Việc tăng mức xử phạt tiền tối đa để điều chỉnh mức xử phạt tiền của các chức danh có thẩm quyền xử phạt - Ảnh minh họa
Cần sửa Luật, tăng mức phạt tối đa
Bộ GTVT vừa trả lời Bộ Tư pháp cung cấp thông tin liên quan đến đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Tại văn bản này, Bộ GTVT cho biết, việc tăng mức xử phạt tối đa nhằm đảm bảo nguyên tắc kịp thời, phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
Giải thích cụ thể hơn, Bộ GTVT nêu ví dụ, khoản 4 Điều 23 Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt quy định: Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện, nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 40 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô chở khách chạy tuyến có cự ly lớn hơn 300 km.
Tuy nhiên, thực tế tình trạng chở quá số người quy định trong vận tải dịp lễ, Tết diễn ra phổ biến, nhiều phương tiện chạy tuyến có cự ly lớn hơn 300 km chở quá 40 người, tiềm ẩn quy cơ mất ATGT. Trong trường hợp này, nếu theo quy định của Nghị định 100 chỉ xử phạt đến 40 triệu đồng, tương đương chở quá 27 người. Điều này không đủ sức răn đe với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
"Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện quy định mức phạt tối đa trong lĩnh vực đường bộ là 40 triệu đồng. Do đó, để đảm bảo tính răn đe và tính chất mức độ của hành vi vi phạm, việc tăng mức xử phạt tối đa trong lĩnh vực đường bộ là rất cần thiết", Bộ GTVT nêu.
Cũng theo Bộ GTVT, hiện nay, một số nhóm hành vi vi phạm trong Nghị định 100 đã được nâng mức xử phạt tiền lên mức tối đa là 40 triệu đồng. Cụ thể: Nhóm hành vi vi phạm nồng độ cồn ở mức 3 (vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở) có mức xử phạt từ 35 - 40 triệu đồng. Nhóm hành vi vi phạm sử dụng ma túy điều khiển xe ô tô mức xử phạt từ 30 - 40 triệu đồng.
Tuy nhiên, thực tiễn vẫn có thể phát sinh những hành vi vi phạm về nồng độ cồn, sử dụng ma túy điều khiển phương tiện phức tạp, nguy hiểm, có nguy cơ cao gây mất ATGT và đặt ra vấn đề tiếp tục phải tăng mức xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, việc tăng mức xử phạt tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ để bảo đảm kịp thời, răn đe đối với những hành vi vi phạm đã có mức phạt tiền kịch khung cần phải nâng mức xử phạt vi phạm hành chính.
Tăng mức phạt tiền theo thẩm quyền
Trả lời Bộ Tư pháp, Bộ GTVT cũng cho biết, việc tăng mức xử phạt tiền tối đa còn để điều chỉnh mức xử phạt tiền của các chức danh có thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
"Để đảm bảo tính khả thi khi thi hành xử phạt vi phạm hành chính, trong quá trình xây dựng các dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, ngoài việc xem xét tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm còn phải nghiên cứu để phù hợp với thẩm quyền của các chức danh, đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn", Bộ GTVT thông tin.
Cũng theo Bộ GTVT cho biết, Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2019, trong đó đã điều chỉnh gần 300 hành vi, nhóm hành vi, trong đó có 69 hành vi, nhóm hành vi tăng cao mức xử phạt. Do tính chất phức tạp của các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ nên nhiều hành vi có mức phạt cao, vượt quá thẩm quyền xử phạt của trưởng phòng CSGT cấp tỉnh, giám đốc công an tỉnh, chánh thanh tra sở (đây là chức danh trực tiếp chỉ đạo các lực lượng thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát và xử phạt vi phạm hành chính trên đường), dẫn đến tình trạng phải chuyển hồ sơ vi phạm lên cấp có thẩm quyền (chủ tịch UBND cấp tỉnh, cục trưởng cục CSGT) để ra quyết định xử phạt, như: các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn mức 3 (vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở) có mức xử phạt từ 35 - 40 triệu đồng.
Hiện nay, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: giám đốc công an tỉnh, chánh thanh tra sở được phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa (tương ứng tối đa 20 triệu đồng đối với cá nhân; 40 triệu đồng đối với tổ chức). Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc cục CSGT, trưởng phòng CSGT công an cấp tỉnh được phạt tiền đến 20% mức tiền phạt tối đa (tương ứng tối đa 8 triệu đồng đối với cá nhân; 16 triệu đồng đối với tổ chức).
"Với quy định này, các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn mức 3 (vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở) có mức xử phạt từ 35 - 40 đồng, các hành vi vi phạm sử dụng ma túy điều khiển xe ô tô có mức xử phạt từ 30 - 40 đồng sẽ vượt quá thẩm quyền của giám đốc công an cấp tỉnh, chánh thanh tra sở GTVT, phải chuyển hồ sơ đến chủ tịch UBND cấp tỉnh, phát sinh khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ", Bộ GTVT cho biết và khẳng định: Việc tăng mức xử phạt tiền tối đa để điều chỉnh mức xử phạt tiền của các chức danh có thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ là rất cần thiết.
Theo Báo Giao thông