Chiến sỹ Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Ninh Bình kiểm tra một xe khách qua địa bàn. Ảnh: Đức Phương/TTXVN
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, mặc dù tai nạn giao thông trong kỳ nghỉ lễ và cuối tuần năm nay (từ ngày 30/4 - 3/5) giảm cả về số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm 2019, nhưng mức giảm chưa sâu. Trong 4 ngày nghỉ lễ, toàn quốc xảy ra 133 vụ tai nạn giao thông, làm chết 79 người, bị thương 76 người. So sánh với 4 ngày đầu của kỳ nghỉ lễ năm 2019, tăng 18 vụ, giảm 2 người chết, giảm 2 người bị thương. Bình quân số người chết mỗi ngày trong đợt nghỉ lễ vẫn tăng khoảng 11% so với bình quân ngày của 4 tháng đầu năm 2020.
Nguyên nhân chủ yếu là do một bộ phận người tham gia giao thông đường bộ có tâm lý “xả hơi” trong dịp nghỉ lễ, cho rằng lực lượng chức năng sẽ hạn chế tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, dẫn đến chủ quan, lơ là, cố ý vi phạm quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là ở khu vực ngoài đô thị và nông thôn.
Các lỗi chủ yếu là: Đi không đúng phần đường, làn đường; không chú ý quan sát gây tai nạn; chuyển hướng không đúng quy định; sử dụng rượu, bia; vi phạm tốc độ; không giữ khoảng cách an toàn với xe chạy liền trước.
Một số vụ ùn tắc giao thông kéo dài còn xảy ra tại khu vực cửa ngõ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh ngày đầu và ngày cuối kỳ nghỉ lễ; tình trạng ùn ứ xảy ra tại các tuyến đường xung quanh các khu du lịch, thành phố du lịch, tại một số trạm thu phí, nút giao lớn trên đường cao tốc và quốc lộ, trên các trục đường chính ra, vào các thành phố lớn.
Hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ vẫn diễn biến phức tạp, tình trạng xe khách chở quá số người quy định diễn ra nhiều trong ngày đầu và ngày cuối kỳ nghỉ, nhất là các tuyến Hà Nội - Thanh Hóa, Nghệ An, Yên Bái; tăng giá vé ô tô quá mức quy định ở một số nhà xe; hiện tượng đón, trả khách dọc đường, không đúng nơi quy định diễn ra khá phổ biến trên hầu hết các tuyến giao thông có mật độ xe ô tô chở khách cao, đặc biệt là trên quốc lộ.
Nguyên nhân là do một bộ phận chủ xe, lái xe cố tình vi phạm; không ít hành khách có thói quen vẫy xe trên đường, không chịu đến bến xe, điểm đón trả khách theo quy định; công tác kiểm tra, kiểm soát vẫn chưa giám sát hết được các hành vi vi phạm.
Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ngay sau kỳ nghỉ lễ, cùng với việc các hoạt động kinh tế, xã hội được phục hồi trở lại, toàn bộ học sinh, sinh viên quay lại đi học và bước vào cao điểm mùa du lịch hè, cũng như mùa mưa, lũ sắp tới, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; văn bản số 437/TTg-CN ngày 15/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý II/2020, đồng thời tiếp tục Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Các lực lượng chức năng tiếp tục đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông, đặc biệt là lái xe vi phạm nồng độ cồn, tốc độ, đi sai phần đường, làn đường, vi phạm hiệu lệnh của tín hiệu giao thông…, người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm đúng quy định, người đi ô tô không thắt dây an toàn; cương quyết xử lý các hành vi vi phạm, kể cả đối với khách du lịch và người nước ngoài.
Các bộ, ngành liên quan khẩn trương có phương án cung ứng vận tải và bảo đảm trật tự an toàn giao thông phục vụ cao điểm du lịch hè 2020 và kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 gắn với việc thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động vận tải tại các cảng hàng không, nhà ga, bến xe, trạm dừng nghỉ và trên phương tiện vận tải; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kế hoạch bảo trì, bảo đảm an toàn các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, lối đi tự mở trái phép qua đường sắt; triển khai thực hiện nghiêm các phương án bảo đảm an toàn giao thông mùa mưa lũ để khắc phục kịp thời khi xảy ra các sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt, cứu hộ, cứu nạn kịp thời.
Theo baotintuc.vn