Vừa vất vả, vừa xa nhà biền biệt
Đặc thù công việc vất vả, luôn phải xa nhà trong khi mức thu nhập chưa thực sự thỏa đáng khiến không ít lao động thuộc các doanh nghiệp giao thông không còn mặn mà (Ảnh minh họa)
Năm 2008, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học GTVT, anh Trần Văn Quyết (SN 1986, quê ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) bắt đầu hành trình gắn bó với nắng gió công trường với xuất phát điểm tại Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1).
Những tưởng mối lương duyên với ngành giao thông sẽ kéo dài cho đến tuổi hưu. Song đến năm 2020, sau 12 năm miệt mài bám dự án từ Bắc chí Nam, quyết định nghỉ việc về quê được anh đưa ra, dù lúc này đã được Công ty Licogi 16.6 tín nhiệm giao đảm nhận vị trí Chỉ huy trưởng thi công cao tốc Hạ Long - Vân Đồn.
“Nghề giao thông vất vả quá. Lương chỉ huy trưởng được 18 - 20 triệu đồng/tháng nhưng xa nhà biền biệt, dự án ở gần thì 1 - 2 tháng về quê một lần, dự án xa có khi nửa năm”, anh Quyết chia sẻ và cho biết, hiện tại, bản thân thấy hài lòng với lựa chọn của mình khi xưởng thiết kế, lắp đặt nội thất anh kinh doanh mang lại thu nhập gấp 2 - 3 lần so với lương kỹ sư giao thông. Việc chăm lo cho gia đình cũng được vẹn toàn hơn.
“Không chỉ riêng tôi mà trong hơn 50 người cùng lớp đại học, 70% cũng đã chia tay nghề giao thông chuyển sang lĩnh vực khác”, anh Quyết nói thêm.
Điều hành một trong những đơn vị tư vấn có tiếng, ông Nguyễn Duy Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn giám sát chất lượng công trình Thăng Long (Công ty Tư vấn Thăng Long) thừa nhận, những năm gần đây, nguồn lực kỹ sư, lao động có tay nghề trong lĩnh vực giao thông đang dần mai một.
Riêng với Tư vấn Thăng Long, hai năm qua, số lao động xin chuyển việc là hơn 20 người, chiếm gần 10% trên tổng số cán bộ kỹ sư, trong đó có nhiều người đã gắn bó với đơn vị hàng chục năm.
“Đây thực sự là điều tiếc nuối bởi với nghề tư vấn, một kỹ sư có đủ năng lực tham gia những công trình giao thông lớn phải có kinh nghiệm từ 7 - 10 năm.
Thợ lành nghề hụt dần, việc tìm người thay thế cũng không dễ. Đợt tuyển dụng gần đây, với chỉ tiêu số lượng cần khoảng 50 người, đơn vị chỉ tuyển được 60%”, ông Duy Anh giãi bày.
Việc tăng, lao động tay nghề cao giảm
Khó khăn trong tìm kiếm, duy trì nguồn nhân lực khiến hoạt động của doanh nghiệp ảnh hưởng không ít, đặc biệt là trong quá trình tham gia vào các dự án trọng điểm quốc gia, có tính chất kỹ thuật phức tạp như cao tốc.
“Để thực hiện mục tiêu cả nước có 5.000km đường bộ cao tốc vào năm 2030, đòi hỏi phải thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao.
Muốn vậy, công tác tuyên truyền cần phải chuẩn xác, lan tỏa những giá trị từ các công trình, dự án tầm cỡ để khơi dậy khát vọng cống hiến cho thế hệ trẻ.
Thứ hai, các trường học ứng dụng công nghệ mới trong đào tạo chuyên môn, vừa để thu hút người học, vừa bắt kịp công nghệ thi công trên thế giới.
Cơ quan chức năng cũng cần rà soát, xây dựng lại đơn giá, định mức xây dựng trong lĩnh vực giao thông hiện nay cho phù hợp. Chỉ có như vậy, doanh nghiệp mới có điều kiện để thu hút người lao động.
PGS. TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam
”
Theo ông Nguyễn Duy Anh, nếu tại dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Tư vấn Thăng Long tham gia giám sát tới 5 dự án thành phần thì tại dự án giai đoạn 2021 - 2025, đơn vị chỉ tham gia một gói thầu để phù hợp với số lượng kỹ sư chất lượng cao hiện có.
Dưới góc độ nhà thầu thi công xây lắp, ông Vũ Đức Nhận, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành (Phương Thành Tranconsin) chia sẻ, khoảng 3 năm qua, kỹ sư và công nhân lành nghề trong ngành giao thông đang ở tình trạng vừa thiếu, vừa yếu.
Cao điểm nhất là giai đoạn 2018 - 2020, sau một thời gian dài các doanh nghiệp xây lắp “đói” việc, một lực lượng lớn đã chuyển sang lĩnh vực khác.
Riêng Phương Thành Tranconsin, số lượng kỹ sư, công nhân giảm từ 600 người xuống còn 450 người.
“May mắn là thời gian qua, lĩnh vực xây dựng dân dụng ít việc, một lượng lớn kỹ sư, công nhân chuyển lại sang làm công trình giao thông.
Bản thân doanh nghiệp cũng kịp thời có chính sách giữ chân người lao động. Nếu không, các dự án hiện nay sẽ khó có được nguồn nhân lực tốt trong bối cảnh tiến độ yêu cầu gấp rút nhưng chất lượng vẫn phải đảm bảo”, ông Nhận chia sẻ.
Là doanh nghiệp đang tham gia rất nhiều dự án giao thông trọng điểm, ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cũng không khỏi lo lắng: “Riêng số lượng km đường bộ cao tốc từ nay đến năm 2030 đã gấp 16 lần so với giai đoạn 2006 - 2010, chưa kể đến các dự án kết nối liên vùng, quan trọng khác. Trong khi nguồn nhân lực qua đào tạo từ các trường không tăng trưởng tương ứng”.
Làm mọi cách để hút người tài
Thừa nhận việc tuyển dụng có thời điểm rất khó khăn, song ông Ngọ Trường Nam cho biết, những năm qua, doanh nghiệp luôn cố gắng nâng quy mô nhân sự lên khoảng 15 - 20%/năm.
“Bên cạnh đảm bảo thu nhập có tính cạnh tranh, Tập đoàn cũng ưu tiên hợp tác, đào tạo để đảm bảo nguồn lao động cần thiết, nâng cao điều kiện ăn, nghỉ và tuyệt đối không nợ lương”, ông Nam chia sẻ.
Nhìn từ thực tế, ông Nam cũng đánh giá hiện nay, sự ghi nhận của xã hội với lực lượng kỹ sư, công nhân ngành giao thông vẫn chưa đúng với điều kiện làm việc khó khăn.
Điều đó thể hiện qua định mức nhân công xây dựng bậc 3,5/7 chỉ khoảng 223.000/ngày. Nếu trả đúng định mức, nhà thầu không có người làm, trả chênh lệch quá thì không được thanh toán bù đắp.
Hay như định mức chi phí nhà tạm để ở và điều hành thi công theo thông tư Bộ Xây dựng ban hành năm 2021 lại giảm so với năm 2019, trong khi chất lượng cuộc sống, nơi ở, nơi làm việc của công nhân phải được cải thiện, nâng cao.
“Các định mức này cần thiết phải được nghiên cứu, điều chỉnh”, ông Nam nói.
Với lực lượng tư vấn, theo ông Nguyễn Duy Anh, để giữ chân người lao động có trình độ, mức lương đối với kỹ sư tư vấn giám sát cần được nâng lên khoảng 20 - 25 triệu/tháng so với mức trung bình từ 12 - 15 triệu/tháng như hiện tại.
Theo định mức tại Thông tư 12/2021 ngày 31/08/2021 của Bộ Xây dựng, tỷ lệ tính theo giá trị gói thầu hoặc dự án cho Tư vấn giám sát hiện nay là rất thấp.
Đơn cử, xét trên giá trị gói thầu 1.000 - 2.000 tỷ đồng, trong điều kiện môi trường thi công khó khăn, định mức tư vấn giám sát thi công xây dựng chỉ từ 0,6 - 0,7%.
Tức là với giá trị xây lắp công trình 1.000 tỷ đồng, chi phí tư vấn giám sát nhận được chỉ khoảng 6 tỷ đồng.
“Tại một công trình cao tốc, số lượng kỹ sư chuyên ngành phải bố trí khoảng 15 người. Tiền lương người lao động cộng với chi phí văn phòng, thiết bị, máy móc gần như chiếm gần hết lợi nhuận của doanh nghiệp”, ông Duy Anh nói.
Nhìn vào định mức tư vấn giám sát ở một số nước luôn dao động từ 2 - 3%, lãnh đạo Công ty Tư vấn Thăng Long mong muốn, tới đây, các cấp thẩm quyền nghiên cứu, nâng định mức tư vấn giám sát ở mức từ 1 - 1,5% giá trị gói thầu/dự án, giúp doanh nghiệp có nền tảng tài chính, xây dựng những chính sách đãi ngộ hấp dẫn, thu hút lực lượng lao động chất lượng cao trở lại.
Theo Báo Giao thông