Những nỗi đau từ TNGT

Vào tháng 9 vừa qua, trên tuyến sông thuộc ấp Tắc Thủ, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình xảy ra vụ TNGT đường thuỷ khiến 1 người đàn ông tử vong thương tâm. Ông D.Q.H (38 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang), lái sà lan chở cát đá trọng tải trên 300 tấn chạy theo hướng từ TP Cà Mau về Kiên Giang, va chạm với vỏ lãi do ông L.H.K (45 tuổi, ở Ấp 7, xã Khánh An, huyện U Minh) điều khiển. Cú va chạm làm vỏ lãi chìm xuống sông. Ông K tử vong ngay sau đó với thi thể không còn nguyên vẹn.

Ông Nguyễn Thanh Bằng cho biết: "Ðây là vụ TNGT đường thuỷ thương tâm xảy trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay. Mặc dù đường thuỷ những năm gần đây ít khi xảy ra TNGT, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro, một khi xảy ra tai nạn thì hậu quả rất nặng nề. Hầu hết nguyên nhân là do phương tiện đi đêm không đèn chiếu sáng, phóng nhanh, vượt ẩu, vi phạm quy tắc tránh vượt; không sử dụng áo phao, dụng cụ nổi khi đi trên phương tiện thuỷ. Các phương tiện gây tai nạn chủ yếu là phương tiện gia dụng gia đình".

Tại ấp Thứ Vải A, xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân, căn nhà tình thương được xây cất và đưa vào sử dụng nhiều năm nay đã xuống cấp trầm trọng, là chỗ sinh hoạt của anh Hà Văn Lớn cùng mẹ gần 70 tuổi và con gái mới 6 tuổi. Anh Lớn dù là trụ cột của gia đình, nhưng việc đi lại, mưu sinh kiếm sống vô cùng khó khăn do di chứng của TNGT.

Đại diện đoàn công tác Ban ATGT tỉnh, Trung tá Lý Thanh Vũ, Phó Đội trưởng Đội Tuần tra số 1 - Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Cà Mau, thăm, tặng quà anh Hà Văn Lớn (xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân), là nạn nhân TNGT.

Hơn 5 năm trước, trong một lần đi đăng cá kèo giống, trên đường về, đến tuyến sông thuộc địa phận xã Lâm Hải, huyện Năm Căn, đêm tối, mưa lớn, không nhìn rõ đường, vỏ lãi của anh Lớn va vào hàng đáy. Cú va chạm làm anh bất tỉnh tại chỗ, hơn 2 tiếng sau mới có người phát hiện và đưa anh đi cấp cứu.

Dù đã bỏ ra số tiền lớn để chạy chữa nhưng di chứng để lại sau tai nạn đã khiến anh từ người đàn ông sức dài vai rộng giờ thành người tàn phế. Từ khi xảy ra tai nạn, người vợ chung sống bao năm cũng dứt áo ra đi, bỏ lại anh và đứa con thơ dại.

"Nhiều lần cũng định buông xuôi, song nghĩ đến mẹ già và con dại nên tôi cố gượng sống qua ngày. Giờ đây, cuộc sống hằng ngày của gia đình chỉ trông chờ vào thu nhập từ bán vé số dạo của tôi trên chiếc xe lăn do mạnh thường quân tặng", anh Lớn chia sẻ.

Tiềm ẩn nguy cơ TNGT

Ông Nguyễn Thanh Bằng cho biết: "TNGT đường thuỷ trên địa bàn tỉnh tuy có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn rất nhiều rủi ro".

Vừa qua, Ðoàn kiểm tra liên ngành đường thuỷ nội địa số 1 thuộc Ban ATGT tỉnh Cà Mau kiểm tra trên các tuyến đường thuỷ nội địa khu vực TP Cà Mau, kết quả cho thấy còn nhiều cọc, hàng đáy và miệng đáy gây cản trở giao thông.

Qua kiểm tra thực tế của Ban ATGT tỉnh Cà Mau, một số tuyến sông trên địa bàn vẫn còn nhiều vật chướng ngại, tiềm ẩn nguy cơ TNGT. (Ảnh chụp trên tuyến sông Bảy Háp, thuộc địa phận huyện Cái Nước và Ðầm Dơi)

Cụ thể, kiểm tra trên tuyến sông Gành Hào thuộc địa bàn xã Lý Văn Lâm, còn 11 hàng đáy, với 11 miệng đáy, 225 cây cọc các loại; đoạn thuộc xã Hoà Thành còn 7 hàng đáy, với 8 miệng đáy, 136 cây cọc cặm các loại, 2 đống chà.

Trên tuyến kênh Bạc Liêu - Cà Mau, đoạn qua xã Ðịnh Bình, tồn tại 2 hàng đáy với 2 miệng đáy, 2 vó cất lưu động; đoạn qua xã Tắc Vân tồn tại 6 hàng đáy với 6 miệng đáy.

Tuyến kênh Quản lộ Phụng Hiệp, lực lượng chức năng phát hiện tại đoạn thuộc xã An Xuyên tồn tại 175 cây cọc cặm các loại, 58 đống chà; đoạn qua xã Tân Thành tồn tại 115 đống chà. Ngoài ra, trên tuyến sông Gành Hào, đoạn qua Phường 7 tồn tại 45 cây cọc cặm các loại.

"Ðể khắc phục tình trạng trên, Thường trực Ban ATGT tỉnh đề nghị Chủ tịch UBND TP Cà Mau có văn bản chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, phường nói trên chấn chỉnh. Ðồng thời, yêu cầu các địa phương nâng cao trách nhiệm trong công tác kiểm tra, xử lý dứt điểm các vật chướng ngại trên đường thuỷ nội địa thuộc địa bàn quản lý, không để xảy ra tình trạng khai thác thuỷ sản tạo vật chướng ngại, gây mất ATGT", ông Nguyễn Thanh Bằng cho biết.

Thời gian tới, Ban ATGT tỉnh tiếp tục tổ chức kiểm tra, nếu các địa phương nêu trên còn để tình trạng khai thác thuỷ sản tạo vật chướng ngại trên đường thuỷ nội địa, Thường trực Ban ATGT tỉnh sẽ báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét trách nhiệm người đứng đầu.

"Chúng tôi sẽ làm hết trách nhiệm nhằm kéo giảm TNGT xuống mức thấp nhất có thể. Song, trong công tác này, ngoài trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, yếu tố quan trọng là sự cộng đồng trách nhiệm từ người dân. Trong tham gia giao thông, mọi người cần nêu cao ý thức thượng tôn pháp luật, chấp hành nghiêm các quy định là điều cần thiết hiện nay", ông Nguyễn Thanh Bằng cho biết thêm./.

Theo Báo Cà Mau