Những tháng đầu năm nay, toàn quốc xảy ra hơn 15.000 vụ TNGT làm chết hơn 6.000 người, bị thương hơn 13.000 người. Riêng tỉnh Cà Mau đã xảy ra trên 65 vụ TNGT, làm chết trên 36 người, bị thương trên 82 người (tăng cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2015).

Thế nên, từ năm 2013, Ủy ban an toàn giao thông (ATGT) quốc gia đã phát động kế hoạch hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tai nạn giao thông” và chọn ngày chủ nhật thứ 3 của tháng 11 hàng năm là ngày tưởng nhớ. Năm nay, Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân TNGT sẽ là ngày 20/11, với thông điệp “Tưởng nhớ người đi – Vì người ở lại”.

Qua 3 năm hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân TNGT”, không chỉ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT, cảnh báo xã hội về thảm họa TNGT… Ban ATGT tỉnh Cà Mau có tổ chức nhiều đoàn đi thăm viếng, tặng quà và động viên tinh thần những gia đình, nạn nhân TNGT. Điểm chung nhất của TNGT là nếu không tử vong thì cũng để lại di chứng thương tật vĩnh viễn. Và, sau mỗi đợt thăm viếng, chúng tôi lại ghi nhận một hoàn cảnh, một câu chuyện về hệ luỵ TNGT.

Thăm viếng gia đình, nạn nhân TNGT ở huyện Đầm Dơi.

* ĐEN, TRẮNG TÌNH NGƯỜI

Căn nhà nhỏ nằm ven nhánh kinh thuộc ấp Ngã Bát, xã Trần Phán (huyện Đầm Dơi) là nơi trú ngụ của gia đình ông Hồ Văn Mẫn. Ông bị chứng bệnh xương khớp không lao động nặng được, vợ ông cũng bệnh rề rà thường xuyên nằm viện điều trị, nhà có mấy công đất nuôi tôm khi có thu nhập, khi thất trắng.

Mọi chuyện gia đình đều do anh Hồ Văn Hải (con ông Mẫn) lo toan. Năm 2014, anh Hải đi thăm người cô (ở cùng xã), trong lúc đang đi bộ trên đường, anh Hải bị xe đụng và chết trên đường đưa đi cấp cứu. Sau đám tang anh Hải khoảng 2 tháng thì vợ anh “âm thầm” bỏ nhà ra đi, để lại 2 đứa con nhỏ cho ông bà nội nuôi dưỡng. “Người đời thường nói: chết cha ăn cơm với cá. Đằng này…”. Ông Mẫn thở dài. Còn cháu Cẩm Tiên (con gái lớn của anh Hải), thì “Con mong muốn cha con sống lại, mẹ trở về, tụi con có cha mẹ như các bạn”!?

Ngược lại, ở ấp Tân Hiệp, xã Tân Dân, người dân địa phương lại hết lòng khen ngợi chị Nguyễn Ngọc Thúy. Tuy chưa tiến tới hôn nhân, nhưng vì quá yêu và đã trót “trao thân” cho Nguyễn Trường An, nạn nhân của vụ TNGT thương tâm xảy ra vào tháng 4/2001. Hôm đó, An cùng với anh ruột đi đám cúng cơm nhà người quen cùng xã. Trên đường về, trời đã nhá nhem tối, đến đoạn kinh lô 4 thì xuồng máy của An đụng phải xà lan đậu cặp tuyến kinh mà không có đèn báo.

Lúc này An đang nằm ngủ, đầu quay về phía trước, nên khi mũi ghe bị đụng mạnh vào khoan xà lan, vùng cổ của An bị chấn thương rất nặng. Tuy đã được gia đình đưa đi chữa trị kịp thời, nhưng tình trạng của An chỉ chửa lành vết thương bên ngoài, còn nội thương thì không chữa được. Ảnh hưởng vùng cổ và xương sống khiến An bị liệt các tứ chi, nằm một chổ.

“Ngày An bị thương thì trong em cũng đã tượng hình thai nhi. Thế nên, chưa được gia đình An cưới hỏi nhưng em tự cho mình là vợ và phải có bổn phận chăm sóc cho An. Hiện tại, tuy An bị liệt tứ chi nhưng đầu óc vẫn rất tỉnh táo, nhiều lúc thấy em vất vả quá, An tỏ ra e ngại và không hề kêu ca mỗi khi em chậm trễ việc cho ăn hay làm vệ sinh cá nhân cho An”.

* KÊU GỌI SỰ GIÚP ĐỠ CỦA XÃ HỘI

Hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân TNGT”, hàng năm Ban ATGT tỉnh chỉ tổ chức thăm khoảng 30 gia đình, nạn nhân điển hình trong số còn nhiều, rất nhiều những hoàn cảnh neo đơn, mãnh đời bất hạnh được tạo ra bởi TNGT.

Các tổ chức từ thiện xã hội quyên góp giúp đỡ gia đình chị Ngô Thị Láo.

Điển hình như gia đình chị Ngô Thị Láo, ấp Trại Lưới B, xã Lâm Hải, (huyện Năm Căn). Chồng bị TNGT chết năm 2014 để lại cho chị 4 đứa con nhỏ dại. Ít học, không vốn liếng, sức khỏe yếu (do lúc sinh nở còn non ngày tháng mà chị đã lội ra bãi bồi mò ốc len, bắt ba khía…), nên hàng ngày chị Láo lao động vất vả mà thu nhập chẳng được bao nhiêu.

Căn nhà chị đang ở được Nhà nước cất cho (theo chương trình nhà ở 167) cách nay đã lâu, bây giờ chỉ còn mỗi bộ khung nhà, vách lá xung quanh gần như hư nát, trong căn nhà trống hoát không có vật dụng nào, thậm chí giường ngủ cũng không có. Hôm nào trời nắng thì lau sạch sàn nhà rồi giăng mùng ngủ, lúc trời mưa thì giăng võng ngủ. Để có nước sạch sinh hoạt, chị phải lội bộ trên đường đất ghập ghềnh gần 200 mét để xin nước của hàng xóm, còn điện sinh hoạt chủ yếu là… đèn cầy.

Và sẽ chia đau và nhọc nhằn của gia đình chị, Ban ATGT tỉnh đã kêu gọi sự chung tay góp sức của công đồng xã hội, vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ kinh phí để sửa chữa lại căn nhà cho chị, Khoan cây nước gần nhà, kéo điện sinh hoạt, ủng hộ vốn để chị chăn nuôi và tạo điều kiện cho con gái chị lao động có mức thu nhập tốt hơn.

TNGT không những là tai họa cho mỗi cá nhân, mỗi gia đình những ai vấp phải, mà hậu quả của nó để lại nhiều gánh nặng cho cộng đồng xã hội phải cưu mang. Vì vậy, hãy hành động thiết thực của mọi người là tự nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về trât tự ATGT. Đồng thời, chung tay chia sẽ những tổn thất, mất mát của các gia đình nạn nhân bị TNGT”./.

CHẤN PHONG