Lọt thỏm trong xóm lao động nghèo ven biển thuộc ấp 1, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn là căn nhà chị Phạm Thị Lệ. Qua thăm hỏi, Chị Phạm Thị Lệ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có đất sản xuất, gia đình chị lên tỉnh Bình Dương làm thuê để kiếm sống. Cách đây hơn 3 tháng, trong khi đi làm hồ về, anh Nguyễn Văn Dũng, chồng chị bị xe container đụng chết, bỏ lại chị và 4 đứa con, đứa nhỏ nhất 4 tuổi, chi phí bồi thường của người gây tai nạn không đủ để lo hậu sự cho chồng, hiện chị còn nợ hơn 10 triệu đồng vay mượn hàng xóm để làm đám tang cho chồng. 2 đứa con lớn của chị phải đi lên Bình Dương tiếp tục làm thuê mướn để kiếm tiền trả nợ cho mẹ, đứa con học lớp 6 do không có tiền phải bỏ học giữa chừng. Nợ nần, các con không được học hành, phải vào đời kiếm sống khi tuổi còn quá nhỏ, liệu sau này tương lai của chúng ra sao và đi về đâu? Chị Phạm Thị Lệ, ấp 1, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn xúc động nói: “Ông xã thì mất, ráng mà bươn chải chứ biết làm sao bây giờ, tôi ráng cố gắng làm lụng để nuôi com”.

Bà Lê Trúc Linh là hàng xóm chị Phạm Thị Lệ cho biết: “Hoàn cảnh bà Lệ hết sức khó khăn. Đứa con 14 tuổi phải nghỉ học vì nhà không có tiền, còn nhỏ mà phải vào đời kiếm sống để phụ giúp gia đình. Thằng nhỏ mới 4 tuổi nhưng cũng không có khả năng gửi nhà trẻ”.

Ban An toàn giao thông tỉnh đến thăm và hỗ trợ gia đình chị Phạm Thị Lệ

Hàng ngày, đặt lú dưới sông hy vọng kiếm được con cá, con tôm đắp đổi qua ngày là nồi cơn nuôi sống gia đình chị Nguyễn Thị Ngắm, ấp So Đũa, xã Việt Thắng, huyện Phú Tân. Cách đây 3 năm, trên đường đi làm về đến đoạn sông Đầm Cùng thị chồng chị bị tai nạn giao thông thủy. Tai nạn đột ngột cướp đi sinh mạng của chồng chị, để lại 2 đứa con gái song sinh đang học lớp 8. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bế tắc nên một đứa con phải nghỉ học để phụ giúp mẹ tiếp tục sống. Tuy vừa vay được 12 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách để làm vốn nuôi heo, gà vịt nhưng gia đình chị vẫn lâm vào hoàn cảnh khó khăn vì nhà không đất sản xuất, nhà phải cất tạm trên đất của cha mẹ chồng. Chị Nguyễn Thị Ngắm nói: “Hoàn cảnh gia đình túng quẩn nên phải cho 1 đứa con nghỉ học, hai chiếc xe đạp lại bị hư một chiếc nên không có phương tiện để cháu đến trường. Không có điều kiện nên đứa con lớn phải sống nương nhờ nhà bà ngoại để đi học”.

Chị Nguyễn Thị Ngắm hàng ngày phải đặt lú dưới sông kiếm sống

Người mất vì tai nạn giao thông thì cũng đã mất nhưng nổi đau của người ở lại luôn dai dẳng. Nhắc lại trường hợp tai nạn giao thông của anh Trương Phát Đạt,  ấp 11, xã Thới Bình, huyện Thới Bình. Trong lúc anh nằm bất động thì anh có biết đâu, mẹ anh bà Trần Tuyết Anh đang gánh chịu một nỗi đau chồng chất. Nỗi đau mang tên tai nạn giao thông đã trở thành nổi ám ảnh thật sự đối với bà Trần Tuyết Anh. Cách đây vừa tròn một năm, chồng bà Tuyết Anh đang đi bán cá giống tận huyện U Minh thì bị xe tông. Tai nạn xảy ra khiến chồng bà bị thương nặng và tử vong 2 ngày sau đó tại bệnh viện. Chồng mất, con nằm liệt giường là nỗi đau quá lớn đối với bà Trần Tuyết Anh. Bà Trần Tuyết Anh, ấp 11, xã Thới Bình, huyện Thới Bình nói trong xúc động: “Hoàn cảnh gia đình từ đó đến giờ rất khổ, chồng đi làm mướn mà chết chưa giáp năm thì con bị tai nạn liệt giường. Hiện tại nhà không có đất sản xuất. Tôi tưởng sống nương nhờ vào đứa con trai khi chồng mất nhưng nào ngờ lại chính tai nạn giao thông mà gia đình tôi phải khổ thêm một lần nữa. Biết phải sống sao đây”.

Bà Trần Tuyết Anh (bên phải) phải chịu nổi đau chồng mất con nằm liệt giường

Chứng kiến nỗi đau tai nạn giao thông, chúng tôi không thể tả nên lời. Không có nỗi đau nào giống nỗi đau nào, và không có nỗi đau nào bằng mất mát người thân – Đó chính là nổi đau của người ở lại.

Minh Trí