Trường hợp của ông Nguyễn Văn Lễ, sinh năm 1952 (ở ấp Kinh Giữa, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời) là một minh chứng. Cách nay 3 năm, trong một lần chở người bạn từ xã Khánh Hải về thị trấn Trần Văn Thời, ông Lễ bị tai nạn giao thông gây chấn thương sọ não, nằm một chỗ, không thể nói chuyện suốt 2 năm sau đó.

 

Sau khi bị tai nạn giao thông, dù đã đi lại được nhưng ông Nguyễn Văn Lễ không thể lao động như trước.

Chị Nguyễn Thị Gòn con gái của ông Lễ kể "Lúc bị tai nạn, người đi đường chở cha tôi vào bệnh viện huyện, rồi báo cho gia đình hay, sau đó, chuyển ông lên bệnh viện tỉnh Cà Mau. Lúc đó, ông chỉ nằm bất động một chỗ, không nói chuyện được. Nằm được hơn một tháng, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không đủ tiền lo chi phí nên tôi xin cho cha về nhà, lãnh thuốc uống hàng ngày. Sau đó, dù sức khỏe có ổn định hơn nhưng đến khoảng cuối năm 2016, cha tôi mới bắt đầu nói chuyện được nhưng lúc nhớ, lúc quên, có khi ngồi nói chuyện một mình suốt ngày, có khi không nói gì với ai".

May mắn là khoảng 3 tháng nay, ông Lễ bắt đầu hồi phục trí nhớ, có thể kiểm soát được hành vi và lời nói của mình. Có những chuyện ông không nhớ nhưng ám ảnh về tai nạn giao thông xảy đến với mình thì ông không thể nào quên. Ông Lễ nhớ lại "Hôm đó, tôi đi đám ở nhà người em ở gần nhà. Đến khoảng 4 giờ chiều khi tôi chuẩn bị đi trực bảo vệ cho một công ty thủy sản ở Sông Đốc thì có người bạn có quá giang về thị trấn Trần Văn Thời. Thấy vậy tôi mới chở bạn tôi đi, đến khúc cua ngay vàm Kinh Hãng, xã Khánh Hưng, do trong người đã có men rượu nên tôi bắt đầu thấm mệt, không kiểm soát được tay lái, vấp ổ gà và té xe, đầu tôi đập xuống đường. Sau đó, tôi hôn mê bất tỉnh không còn biết gì hết. Cũng may là tôi có đội nón bảo hiểm nếu không chắc không còn sống đến giờ".

Trước khi xảy ra tai nạn giao thông, ông Lễ là trưởng ấp Kinh Giữa. Trong gia đình, ông là lao động chính với công việc làm bảo vệ cho một công ty thủy sản để nuôi người vợ bị bệnh tâm thần sau một lần bị tai biến cách nay mười năm. Nhớ lại tai nạn giao thông xảy đến, ông Lễ không khỏi ăn năn, hối hận tự trách bản thân, ông Lễ chia sẻ "Tôi thấy hối hận vô cùng, nếu như tôi không uống rượu trước đó thì đâu xảy ra tai nạn đáng tiếc như vầy. Từ khi bị tai nạn, tôi không thể làm việc được, rồi còn gây lo lắng cho con cháu trong nhà, tụi nó bỏ công ăn việc làm để chăm sóc từng miếng cơm, giấc ngủ cho cha, cho mẹ. Cực lắm!. Qua tai nạn của bản thân, tôi khuyên những người khác thấy đó mà rút kinh nghiệm cho mình, không nên uống rượu bia trước khi tham gia giao thông, rất nguy hiểm cho tính mạng của mình và những người tham gia giao thông khác, không chỉ vậy, còn để lại gánh nặng cho gia đình, người thân".

Sau khi ông Lễ bị tai nạn giao thông, người con gái thứ 3 của ông, chị Nguyễn Thị Gòn trở thành trụ cột chính trong gia đình vừa nuôi cha vừa phải chăm sóc mọi sinh hoạt cá nhân cho người mẹ. Trong khi, gia đình ông Lễ không có đất sản xuất, thu nhập dựa vào công việc làm thuê làm mướn hàng ngày. Chị Gòn bộc bạch "Nhà tôi có 5 anh em, đều đã có vợ có chồng ra ở riêng hết. Anh em ai cũng nghèo, không đất sản xuất, phải đi tứ xứ làm ăn sinh sống. Nhà tôi ở kế bên, nên tiện bề chăm sóc cha, mẹ. Chồng tôi đi biển, tôi ở nhà, có ai kêu thì chạy đò dọc kiếm thêm thu nhập. Cha mẹ như vậy tôi muốn đi làm cũng không đi được. Khổ lắm! ".

Anh Hồ Hoàng Viễn, hàng xóm gia đình ông Lễ bày tỏ "Hồi trước, khi Dượng 8 Lễ còn khỏe mạnh, đi làm có tiền nuôi Dì 8. Từ ngày ông bị tai nạn giao thông đến giờ, hoàn cảnh gia đình lâm vào cảnh cùng cực, rất đáng thương. Qua đó, bản thân tôi cũng thấy mình phải có ý thức hơn khi tham gia giao thông, nhất là không được uống rượu bia trước khi tham gia giao thông để xảy ra tình cảnh bi thương như vậy".

Qua trường hợp của ông Nguyễn Văn Lễ cũng là lời cảnh tỉnh đối với những ai còn chưa nghiêm chỉnh chấp hành Luật giao thông, xem nhẹ sức khỏe, tính mạng của bản thân mình. Đừng vì một phút vui vẻ dẫn đến quá chén bên bạn bè mà để lại hậu quả khôn lường về sau, mang lại gánh nặng cho gia đình mình. Khi đó, có hối tiếc thì đã muộn./.

Kiều Oanh