Cách nay 6 năm, trong một lần đi bộ đến trường đón đứa con gái đang học mẫu giáo, anh Dũng bị 2 người thanh niên đi xe máy tông thẳng vào người làm anh bị chấn thương một bên đầu và gãy xương chân.

Anh Dũng cho biết những cơn đau nhức do tai nạn giao thông hành hạ anh suốt những năm qua “Tôi bị tê cả một bên đầu, những hôm trời nắng nóng, tôi lên cơn thần kinh la hét không kiểm soát được. Cái chân thì đau nhức kinh khủng. Nếu lấy dao xẻo thịt chỗ gãy chân tôi cũng không có cảm giác đau”.

Đôi chân giờ đã không còn lành lặn như xưa

Những cơn đau nhức hành hạ bản thân anh hàng ngày là vậy nhưng cũng không thấm vào đâu so với nỗi đau mà anh Dũng phải chứng kiến vợ anh một mình bươn chải sớm hôm chạy gạo hàng ngày cho cả gia đình; nhìn đứa con gái đang học lớp 3 có thể nghỉ học bất cứ lúc nào chỉ bởi tai nạn giao thông đã cướp đi sức khỏe, sức lao động của cha chúng.

Anh Dũng tâm sự “3 năm trời nằm ở nhà không làm gì được. Mọi chuyện trong ngoài, tiền nông đều do vợ tôi lo. Giờ thì tôi đi lại được nhưng chân rất yếu nên cũng khó tìm việc làm lắm. Ví dụ như việc đó người ta làm 1 ngày thì tôi làm 2 ngày mới xong, mà người ta thuê trả tiền ngày 200-300 ngàn thì người ta không mướn mình làm đâu”.

Trước khi bị tai nạn giao thông, dù nhà nghèo nhưng gia đình anh Dũng đầy ắp tiếng cười. Vợ chồng anh 2 đứa con sống trong căn chòi lá

cất tạm trên đất vuông tôm mà anh chị thuê của người hàng xóm. Hàng ngày, anh Dũng đi chở nước mướn hoặc ai kêu gì làm nấy, dù thu nhập bấp bênh nhưng đôi vợ chồng trẻ quyết tâm ráng làm, nuôi con ăn học, vượt qua cái nghèo, cái khổ.

Từ ngày anh Dũng bị tai nạn giao thông, chị Thủy trở thành lao động chính trong gia đình. Chiếc xe đạp cũ kỹ là phương tiện quý giá, duy nhất của gia đình để hàng ngày chị đi bắt tôm, bắt cá mang ra chợ bán kiếm tiền nuôi 2 đứa con ăn học và lo thuốc thang cho anh Dũng mỗi khi lên cơn đau nhức.

Chị Thủy tâm sự “bây giờ lo được đến đâu hay đến đó. Chứ đàn bà cũng không làm được gì nhiều mà việc nặng cũng không làm nổi. Thu nhập của gia đình bây giờ được khoảng 300-500 ngàn/tháng. Hôm nào có cá thì bán được vài chục ngàn, có hôm cũng không có đồng nào”.

Bà Nguyễn Thị Sen, Chi Hội trưởng Chi hội Phụ nữ khóm 11, thị trấn Sông Đốc xác nhận “Dũng và Thủy chăm chỉ làm lụng, siêng năng chịu khó. Từ sau khi Dũng bị tai nạn giao thông, cuộc sống gia đình khó khăn lắm. Dũng nó ráng đi làm vậy thôi chớ về nhà là đau nhức lắm. Nhà tôi ở ngang sông nên tôi chứng kiến có hôm Dũng nó phải lếch xuống xuồng để đi đặt lú bắt cá cho vợ bán kiếm tiền sống qua ngày. Chi hội Phụ nữ chúng tôi cũng giúp đỡ gia đình này bằng nhiều nguồn vốn. Đầu năm học này đã xét cho con của Dũng 1 phần học bổng. Nhưng bấy nhiêu đó cũng chưa thể giúp chị Thuỷ hết vất vả, anh Dũng hết tật nguyền”.

Anh Dũng, chị Thủy có thể sống lây lất qua ngày bằng số tiền vài chục ngàn kiếm được mỗi ngày. Giờ đây ngoài sự cố gắng của chị Thủy vợ anh Dũng thì cần lắm sự hỗ trợ kịp thời của hàng xóm láng giềng, của những tấm lòng hảo tâm giúp gia đình anh chị thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn như hiện nay.

“Tôi có thể tiếp tục chịu đựng được những cơn đau nhức hành hạ mỗi khi trái gió trở trời dù không có tiền mua thuốc giảm đau nhưng mong muốn kiếm tiền lo cho 2 con ăn học đến nơi đến chốn thì tôi đành gác lại, lo cho con được ngày nào hay ngày đó mà thôi”, anh Dũng nghẹn ngào bộc bạch.

Ong Vò Vẽ