủ Đức. Bởi trên thực tế, hiện thành phố Thủ Đức dù đã hình thành một bộ máy quản lý hành chính nhà nước thống nhất, đồng bộ và được Thành phố Hồ Chí Minh phân cấp, ủy quyền nhưng trong nhiều lĩnh vực, bộ máy thành phố Thủ Đức vẫn chỉ có thẩm quyền tương đương cấp quận, huyện nên chưa chủ động hoàn toàn trong việc giải quyết các vấn đề vượt thẩm quyền của cấp quận, huyện.
Do vậy, cơ chế này sẽ giúp Thủ Đức chủ động trong quyết định số lượng, cơ cấu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố sẽ tác động tích cực đến phát triển kinh tế của thành phố Thủ Đức.
Ngoài ra, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiến nghị, Hội đồng nhân dân thành phố Thủ Đức được quyết định thành lập Ban đô thị thuộc Hội đồng nhân dân thành phố Thủ Đức; Hội đồng nhân dân thành phố Thủ Đức có 2 Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân và có không quá 8 đại biểu chuyên trách.
Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức có không quá 4 Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân; các đơn vị ngành dọc, đơn vị thuộc và trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức có không quá 4 cấp phó của người đứng đầu.
Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cơ chế nhân sự cho Hội đồng nhân dân thành phố Thủ Đức sẽ giúp đơn vị này làm tốt các chức năng kiểm tra, giám sát, chất vấn, phản biện bức xúc của cử tri, từ đó nâng cao vai trò, vị thế của Hội đồng nhân dân.
Việc tăng số lượng biên chế cấp phó của Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và cấp phòng ban nhằm đáp ứng khối lượng công việc của thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên trong cả nước.
Đột phá về hạ tầng giao thông
Để tạo đột phá về hạ tầng giao thông, trong dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội, Thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Trung ương cho phép Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh được quyết định thực hiện đầu tư dự án đầu tư công độc lập để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng dọc theo tuyến đường sắt đô thị số 1, số 2, tuyến Vành đai 2, 3, 4, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài, rạch Xuyên Tâm và tại khu vực bán đảo Bình Quới-Thanh Đa để tổ chức lại đô thị, thực hiện dự án tái định cư tại chỗ hoặc tạo quỹ đất để tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD).
Theo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nếu đề xuất nêu trên được thực hiện, thành phố sẽ thuận lợi trong việc tạo quỹ đất sạch để huy động nguồn lực ngoài xã hội tham gia đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, góp phần chỉnh trang đô thị, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời giảm áp lực cho ngân sách địa phương trong việc phải cân đối, bố trí phần vốn đầu tư xây dựng công trình trên đất.
Ngoài ra, để giảm áp lực nguồn vốn ngân sách đầu tư cho các dự án giao thông, Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn được áp dụng loại hợp đồng BOT (đầu tư- xây dựng-chuyển giao) đối với các dự án đầu tư công trình nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ; được thực hiện dự án đầu tư theo phương thức BT (xây dựng-chuyển giao) vì hiện thành phố đang có nhiều lợi thế quỹ đất, hấp dẫn các nhà đầu tư.
Theo Báo Nhân Dân