Tai nạn ập đến bất ngờ
Chúng tôi đến thăm nhà của anh Toàn trong cơn mưa chiều tầm tả. Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt tôi là căn chòi vuông nhỏ liêu xiêu bằng cây gỗ địa phương đã cũ nát, nhiều vị trí bị hư hỏng không thể che mưa, bên trong không có gì giá trị ngoài cái tủ thờ với cây quạt gió. Cách đó chừng 50m có người đàn ông đang giở lú (dụng cụ dùng để bắt cá, tôm), gọi hỏi thì mới biết là anh Toàn. Nghe tiếng gọi, anh bở dỡ cái lú vội đi vào nhà rửa tay, chân, rồi rót ly nước lạnh mời khách.
Hỏi chuyện dăm ba câu, anh Toàn kể lại, năm 2005, qua mai mối anh và chị Lê Thị Cẩm Tú (ngụ cùng địa phương) quen biết rồi đi đến hôn nhân.
Sau đám cưới không bao lâu, anh Toàn cùng vợ khăn gói lên TP.HCM thuê nhà ở trọ, rồi xin vào làm công nhân cho một xưởng gỗ với hy vọng đổi đời. Lần lượt hai con của anh chị chào đời, cháu lớn là Nguyễn Lê Vy (15 tuổi) và cháu nhỏ là Nguyễn Văn Phước (10 tuổi, đang học lớp 2 Trường Tiểu học 1 xã Viên An).
Năm cháu Vy lên ba tuổi, gia đình phát hiện cháu bị câm bẩm sinh, bệnh tim, phát triển chậm và hay bị co giật. Vợ chồng anh Toàn phải vừa làm thuê, vừa chạy tiền lo chữa trị cho con.
Không trụ nổi ở nơi đất khách, quê người, năm 2016, anh Toàn quyết định đưa vợ con về quê và sống nương nhờ bên trong căn chòi vuông tôm rộng khoảng 30m2 của một người bà con. Sau đó, vợ chồng anh Toàn vay ngân hàng được 20 triệu đồng để lo chi phí chữa trị cho cháu Vy.
Hàng ngày, chị Tú chăm lo cho hai con và làm việc nội trợ, còn anh Toàn trông giữ vuông tôm, nuôi cua cho người quen, hàng tháng cũng có thêm thu nhập. Khi rảnh rỗi ai kêu gì anh làm đó, với mong muốn có thêm tiền để lo chữa trị cho con gái và lo học phí cho con trai. Cuộc sống thiếu thốn, nhưng đầy ắp tiếng cười.
Không may, tai nạn ập đến bất ngờ, vào sáng 30/12/2021, chị Tú chạy xe máy từ trong căn chòi từ đường đất ra lộ bê tông trước nhà khoảng 10m, mặt đường đất trơn, bánh xe bị trượt khiến chị Tú té ngã xuống cống xả nước vuông tôm dọc theo lộ giao thông nông thôn, đầu chị đập vào thanh bê tông nằm ngang miệng cống, gây chấn thương sọ não.
“Lúc vợ bị tai nạn, tôi đang đổ nò để bắt tôm dưới vuông cách hiện trường khoảng 20m. Khi tôi chạy lại, thấy vợ nằm bất động, trên đầu chảy máu nhiều. Tôi hô hoán và nhanh chóng đưa vợ đến Bệnh viện đa khoa Cái Nước cấp cứu, nhưng không kịp. Vợ tôi ra đi quá nhanh mà không một lời từ biệt, cũng không trăn trối điều gì”, anh Toàn buồn bã nói.
Từ ngày vợ mất, anh Toàn một mình gồng gánh chăm lo cho hai đứa con nhỏ. Cảnh "gà trống nuôi con" của anh Toàn, khiến nhiều người không khỏi xót xa và cảm thương.
Đưa mắt nhìn về con gái, rồi nhìn lên bàn thờ vợ, anh Toàn nói: “Bây giờ tôi không biết phải làm sao, muốn đi làm cũng khó, vì cháu Phước đi học, nhưng không ai kèm cập thường xuyên, năm nay 10 tuổi mà cháu chỉ học lớp 2. Còn cháu Vy (15 tuổi, nhưng thân hình cháu nhỏ hơn em trai của mình) ở nhà, tôi phải vừa lo cơm nước, vừa làm thuê cho người ta.
Mỗi khi bận việc quá, tôi gửi cháu cho bà ngoại giữ giúp, nhưng ngoại cũng già yếu rồi không thể giữ hoài, nên tôi chở cháu theo luôn. Có hôm trời mưa, thấy con ngồi trên bờ vuông chờ cha, người ướt nhem, lạnh run muốn rơi nước mắt. Cha nghèo nên con phải chịu khổ, phải chi còn mẹ thì con đâu nên nỗi”.
Ước mơ được căn nhà che nắng mưa
Gia cảnh vốn đã khó khăn, nay chị Tú mất đi khiến anh Toàn thêm nặng gánh, khi một mình anh vừa làm mẹ, vừa làm cha. Gia đình thuộc diện hộ nghèo giờ càng thêm túng quẫn. Số tiền 20 triệu đồng vay ngân hàng hơn 10 năm qua, anh vẫn chưa trả được, trong khi hàng tháng phải lo đóng lãi, lo miếng ăn cho ba cha con.
Căn chòi mượn ở tạm, không biết người ta lấy lại lúc nào, những đêm mưa giông ba cha con ngồi tụm lại một góc rồi thức trắng. Cháu Phước lanh lợi hơn chị, nhưng còn quá nhỏ để chia sẻ nỗi vất vả với cha. "Phải chi vợ tôi còn sống thì hai vợ chồng cùng nhau cố gắng làm rồi dần trả nợ, vợ tôi mất rồi mọi chuyện trở nên khó hơn bao giờ hết", anh Toàn bộc bạch.
Điều mà anh Toàn trăn trở mỗi đêm là cậu con trai 10 tuổi đang ở tuổi ăn học, tuổi lớn rất cần có một người mẹ để chăm sóc dạy bảo. Giờ thiếu vắng bóng mẹ, cháu cảm thấy bị hụt hẫng, trong khi nhà thì bữa đói bữa no, có được miếng ăn là mừng.
Thấy hoàn cảnh của anh Toàn đáng thương, chị Huỳnh Thu Thùy, hàng xóm của anh Toàn chia sẻ: “Thấy cháu Phước đi học xa, có hôm cha bận việc đi rước trễ cháu phải lội bộ về dưới mưa rất tội, nên ngày nào tôi đưa con gái đi học cũng ghé chở cháu đi giúp, khi về thì chở về, mong muốn chia sẻ bớt khó khăn cho anh Toàn. Người ta có cha, có mẹ còn thiếu trước hụt sau, đằng này hai cháu thiếu vắng bóng mẹ càng xót xa hơn”.
Nói về mong muốn của mình, anh Toàn chia sẻ: “Giờ tôi, ước gì có được một căn nhà kiên cố để che nắng che mưa, còn có thêm một số vốn tôi thuê miếng đất nhỏ để nuôi cua, lo cho hai con”.
Trao đổi với Phóng viên, ông Lý Văn Tiến, Bí thư chi bộ ấp Nguyễn Quyền cho hay, hoàn cảnh gia đình anh Toàn rất đáng thương, thuộc diện hộ nghèo ở ấp. Sau khi vợ anh Toàn qua đời, cuộc sống của ba cha con anh chật vật hơn nhiều. “Thời gian qua, chính quyền địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện và hỗ trợ cho gia đình anh Toàn. Đặc biệt là trong các dịp lễ, tết hay mạnh thường quân có hỗ trợ quà, tôi đều ưu tiên cho hộ anh Toàn. Trong thời gian sắp tới, xã sẽ xem xét và đề xuất những chính sách hỗ trợ phù hợp, nhằm giúp gia đình anh Toàn có cuộc sống ổn định hơn, mong muốn các cấp các ngành quan tâm để cha con anh có được căn nhà ổn định", ông Tiến cho biết thêm.
Ánh Minh