Trước buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác đã có chuyến khảo sát thực tế tình hình sạt lở ven biển từ Sóc Trăng, Bạc Liêu đến Cà Mau bằng trực thăng. Trên địa bàn tỉnh Cà Mau, đoàn đã đến khảo sát tại khu vực Khai Long, kênh Năm Ô Rô. (ảnh do Bộ đội Biên phòng cung cấp)

Hơn 10 năm qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, cùng với tình trạng sụp lún đất và các hình thái thời tiết cực đoan khác đã làm cho bờ sông, bờ biển của tỉnh Cà Mau bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng.

Đến nay, tổng chiều dài các đoạn bờ biển của tỉnh Cà Mau bị sạt lở khoảng 187 km trong tổng số 254 km chiều dài bờ biển trên địa bàn tỉnh. Sạt lở bờ biển đã làm mất đất và rừng phòng hộ với diện tích khoảng 5.250 ha (tương đương với diện tích bình quân một xã của tỉnh). Tổng chiều dài các đoạn bờ sông bị sạt lở và có nguy cơ bị sạt lở khoảng trên 425 km trong số hơn 8.118 km.

Do quá trình sạt lở xảy ra mạnh và thường xuyên nên đường bờ biển bị dịch vào phía đất liền nhanh chóng, rừng ngập mặn và các công trình hạ tầng khác bị phá huỷ. Tình trạng sạt lở rất nghiêm trọng, sạt lở không những diễn ra vào mùa mưa, mà còn xuất hiện cả trong mùa khô.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc tại Cà Mau sau khi đi khảo sát thực tế.

Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã đầu tư xây dựng hoàn thành được 55,7 km kè bảo vệ bờ biển, với tổng kinh phí 1.720 tỷ đồng; 9,2 km kè bảo vệ bờ sông, kinh phí khoảng 391 tỷ đồng.

Những công trình kè chống sạt lở bờ biển được bố trí đủ vốn và đầu tư hoàn thiện đã phát huy hiệu quả rõ rệt, làm giảm sóng, chống sạt lở và bước đầu đã gây bồi, tạo bãi, khôi phục gần 1.000 ha rừng phòng hộ.

Công trình kè các đoạn bờ sông, cửa biển đã khắc phục được tình trạng sạt lở, đồng thời sắp xếp, chỉnh trang lại mỹ quan, trật tự xây dựng công trình, nhà ở ven sông phù hợp với biến đổi khí hậu.

Tham dự buổi làm việc với Thủ tướng có lãnh đạo 3 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn khoảng 31 km bờ biển tỉnh trong tình trạng sạt lở đặc biệt nguy hiểm, các đoạn này có tốc độ sạt lở hằng năm bình quân từ 25-50 m, đặc biệt có những nơi lên đến 80 m. Ngoài ra, tổng chiều dài các đoạn sạt lở nguy hiểm còn hơn 58 km, với tốc độ sạt lở hằng năm bình quân từ 20-40 m. Hiện tỉnh vẫn chưa có kinh phí để triển khai các dự án chống sạt lở.

Riêng trong khu vực bờ sông, hiện nay toàn tỉnh có hơn 120 km đang trong tình trạng sạt lở đặc biệt nguy hiểm; khoảng 305 km trong tình trạng sạt lở nguy hiểm và có nguy cơ sạt lở.

Với tốc độ sạt lở rất nghiêm trọng như hiện nay, nếu không có giải pháp bảo vệ ngay thì trong thời gian tới sạt lở ven biển sẽ tiếp tục làm mất thêm rất nhiều diện tích đất, rừng phòng hộ; uy hiếp đến nhiều công trình hạ tầng đã xây dựng bên trong, thiệt hại về tài sản, tính mạng của người dân,…

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các địa phương phải quan tâm, hỗ trợ, ổn định đời sống người dân khu vực sạt lở.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, biến đổi khí hậu đã gây ra tình trạng sụp lún và sạt lở cả nước hiện nay là rất đáng báo động. Việt Nam là 1 trong 5 nước trên thế giới phải chịu tác động rất lớn của biến đổi khí hậu. Từ đầu năm đến nay, thiên tai đã gây ra nhiều thiệt hại, ngoài tài sản thì thiệt hại về người cũng rất lớn, đến 350 người.

Thủ tướng cho rằng, trước diễn biến của biến đổi khí hậu, cần giải quyết một số vấn đề trước mắt, cấp bách và tiến hành nghiên cứu giải pháp lâu dài.

“Trước mắt, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển và suy thoái rừng ngập mặn rất nghiêm trọng, do đó các địa phương phải hỗ trợ, ổn định đời sống người dân khu vực sạt lở. Nhanh chóng tiến hành rà soát lại những vùng có nguy cơ sạt lở để sớm di dời, tái định cư, chỗ ở tạm cho người dân. Tiến hành di dời ngay các hộ dân ở khu vực nguy cơ cao sạt lở, tránh để bị động bất ngờ dẫn đến thiệt hại tính mạng của người dân khi xảy ra sạt lở”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng thời chỉ đạo tiếp tục xử lý, khắc phục những khu vực sạt lở, đặc biệt nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho người dân và các hạ tầng cơ sở quan trọng. Các Bộ, ngành Trung ương phối hợp cùng với các địa phương để tính toán, phân bổ nguồn vốn sao cho phù hợp với điều kiện ngân sách và xác định tính cấp bách của dự án.

“Về lâu dài, phải nghiên cứu đưa ra được giải pháp để tiến hành làm căn cơ, bài bản và chiến lược. Riêng đối với Cà Mau, cần nghiên cứu để có dự án lớn, vừa đảm bảo được mục tiêu ngăn chặn sạt lở vừa phát triển giao thông, vừa có thể tạo bãi để lấn biển ở những nơi đủ điều kiện và không ảnh hưởng đến môi trường”, Thủ tướng lưu ý.

Nguồn Báo Cà Mau