Cụm từ "mua bia kèm lạc" khá phổ biến đối với khách hàng mua ô tô ở Việt Nam. Điều này được hiểu để ám chỉ việc mua bia phải kèm thêm mồi nhậu (lạc) thì khách hàng mới được nhận bia sớm. Nếu không đồng ý khách sẽ phải chờ rất lâu. Hiện tượng này cũng xảy ra tương tự với người mua xe ô tô, khi mua xe nếu khách hàng không mua thêm các gói phụ kiện hoặc dịch vụ sẽ phải thời gian dài khách mới nhận được xe. 

Các đại lý như những con buôn, cố gắng gia tăng lợi nhuận bằng nhiều chiêu trò. Các hãng khẳng định không có chủ trương này, chính các đại lý đã tìm các kẽ hở về việc quản lý bán hàng và hạn chế nguồn cung để "chèn ép" khách hàng, nhất vào những đợt có những mẫu xe "hot" mới ra trên thị trường. 

Dưới đây là 5 chiêu trò ép khách của đại lý bán xe ô tô thường gặp trong những năm gần đây:

Bán đúng giá nhưng mua thêm phụ kiện 

Đây là chiêu thức nhiều đại lý hiện nay đang sử dụng nhiều nhất. Cụ thể, đại lý sẽ không nói rõ ràng về việc này, tuy nhiên qua nhân viên bán hàng gợi ý khách hàng mua thêm các gói phụ kiện với lời hứa hẹn sẽ được nhận xe sớm. Nếu không, khách hàng sẽ bị ép lấy các màu không ưng ý hoặc sẽ phải chờ xe về trong thời gian dài lên đến vài tháng. 

Nhiều đại lý ép khách mua thêm những phụ kiện hoặc gói dịch vụ không cần thiết. 

Vừa mới đây, sự việc khách hàng mua Toyota Corolla Cross tố đại lý ép mua thêm các gói phụ kiện dán kính, trải sàn, camera 360 độ, camera hành trình, bậc lên xuống... có giá trị lên đến hàng chục triệu đồng. Sự việc này không chỉ xảy ra riêng tại các đại lý ở Hà Nội, tại TPHCM khách hàng cũng gặp tình trạng tương tự. Theo nhân viên bán hàng Quận 1 cho biết, đây là chính sách của đại lý đưa ra để tối ưu lợi nhuận bởi xe nhập nguồn cung ít, nhu cầu cao.

Bán đúng giá nhưng mua thêm các gói dịch vụ

Khi đi mua xe ô tô, người mua sẽ được giới thiệu thêm các gói bảo dưỡng từ 2-4 năm. Các gói dịch vụ sẽ ràng buộc khách phải đi chăm sóc bảo dưỡng tại đại lý dù muốn hay không. Dù trong cùng một hệ thống nhưng khách hàng chỉ được dùng gói dịch vụ tại đại lý đã đăng ký. Ngoài ra, khách hàng còn phải bỏ thêm tiền để mua các gói bảo hiểm vật chất, thân vỏ và các gói chăm sóc xe. 

Mua xe nhưng trao đổi đồ

Đây được coi là chiêu móc tiền khách tinh vi nhất của các đại lý. Thay vì ép khách phải mua thêm "lạc", đại lý sẽ yêu cầu khách hàng bỏ lại các món đồ trên xe. Ví dụ như Ranger Wildtrak tại thời điểm khan hiếm phụ kiện, khách hàng sẽ phải để lại thanh nẹp thể thao phía sau thùng xe, sau đó có thể lắp nắp thùng thấp hoặc cao. Thanh nẹp này sau đó được bán lại cho người khác với giá từ 17-22 triệu đồng. 

Cắt khuyến mãi, thay bằng gói phụ kiện giá rẻ

Chiêu thức cũ nhưng vẫn được nhiều đại lý áp dụng. Khi các hãng đưa ra khuyến mãi bằng tiền mặt nhưng đại lý không áp dụng, thay vào đó là tặng các gói phụ kiện có giá trị thấp hơn nhiều so với số tiền khách được giảm. 

Cắt khuyến mãi lên đến hàng chục triệu đồng.

Ví dụ, mẫu xe Toyota Vios được giảm 20 triệu đồng tiền mặt, nhưng đại lý chuyển sang tặng bảo hiểm thân vỏ và phụ kiện với giá trị thấp hơn nhiều so với số tiền được giảm. 

Theo kinh nghiệm mua bán xe ô tô, các gói đồ phụ kiện, đồ chơi theo xe không phải là hàng chính hãng. Hầu hết các đồ này có nguồn gốc từ không rõ ràng và được các đại lý chào hàng cho khách. Thực tế giá nhập vào rất rẻ nhưng bán đắt cho người mua.

Mua xe cộng thêm tiền mặt

Đây là tình trạng khá phổ biến trước đây, đặc biệt đối với các xe "hot" được khách hàng quan tâm, nguồn cung hiếm. Lợi dụng lúc này, đại lý cộng thêm tiền mặt từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Ví dụ sau khi Nghị định 116 có hiệu lực, các đại lý đã tự ý tăng giá Toyota Fortuner lên đến 200 triệu đồng. Tuy nhiên, tình trạng này không còn diễn ra thường xuyên trong những năm gần đây. 

Theo oto.com.vn