Cục Đăng kiểm Việt Nam phổ biến một số quy định mới tại Thông tư sửa đổi, bổ sung quy định về đăng kiểm tàu biển, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ đăng kiểm tàu biển.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, lĩnh vực hàng hải là lĩnh vực hết sức quan trọng, đặc thù, có ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế.

Những sửa đổi, bổ sung về quy định đăng kiểm tàu biển, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ đăng kiểm tàu biển đã được rà soát kỹ lưỡng trước khi đưa vào Thông tư 17, nhằm hướng đến mục tiêu lớn nhất là đơn giản hoá thủ tục, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

6 quy định mới của cuộc cách mạng đăng kiểm tàu biển

Ông Nguyễn Vũ Hải, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, các quy định mới trong Thông tư 17/2023 đã thể hiện sự đột phá của cuộc cách mạng trong công tác thực hiện đăng kiểm tàu biển.

Trong đó có 6 nội dung đáng chú ý là quy định cho phép kiểm định, đánh giá tàu biển từ xa (phù hợp với quy định quốc tế) tạo thuận lợi cho các chủ tàu; gia hạn giấy chứng nhận kiểm định tàu để tàu có thể tiếp tục hoạt động trong một số trường hợp đặc biệt như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh... phân cấp toàn bộ kiểm tra, đánh giá, cấp giấy chứng nhận đăng kiểm tàu biển cho các chi cục, các đơn vị trực thuộc cục thực hiện; giải quyết tất cả các thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công trực tuyến (trong đó, đã cấp giấy chứng nhận đăng kiểm điện tử); Giao quyền cho các cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên tổ chức tập huấn và cấp chứng chỉ nghiệp vụ cán bộ quản lý an toàn của công ty tàu biển (trước chỉ do đơn vị thuộc Cục Đăng kiểm VN cấp) và cuối cùng là đơn giản hóa thủ tục nội bộ đánh giá đăng kiểm viên (bỏ quy định đánh giá, cấp chứng nhận đăng kiểm viên hàng năm).

Ông Nguyễn Vũ Hải, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Phổ biến thêm về Thông tư 17/2023, ông Trần Trọng Phong, Phó trưởng phòng Tàu biển - Cục Đăng kiểm VN cho biết, đối với quy định về đăng kiểm tàu biển đã được đơn giản hoá các thành phần của thủ tục, hồ sơ khi thực hiện công tác đăng kiểm tàu biển giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho cá nhân, tổ chức và cơ quan nhà nước; đồng thời, cho phép áp dụng các quy định của Công ước quốc tế, các tiêu chuẩn quốc tế khi các quy định của pháp luật Việt Nam chưa phù hợp.

Cụ thể, thông tư quy định rõ các trường hợp sử dụng phương pháp kiểm định, đánh giá từ xa bao gồm: Trường hợp dịch bệnh, thiên tai, xung đột vũ trang; Trường hợp cơ sở sửa chữa không thể bố trí tiếp nhận tàu biển; Trường hợp tàu biển thực sự không có điều kiện đến nơi được chỉ định để kiểm định.

Theo ông Phong, quy định này nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về công tác đăng kiểm trong các trường hợp bất khả kháng như trong các trường hợp do quy định hạn chế, phong tỏa của cơ quan có thẩm quyền vì lý do dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh, tàu bị bắt giữ nên không thực hiện được việc kiểm tra, đánh giá trực tiếp theo quy định của các Quy chuẩn kỹ thuật liên quan. Lúc này, cơ quan đăng kiểm sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá thông qua các phương tiện liên lạc như đàm thoại, truyền hình và xem xét các báo cáo, hình ảnh, dữ liệu kỹ thuật.

Ông Trần Trọng Phong, Phó trưởng phòng Tàu biển - Cục Đăng kiểm VN.

Đáng chú ý, thông tư đã đẩy mạnh phân cấp công tác đăng kiểm tàu biển xuống các chi cục đăng kiểm, đơn vị sự nghiệp của Cục phù hợp với phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ; tách bạch chức năng quản lý Nhà nước và tổ chức thực hiện của Cục Đăng kiểm VN theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT.

Đồng thời, bổ sung hình thức nộp hồ sơ và trả kết quả qua Cổng dịch vụ công trực tuyến; bổ sung quy định về hồ sơ đề nghị kiểm tra/đánh giá trong trường hợp nộp hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024) nhằm đơn giản hoá thủ tục cho các tổ chức, cá nhân.

Đối với quy định về công tác đào tạo, đánh giá, công nhận đăng kiểm viên tàu biển, ông Phong cho biết, thay vì tất cả các đăng kiểm viên tàu biển phải có thời gian tập huấn, thực tập nghiệp vụ đủ 2 năm trở lên như trước đây thì từ ngày 15/8/2023, thời gian thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên tàu biển sẽ phân loại tối thiểu: 3 tháng đối với người đã là đăng kiểm viên của tổ chức đăng kiểm quốc tế là thành viên của Hiệp hội các tổ chức phân cấp quốc tế (IACS), người đã có trên 3 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật hoặc vận hành tàu thủy, công trình biển; 6 tháng đối với người đã có từ 1-3 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật hoặc vận hành tàu thủy, công trình biển; 1 năm đối với các trường hợp khác.

Thông tư 17 cũng sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh, loại bỏ các yêu cầu cắt giảm chứng chỉ không phù hợp với công chức, viên chức; điều chỉnh đối tượng tuyển dụng phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm, quy định.

6 tháng đầu năm 2023, có 423 lượt tàu biển Việt Nam bị chính quyền cảng nước ngoài (PSC) kiểm tra trong đó có 16 lượt tàu bị lưu giữ, chiếm 4,49%.

Nỗ lực giảm thiểu tàu lưu giữ PSC

Tại hội nghị, ông Lê Đức Duy, đăng kiểm viên bậc cao Phòng Tàu biển cho biết, tính đến 30/6/2023, đội tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam hiện tại đang duy trì hoạt động gồm 1.206 tàu với tổng trọng tải là 11,42 triệu tấn, tổng dung tích 6,94 triệu GT.

Cơ cấu đội tàu biển Việt Nam gồm: 438 tàu chở hàng tổng hợp, 162 tàu chở dầu, dầu/hoá chất, 88 tàu chở hàng rời và hàng rời sửa đổi, 45 tàu chở container, 20 tàu chở khí hoá lỏng, 46 tàu và phà chở khách, 402 tàu loại khác (tàu kéo, dịch vụ, nạo vét…).

Theo thống kê của Tokyo - MOU, 6 tháng đầu năm 2023, có 423 lượt tàu biển Việt Nam bị chính quyền cảng nước ngoài (PSC) kiểm tra trong đó có 16 lượt tàu bị lưu giữ, chiếm 4,49%.

Có 17 khiếm khuyết khiến tàu bị lưu giữ tàu trong 6 tháng đầu năm 2023, trong đó nhiều nhất là nhóm khiếm khuyết liên quan đến an toàn chống cháy (18 trường hợp). Ngoài ra còn có các nhóm khiếm khuyết như: an toàn hàng hải; trang thiết bị cứu sinh; tình trạng kín nước/kín thời tiết; tình trạng kết cấu; hệ thống sử dụng trong trường hợp sự cố; hệ thống quản lý an toàn; liên lạc vô tuyến điện; hệ thống quản lý nước dằn; giấy chứng nhận của tàu, thuyền viên, hồ sơ tàu; ngăn ngừa ô nhiễm; điều kiện lao động.

Để giảm thiểu tàu biển bị lưu giữ PSC, ông Duy cho biết, cần tiếp tục thực hiện Đề án duy trì đội tàu biển Việt Nam trong danh sách trắng – xám của Tokyo-Mou; tiếp tục phân tích, xác định nguyên nhân lưu giữ PSC để có biện pháp khắc phục, phòng ngừa đối với các khiếm khuyết dẫn đến lưu giữ, xác định trách nhiệm của đơn vị, cá nhân liên quan đến khiếm khuyết kỹ thuật dẫn đến việc tàu bị lưu giữ PSC; Tập trung duy trì trình trạng kỹ thuật của đội tàu biển.

Ngoài ra, các chủ tàu, công ty quản lý tàu biển cần lưu ý thực hiện các biện pháp nhằm giảm lưu giữ PSC đối với tàu biển hoạt động tuyến quốc tế và bảng câu hỏi xử lý 6 nhóm khiếm khuyết phổ biến dẫn đến tàu bị lưu giữ PSC của Hiệp hội các tổ chức đăng kiểm châu Á.

Trong khi đó, các đơn vị đăng kiểm tàu biển cũng cần thực hiện việc kiểm tra tăng cường tàu biển hoạt động tuyến quốc tế; thường xuyên quán triệt, giáo dục phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm và ý thức chống tiêu cực trong công tác đăng kiểm; chủ động phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi trong thực thi công vụ của các cá nhân liên quan.

Theo Báo Giao thông