"Hôm đó, tôi nhờ đứa cháu chở xuống thị trấn Sông Đốc tìm ghe để xin đi biển. Đi đến khúc cua trên đoạn đường ấp Trùm Thuật thì có 1 xe máy đi ngược chiều, chạy với tốc độ nhanh. Không biết người đó lách vật gì phía bên kia đường nên lấn sang phần đường xe tôi và quẹt vào chân trái của tôi. Tôi té xuống đường và ngất xỉu. Nghe mọi người kể lại, lúc đó, tôi được đưa vào bệnh viện huyện, sau đó chuyển lên bệnh viện tỉnh. Do ống chân tôi bị gãy, mất một 1 miếng xương nên bác sĩ yêu cầu người nhà phải tìm được phần xương bị mất để làm phẫu thuật ghép lại". Anh Tặng nhớ lại ngày xảy ra tai nạn giao thông.
Sau gần 1 tháng nằm điều trị, anh Tặng được xuất viện về nhà. Tuy nhiên, vết thương không lành, sưng tấy, nhiễm trùng, phải phẫu thuật đến 4 lần. Lần phẫu thuật gần đây nhất cách nay 2 tháng để tháo nẹp inox ra.
Vết thương ở chân trái anh Tặng sau tai nạn giao thông đến nay vẫn còn đau nhức, khiến anh không thể đi lại được.
Trước khi bị tai nạn giao thông, tuy một bên chân anh Tặng bị tật, chân teo nhỏ lại nên đi đứng rất khó khăn, nhưng bù lại, anh Tặng rất chăm chỉ, siêng năng. Ngày anh Tặng lập gia đình, thương con bệnh tật từ nhỏ, nên cha mẹ anh Tặng dù nghèo khó nhưng cũng dành dụm mua cho con 01 chiếc ghe nhỏ đi đánh lưới cá ở gần bờ biển và cho vợ chồng trẻ một nền nhà ở cạnh bên để cất tạm căn nhà lá che mưa, che nắng.
Rồi cuộc sống gia đình anh Tặng trở nên túng quẫn khi 2 đứa con trai lần lượt chào đời. Công việc đánh bắt gặp lúc thất mùa, ảnh hưởng đến thu nhập ngày càng bấp bênh, không có tiền lo cho các con, dần dần anh Tặng bán luôn chiếc ghe. Khi đó, gia đình không có đất sản xuất, anh tặng cũng không biết làm gì khác hơn là tiếp tục đi ghe cho những người hàng xóm. Anh Tặng bộc bạch "Tôi làm chỉ bằng phân nửa người khác. Đi ghe chủ yếu là kéo lưới và gỡ cá chứ mấy công việc nặng hoặc đứng lâu là tôi không làm nỗi. Thu nhập mỗi tháng khoảng 1,5 triệu đồng, ngoài ra, hàng tháng tôi được hưởng trợ cấp nạn nhân nhiễm chất độc hóa học 405 ngàn đồng/tháng".
Tuy cuộc sống vất vả nhưng 2 đứa con chính là động lực, niềm vui để anh Tặng cố gắng lao động, với ước mơ là dành dụm ít vốn sau này mua vài công đất ruộng và mở một tiệm tạp hóa nhỏ gần nhà cho vợ buôn bán, lo cho 2 con ăn học. Nhưng rồi một ngày vào năm 2011, không một lý do, vợ anh Tặng bỏ đi biền biệt để lại đứa con trai nhỏ Huỳnh Kiên Nhẫn (năm nay 9 tuổi học lớp 1), con trai lớn Huỳnh Phúc Nhẫn (11 tuổi, năm nay học lớp 2).
Những tháng ngày sau khi vợ bỏ đi, nén nổi đau riêng, anh Tặng tiếp tục cố gắng làm lụng nuôi con. Những lúc đi biển, anh Tặng gởi con cho ông bà nội chăm sóc, chiều về, anh lo cơm nước, tắm rửa và chơi đùa cùng các con. Tuy vất vả nhưng 2 đứa con chính là niềm an ủi để anh vượt qua nỗi đau.
Cuộc sống của 3 cha con anh Tặng dù khó khăn nhưng tràn ngập tiếng cười trẻ thơ đã thay đổi hoàn toàn sau khi anh bị tai nạn giao thông. Mẹ anh Tặng (bà Hồ Thị Năm, 75 tuổi) phải thay anh chăm sóc cho con trai và 2 đứa cháu.
Ở cái tuổi đáng lẽ đã được nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già thì giờ đây, bà Năm hầu như không có thời gian rảnh rỗi vì phải lo từ miếng ăn, giấc ngủ, chuyện học hành cho 2 đứa cháu nội và lo cho anh Tặng. Bà Năm buồn rầu nói "Hoàn cảnh của 3 cha con nó khổ quá. Tôi chỉ lo không biết mình sống được bao lâu nữa để chăm sóc cho con, cho cháu. Tới khi 2 vợ chồng tôi không còn thì cuộc sống của 3 cha con nó không biết sẽ ra sao, tương lai của 2 đứa cháu như thế nào".
Bà Năm năm nay đã 75 tuổi nhưng hàng ngày vẫn phải lo lắng từ miếng ăn giấc ngủ cho 2 đứa cháu nội.
Bà Trương Thị Xuân, hàng xóm gia đình anh Tặng, cho biết "Tặng là đứa hiền lành, hàng xóm ai cũng thương. Tội nghiệp nó, một chân đã không lành lặn giờ bị thương luôn chân còn lại, đi đứng không vững thì làm sao mần ăn gì. Từ khi nó bị tai nạn giao thông, gia đình khó khăn lắm. Hai đứa con nó qua đây chơi suốt vì phía trước nhà tôi có cái sân rộng. Tới bữa ăn là tôi cho 2 anh em nó ăn cơm luôn, thương tụi nó không có mẹ bên cạnh chăm sóc. Tôi hay cho gạo, cho đồ ăn cha con nó lắm".
Ông Nguyễn Văn Châu – Phó Trưởng Công an xã Khánh Hải cho biết "Hoàn cảnh gia đình em Tặng trước đây đã khó khăn, rồi đến khi em bị tai nạn giao thông càng khó khăn hơn. Hàng năm, đến ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông chúng tôi có phối hợp với các ngành cấp trên đến thăm và tặng quà cho Tặng. Ngoài ra, UBND xã Khánh Hải vận động cất được cho em căn nhà tình thương vào năm 2013 với số tiền 40 triệu đồng".
Hiện tại, do vết thương chưa lành, mỗi khi cử động là đau nhức nên anh Tặng không thể đi đứng nhiều. Nhưng thấy cha mẹ đã già còn phải chăm sóc cho 3 cha con, nên hàng ngày, anh Tặng cố gắng đi giăng lưới kiếm cá bán lấy tiền phụ mẹ lo cho các con. Anh Tặng bộc bạch "Chân tôi đau đi không được thì tôi lết. Từ trong nhà mình ráng lết xuống xuồng rồi ngồi bơi xuồng ra ruộng giăng lưới. Chân tôi nhức lắm nhưng phải ráng chịu".
Những cơn đau nhức do vết thương hành hạ anh kéo dài hơn 3 năm qua nhưng nó cũng không thấm vào đâu so với nỗi lo lắng trong lòng anh Tặng về tương lai của 2 đứa con. "Phúc Nhẫn học ba năm lớp 1, Kiên Nhẫn học hai năm lớp 1. Con nít mà, không có mẹ bên cạnh, còn tôi bị tai nạn nằm 1 chỗ mấy năm liền, ông nội bà nội già rồi chỉ lo được chuyện cơm nước, không có ai kèm cập việc học của 2 đứa nhỏ nên tụi nó học hành sa sút. Bao nhiêu dự định, ước mơ của tôi đều phải gác lại. Bây giờ, cuộc sống của 3 cha con tôi đều nhờ vào ông bà nội lo được ngày nào hay ngày đó" Đôi mắt buồn bã, 2 tay ôm 2 đứa con vào lòng, anh Tặng ngẹn ngào nói.
Kiều Oanh