Cái ác đến từ sự hồn nhiên bao giờ cũng để lại những hậu quả tang thương hơn cả, như người ta muốn cho con chim sẻ ăn thịt nấu chín vì thịt nấu chín ngon hơn hạt lúa, như người ta nhốt một đứa trẻ trong phòng cả ngày nhằm giúp đứa trẻ an toàn trước vấn nạn ấu dâm...

Rời một cuộc rượu chân nam đá chân chiêu, liêu xiêu rời khỏi quán, liêu xiêu lên xe máy (hoặc ôtô), liêu xiêu điều khiển phương tiện hòa cùng dòng người tham gia lưu thông cũng chính là cái ác hồn nhiên vậy.

Khi không ý thức được việc đang trực tiếp tham gia tạo nên một cái ác, con người ngày càng dễ sa đà vào chính khoảng tối ấy hơn.

Đơn giản, hai nạn nhân chính là bạn của tôi, không cùng trường nhưng lại cùng sinh hoạt chung trong nhóm những cựu học sinh đồng khóa niên khóa 1991-1994 toàn Hà Nội. Đó là vụ tai nạn khiến nỗi ám ảnh thường trực của chính tôi về vấn nạn giao thông đường bộ của tôi đã dồn chính tâm trí tôi đến tận chân tường.

Tư Thắng, một người bạn thân thiết đồng khóa của tôi, một cựu sỹ quan quân đội đã không thể kìm nén được uất hận và bạn chia sẻ trên facebook rằng: “Đêm qua, trong cơn say, một thằng điên đã cướp đi sinh mạng của hai cô bạn bé nhỏ đáng yêu này. Chúng mày vất vả nhiều rồi. An yên nhé hai đứa”.

Đối diện những dòng ấy, tôi ứa nước mắt và tôi biết, trong hơn mười ngàn bạn bè trong nhóm cựu học sinh Hà Nội kia cũng đã rất nhiều người khóc. Ngay lập tức, họ đổi hình ảnh đại diện với khẩu hiệu đính kèm “Đã uống rượu bia thì không lái xe”.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Nhiều năm trước, tôi từng viết cho Chuyên đề Cảnh sát toàn cầu một câu chuyện nhỏ mà trong đó, tôi khẳng định rằng không có cái gọi là xe điên mà chỉ có người điều khiển xe mới là kẻ điên. Và khốn khổ cho chúng ta là hiện nay những người điên lái xe như thế ngày một đông hơn thì phải.

Trước vụ tai nạn hầm Kim Liên, chỉ trong vài tháng qua cũng đã có vài vụ lái xe say rượu đâm chết người mà điển hình là vụ người phụ nữ gây tai nạn ở bùng binh Hàng Xanh, TP HCM. Thậm chí, có người khi gây tai nạn xong, nồng độ cồn vượt xa mức cho phép đến nỗi phải tới ngày hôm sau họ mới đủ tỉnh táo để cơ quan điều tra lấy lời khai.

Tôi cũng từng bị tai nạn hồi năm 2005. Đêm ấy, khi tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm sõng xoài trên cầu Công Lý, TP HCM, chiếc xe đổ ngã bên cạnh. Tôi bị đa chấn thương, rạn xương vai và phải đeo nẹp nhiều tháng.

Nguyên nhân thực sự tại sao tôi ngã xe, đến tận hôm nay tôi vẫn không biết. Tôi chỉ nghĩ đến một nguyên nhân duy nhất: hôm ấy tôi uống quá nhiều bia.

Kể từ năm 2005 ấy, tôi không đi xe máy nữa. Thay vào đó là taxi, xe bus, xe ôm. Có nhiều bạn bè thấy tôi đi taxi tốn kém gợi ý rằng “sao không mua cái xe hơi nho nhỏ, re rẻ mà chạy?”.

Tôi chỉ trả lời rằng mình không biết lái xe. Nhưng thực tế, tôi sẽ không bao giờ lái xe. Đơn giản, tôi cũng ham nhậu, gần như ngày nào cũng có đội nhậu lai rai với bạn bè tứ phương.

Và tôi luôn tự nhủ với mình rằng “Nếu mình đi xe mô tô, tai nạn xảy ra thì mình là nạn nhân. Nhưng nếu mình đi ô tô, tai nạn xảy ra, mình có thể sẽ là kẻ giết người hàng loạt”.

Từ đó, mỗi lần rủ bạn bè đi nhậu, tôi đều nói họ đi xe công cộng. Nếu ai đến bằng xe gắn máy, lúc tàn cuộc tôi vẫn nài nỉ họ đi chung taxi với tôi và gửi xe lại quán. Đó cũng là lý do tại sao tôi luôn chọn quán quen bởi mình có thể gửi lại xe cho bạn bè tại đó một cách vô cùng an tâm.

Thực tế, nhậu đã trở thành văn hóa phổ thông ở Việt Nam và rất nhiều người trong chúng ta lựa chọn bữa nhậu là nơi để bắt đầu, duy trì và gắn kết các mối quan hệ. Kêu gọi bỏ nhậu để đảm bảo an toàn giao thông thực ra không phải và không thể là giải pháp.

Bản thân những người kịch liệt chống lại chuyện lái xe khi uống rượu bia cũng là những người vẫn đang nhậu khá thường xuyên. Điểm khác biệt ở họ chính là ý thức về sự an toàn và lựa chọn để an toàn nhất. Họ không xuề xòa phó mặc sinh mạng của mình và nhiều người khác cho cái gọi là “mưu sự tại nhân, hành sự tại men”.

Nhưng thực sự, số người có ý thức như họ còn quá ít. Số người chủ quan, coi thường mạng sống thì quá đông và thậm chí, tiêu cực hơn là có nhiều người còn thích thú với việc chia sẻ lên mạng xã hội về các điểm tuần tra giao thông gần các quán rượu bia.

Họ nghĩ đó là “giúp cho bạn nhậu” tránh được công an nhưng thực tế, họ đang vẽ đường cho những sát thủ mang hơi men trong người.

Cũng có ý kiến cho rằng việc tước bằng lái vĩnh viễn đối với người vi phạm quy định lái xe an toàn khi điều khiển phương tiện trong tình trạng say xỉn là một giải pháp triệt để, đủ để răn đe.

Nhưng tôi lại không cho đó là giải pháp triệt để. Khi người ta cầm vào vô lăng lái xe, người ta không nghĩ đến chuyện cái bằng lái mà người ta luôn chủ quan cho rằng mình sẽ điều khiển đi tới nơi về tới chốn và không bị cảnh sát giao thông chặn giữa đường.

Tước bằng lái thực sự chỉ là tước đi cái tư cách lái xe của chủ thể mà thôi. Còn ý chí quyết định hành động sẽ lái xe thì không thể bị tước và không ai có thể giám sát nổi một cách triệt để hoàn toàn.

Để nhậu vẫn được chấp nhận mà tai nạn giao thông do rượu bia khó có thể xảy ra, có thể chỉ còn một cách duy nhất, tham chiếu theo cách mà tôi đã chứng kiến ở Pháp cách đây nhiều năm.

Lần đi du lịch đó, bạn tôi chở tôi đến thăm một vùng làm rượu vang và cứ tới mỗi hầm rượu, chủ nhân lại niềm nở đón tiếp và mời thử rượu. Nhưng họ không bao giờ mời người cầm lái chiếc xe một giọt nào. Đó là quy định và sự liên đới trách nhiệm của họ trong quy định ấy quá rõ nên dẫn đến việc họ sợ sẽ bị xử lý nếu vi phạm.

Vậy thì có nên hay không khi ở Việt Nam, cũng cần có quy định với các quán nhậu về chuyện nếu khách lái xe tới quán, quán sẽ từ chối bán thức uống có cồn? Cách này không phải dễ thực hiện, nhất là khi chủ quán hoàn toàn có thể nhắm mắt làm ngơ vì lợi nhuận.

Nhưng nếu có những xử phạt cụ thể, và triệt để, tôi tin rằng không chủ quán nào đánh đổi cả một hoạt động kinh doanh đang ổn định của mình lấy vài đồng lợi nhuận nhỏ nhoi và làm ngơ cho những hung thần ma men trên đường phố.

Giải pháp nào nói chung lại cũng cần con người thực thi nó nghiêm cẩn. Và trong lúc chưa thể có một giải pháp hoàn chỉnh nhất, thôi thì cứ như các bạn của tôi, với chiếc logo “không lái xe khi uống rượu bia” được dán lên chính chiếc xe của họ với hi vọng nhỏ nhoi rằng trực quan sinh động ấy đủ mưa dầm thấm đất để người khác cảm thấy mình cũng nên bắt đầu có trách nhiệm với cuộc đời.

Theo ANTG