Vụ tai nạn vô cùng thương tâm tại Quảng Nam khiến 13 người thương vong thật sự đã chạm tới nỗi sợ hãi của tất cả những ai biết về nó. Những hình ảnh, những bài báo viết về nó, đọc tới đâu sởn gai ốc tới đó.
Và như thường lệ, cứ sau những vụ tai nạn thương tâm, lại có những hồi chuông được gióng lên. Trong sự tận cùng của sợ hãi, người người căn dặn nhau "nhẹ chân ga", "lái xe bằng cả trái tim", "tôn trọng luật lệ giao thông".
Mô típ này đã trở nên quá phổ biến và kinh điển.
Hiện trường vụ tai nạn ở Quảng Nam khiến dư luận không khỏi đau lòng.
Chợt nhớ lại, sau vụ bé trai 10 tuổi va chạm với chiếc xích lô chở miếng tôn sắc lẹm rồi thiệt mạng đầy đau thương hồi tháng 9/2016, dư luận đã thật sự giận dữ. Liên tục trong 1-2 tháng sau đó, trên khắp mạng xã hội, người dân chụp không biết bao nhiêu bức ảnh lên án những chiếc xe thô sơ chở hàng cồng kênh gây nguy hiểm cho người đi đường.
Tất cả những bức ảnh đều được gắn những lời cảnh báo tâm huyết, đi kèm sự lên án mạnh mẽ. Thế rồi khi nỗi đau đi qua, mọi thứ nhanh chóng chìm vào quên lãng.
Lại có những chiếc xe xích lô, ba gác chở theo những thanh sắt nhọn, những miếng tôn tương tự chạy đầy trên đường. Hãy nhớ rằng: Những người này được thuê để chở.
Như vậy có nghĩa là một vài người dân vì cái lợi của mình đã gián tiếp tạo điều kiện để những sát thủ vô hình lại tràn lan trên đường. Những lời cảnh báo thưa dần rồi biến mất.
Những chiếc xe chở vật liệu sắt nhọn nguy hiểm thế này vẫn xuất hiện nhiều trên đường phố mỗi ngày.
Tương tự như vụ tai nạn ở Quảng Nam gây chấn động dư luận vài ngày qua, câu hỏi đặt ra: Liệu dư luận sẽ phẫn nộ và sợ hãi đến bao giờ? Và liệu chúng ta có cách nào để ngăn chặn những vụ tai nạn tương tự, hay chỉ rủ lòng thương xót cho đến khi sự việc chìm vào dĩ vãng?
Có vẻ như người Việt đã dần chấp nhận những nỗi đau như thế. Mỗi năm trôi qua, thống kê về số vụ tai nạn giao thông và số lượng nạn nhân tử vong vẫn cứ ở đơn vị chục nghìn vụ, hàng nghìn người.
Tháng 11/2016, một chiếc Toyota Innova ngang nhiên đi lùi trên đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, rồi bị một chiếc container húc thẳng vào đuôi. 4 người đã vĩnh viễn ra đi.
Ngay lập tức, những lời cảnh báo được đưa ra một cách mạnh mẽ về tình trạng lái ẩu trên những cung đường cao tốc. "Hạn sử dụng" của những lời cảnh báo ấy, như mọi khi, lại chỉ tồn tại rất ngắn.
Tháng 4/2018, một chiếc xe con thậm chí còn chạy ngược chiều trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Lại cảnh báo. Lại sợ hãi được dăm bữa. Chỉ 2 tháng sau, lại xuất hiện thêm một chiếc xe tải chạy ngược chiều 10 km trên cao tốc này.
Taxi chạy ngược chiều, lao thẳng vào xe tải. Một trong những vụ việc nhận nhiều khi sự quan tâm vào thời điểm xảy ra sự việc.
Người Việt rõ ràng đã tự thỏa hiệp với thần chết. Trên cao tốc, ngày nào cũng có những người đi bộ ngang nhiên đón xe khách bất chấp luật lệ, ngày nào cũng có những chiếc xe ôm chạy ngược chiều vun vút để tranh giành khách.
Nếu một trong những chiếc xe ôm đó trở thành nạn nhân của một vụ tai nạn thương tâm, sẽ lại có cảnh báo, hồi chuông, thương tâm. Rồi đâu lại vào đấy. Rất nhanh thôi.
Hàng đêm, những chiếc xe khách vẫn chạy vun vút bất chấp nguy hiểm. Tài xế tay lăm lăm cốc café, lon bò húc để cố duy trì sự tỉnh táo nhất thời. Trên những chuyến xe ấy vẫn chật ních khách. Biết là dễ tai nạn, biết là nguy hiểm, nhưng người Việt mặc kệ. Chắc thần chết sẽ chừa mình ra.
Chúng ta đã tự tạo ra một canh bạc với tính mạng của mình. Nếu không có những hành khách lười vào bến, đứng lang thang trên cao tốc bắt xe, liệu những chiếc xe đó có dừng vô tội vạ, tạt đầu, chèn ép xe khác hay không?
Đến bao giờ người Việt mới tự ý thức được chuyện bảo vệ bản thân và cao hơn là bảo vệ sự thượng tôn của luật pháp, bao giờ mới hết tư duy "lợi mình", bao giờ mới thôi cần những giọt nước mắt rơi để tự biết sợ hãi?
Theo Tri Thức Trẻ