Sau mỗi vụ tai nạn giao thông, không chỉ nạn nhân phải chết một cách oan uổng hay mang thương tật suốt đời, mà thân nhân của họ cũng đau đớn khôn nguôi. Bản thân người gây tai nạn cũng chịu dằn vặt, ám ảnh và gia đình họ cũng vô tình rơi vào thảm cảnh.

Cha mẹ già, con thơ không ai săn sóc

Chiều muộn một ngày trung tuần tháng 11, PV đến gia đình ông Vũ Đình H (SN 1963) và bà Trần Thị H (SN 1974) ở phường Cẩm Phú, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Lúc này, bà H cùng một bé gái đang bán hàng ở trước cửa.

Bà H chỉ tay vào bé gái tha thẩn chơi trước hiên nhà, giọng nghèn nghẹn cho hay, đó là bé Tr, 9 tuổi, cháu nội bà. Từ nhỏ, bé đã bị bệnh tim bẩm sinh. Khi Tr hơn 1 tuổi, bố mẹ bỏ nhau. Từ đó, anh Th (tài xế xe khách), cha của bé gồng gánh chạy chữa cho con gái, vừa lo chăm sóc cha mẹ già.

Một ngày cuối tháng 7/2023, anh Th điều khiển xe đón 8 hành khách từ Hà Nội về Quảng Ninh. Khi chiếc xe di chuyển đến trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đoạn qua xã Thái Dương, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương thì đâm vào một xe hút rác. Vụ tai nạn khiến 2 người trên xe khách tử vong. Cảnh sát kết luận tài xế Th thiếu quan sát dẫn đến tai nạn.

Bà Hoàng, mẹ của tài xế Quân chia sẻ, tai nạn xảy ra, thân nhân người bị nạn mất mát, đau khổ đã đành, gia đình bà cũng dằn vặt, đau đớn rất nhiều.

"Gia cảnh vốn đã khó khăn, bố cháu làm tài xế thu nhập không đủ ăn, nay lại vướng vòng lao lý. Vợ chồng tôi không biết lấy gì để đền bù, hỗ trợ cho các nạn nhân. Tôi bán hàng nước mỗi ngày chẳng được bao nhiêu, ông nhà đi làm bảo vệ lương 3 triệu, không đủ chi phí thuốc men cho cháu", bà H ngậm ngùi.

Ngồi bên cạnh, ông H buông tiếng thở dài: "Th mới xin vào hãng xe chạy được thời gian ngắn thì xảy ra vụ việc. Hiện Th đang bị tạm giam, chờ ngày ra tòa.

Sau tai nạn, chủ xe và gia đình tôi đã đến thắp hương, hỗ trợ hai gia đình nạn nhân 40 triệu lo ma chay. Nhưng một trong hai gia đình từ chối, họ bắt bồi thường hơn 310 triệu đồng. Thật sự chúng tôi giờ không biết phải làm sao…".

Vợ chồng ly biệt, gia đình khánh kiệt

Không khí lạnh tràn về kèm theo mưa nặng hạt khiến cho ngôi nhà nhỏ của gia đình bà Văn Thị Hoàng (61 tuổi, xóm 3, xã Nghi Công Nam, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) càng thêm cô quạnh.

Bà Hoàng là mẹ của tài xế Nguyễn Duy Quân (37 tuổi), người gây ra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ngày 6/3, trên đường tỉnh 542E đoạn qua xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) khiến ba mẹ con tử vong, một cháu nhỏ bị thương.

Lúc chúng tôi đến cũng là lúc bà Hoàng vừa đội mưa lên trường đón hai cháu nội (là con anh Quân, đang học lớp 6 và lớp 2) về đến nhà. Ngôi nhà mới xây trống hoác, mấy bà cháu loay hoay nấu mì ăn qua bữa. "Giờ gia đình đã khánh kiệt rồi, con dâu đi làm công nhân ở khu công nghiệp VSIP cũng chỉ đủ ăn uống dè dặt", giọng bà Hoàng như chùng xuống.

Người con dâu mà bà nhắc đến là chị Ngô Thị Hiền (33 tuổi, vợ anh Quân). Chị Hiền làm công nhân, còn anh Quân lái xe tải. Cách đây hơn một năm, anh chị vay mượn và cất được ngôi nhà để có chỗ trú mưa nắng đàng hoàng.

"Nhưng nhà làm xong được khoảng một năm, nợ nần còn chưa kịp trả hết thì xảy ra vụ tai nạn đau lòng. Quân vắng nhà từ đó, hiện đang chờ chuyển trại giam nên thỉnh thoảng gia đình mới vào gặp được một lần, nhìn nhau qua tấm kính. Nó chỉ biết khóc và xin lỗi mẹ, vợ con và nhờ chuyển lời xin lỗi đến gia đình nạn nhân.

Sau khi xảy ra vụ tai nạn, trâu bò trong nhà cũng phải bán hết, chạy vạy khắp nơi để có hơn 300 triệu bù đắp một phần mất mát cho gia đình nạn nhân. Gộp cả khoản vay xây nhà, giờ tiền lãi hàng tháng cũng cả chục triệu đồng.

Tai nạn xảy ra, thân nhân người bị nạn mất mát, đau khổ đã đành, gia đình chúng tôi cũng dằn vặt, đau đớn rất nhiều", bà Hoàng nghẹn ngào.

Nỗi ám ảnh, day dứt khôn nguôi

Chia sẻ câu chuyện buồn của đời mình, anh Nguyễn Văn Phúc (34 tuổi, trú Long An), vốn là tài xế xe buýt kể, anh vốn gắn bó với nghề lái xe từ năm 18 tuổi. Với kinh nghiệm dày dạn, anh không nghĩ có ngày mình lại gặp xui rủi khiến gia đình mất đi nhiều thứ, bản thân cũng ám ảnh khôn nguôi.

Ngày 2/10, như mọi ngày, từ tờ mờ sáng anh đã đưa xe ra bến xe Thanh Vĩnh Đông (huyện Châu Thành, tỉnh Long An) để đợi đến lượt xuất bến, hành trình đến TP.HCM.

Khi đến đường tỉnh 827A, thuộc ấp Lộ Đá, xã An Lục Long, huyện Châu Thành, anh cảm giác như có tiếng xe máy va vào xe buýt mình đang lái. Theo quán tính, anh dừng lại và xuống kiểm tra.

"Tôi chết sững, không tin vào mắt mình khi thấy một người phụ nữ chết dưới bánh xe buýt, bên cạnh là chiếc xe máy. Tôi như người mất hồn, ngã quỵ xuống. Gần 20 phút sau mới định thần lại, tôi kêu xe ôm chở đến công an để trình báo", tài xế Phúc kể lại, giọng vẫn chưa hết run rẩy.

Cảnh sát sau đó xác định nạn nhân là chị T, 26 tuổi, trú tại Long An. Trước đó, xe máy của chị T đã va chạm với một xe đạp điện cùng chiều. Sau khi va chạm, chị T văng ra khỏi xe máy, ngã qua chiều đường ngược lại. Cùng lúc xe buýt của anh Phúc trờ tới, cán qua người.

"Lúc đó xe tôi chạy chậm để chuẩn bị rước hai khách. Nhưng xui rủi là đúng lúc đó chị T lại ngã vào bánh xe", anh Phúc nói và cho hay, sau tai nạn, anh và cha vợ (chủ xe) chạy đôn chạy đáo vay mượn khắp nơi được 40 triệu đồng để hỗ trợ gia đình nạn nhân.

"Gia đình tôi mong chuộc lỗi với gia đình nạn nhân, dù không cố ý thì tôi cũng đã gián tiếp cướp đi một sinh mạng một người đang là trụ cột chính của một gia đình đông người ở quê", tài xế Phúc giãi bày.

Do chưa kết thúc điều tra nên chiếc xe buýt, phương tiện kiếm sống của gia đình vợ và cũng là của anhvẫn đang bị tạm giữ. Ngoài nghề lái xe, anh không có nghề nào khác, nên cả gia đình bốn người giờ đây chưa biết bấu víu vào đâu. Nhiều lúc nhìn đứa con trai hai tháng tuổi khát sữa mà không tiền mua, lòng anh quặn thắt.

Bố vợ anh từ ngày bị giữ xe cũng buồn rầu bỏ về quê Tiền Giang hái trái cây thuê, mỗi ngày kiếm được khoảng 200 nghìn đồng.

Theo Công an huyện Châu Thành, qua điều tra bước đầu, tài xế Phúc không sử dụng chất cấm khi chạy xe, không có lỗi nên không có căn cứ để xử lý hình sự...

Tuy nhiên, anh Phúc trải lòng: "Tôi bị tạm giữ một ngày rồi cho về. Từ đó đến nay, tôi không làm được việc gì, suốt ngày ám ảnh bởi vụ tai nạn. Mỗi đêm tôi chỉ ngủ được hai tiếng, nhắm mắt lại là hình ảnh chị T nằm ở hiện trường lại hiện ra... Đây là bài học xương máu khiến tôi mặc cảm rất nhiều. Tôi không biết sau này có còn dám cầm lái nữa hay không".

Theo Báo Giao thông