Những năm qua, dù số vụ tai nạn giao thông đã giảm dần, song mỗi ngày vẫn còn rất nhiều người ra khỏi nhà nhưng vĩnh viễn không được trở về; Nhiều người mang thương tật suốt đời và nhiều gia đình bỗng lâm vào thảm cảnh. Tai nạn không chỉ là nỗi ám ảnh với thân nhân người bị nạn mà còn là nỗi day dứt với chính người trực tiếp cầm lái. Báo Giao thông giới thiệu tới độc giả loạt bài dài kỳ về những người cuộc sống rẽ sang hướng khác sau tai nạn giao thông.

Chỉ vì những giây phút chủ quan, coi thường luật pháp, không ít tài xế đã "đánh lái" đời mình vào vòng lao lý. Để rồi trong trại giam, họ ân hận, day dứt vì những lỗi lầm mình gây ra.

Phanh hỏng, cướp đi 2 mạng người

“Em ở tù thì vẫn có cơ hội để về, nhưng…”

Từng tham gia bào chữa cho bị cáo Lê Ngọc Hoàng trong vụ ô tô Innova đi lùi trên cao tốc Thái Nguyên, tôi thực sự nhớ mãi về nỗi niềm của tài xế sau khi xảy ra vụ tai nạn.

Chấp hành hình phạt tù đã được hơn 4 năm tại Trại giam Phú Sơn 4 (Bộ Công an), nhưng mỗi khi nhớ lại vụ TNGT làm 2 người chết và nhiều người bị thương ở chân cầu Bãi Cháy năm ấy, tài xế Nguyễn Xuân H, 38 tuổi, quê Phú Lương, Thái Nguyên vẫn không thể nguôi ám ảnh.

"Giá như tôi không chủ quan, kiểm tra xe an toàn trước khi khởi hành thì đã không xảy ra tai nạn", phạm nhân H chia sẻ.

  

Nhiều tài xế khi vướng vòng lao lý mới cảm thấy ân hận vì một phút chủ quan, coi thường quy định của pháp luật khi ngồi sau tay lái

H kể, sáng 27/7/2019, anh điều khiển xe ô tô khách 45 chỗ tuyến Hà Nội - Quảng Ninh lưu thông trên quốc lộ 18A. Đến gần chân cầu Bãi Cháy ở TP Hạ Long, chiếc xe mất lái đâm va vào nhiều xe và người trên đường. Hậu quả, 2 người chết, 4 người bị thương, 20 phương tiện hư hỏng.

Chuỗi ngày thụ án trong trại giam Phú Sơn 4 là quãng thời gian dài đằng đẵng đối với tài xế H. "Những ngày đầu vào đây, tôi luôn cảm thấy hối hận, dằn vặt bởi đã không kiểm tra kỹ lưỡng, nên không phát hiện được xe có dấu hiệu hỏng phanh", H day dứt.

Theo H, dù có nhiều năm lái xe khách đường dài, song sự bất cẩn và chủ quan hôm đó đã khiến bản thân đánh đổi bằng bản án tù nghiêm khắc. Sau khi H đi tù, người vợ ở quê vốn không có công việc ổn định, nay lại phải đeo thêm gánh nặng gia đình thay anh chăm sóc, nuôi nấng 2 con nhỏ đang học cấp 1.

"Tôi đang tích cực cải tạo tốt mong sớm được trở về đỡ đần vợ, chăm sóc gia đình", H mong mỏi.

Ma túy và rượu làm mờ mắt

Từng là tài xế xe khách trước khi vào tù, phạm nhân Đinh Đức Q (quê Thái Nguyên) luôn đau đáu mỗi khi nhớ lại cảnh chiếc xe tải 8 tấn do mình điều khiển gây tai nạn chết người.

Phạm nhân Q cho biết mình đã dùng ma túy trong thời gian dài, những ngày rong ruổi trên các tuyến đường, nhiều lần muốn chấm dứt cảnh con nghiện nhưng không thể từ bỏ. Rồi cái gì đến phải đến, sau một lần dùng ma túy, Q gây tai nạn và nhận án 4 năm tù.

Hai năm hối lỗi trong trại giam, người phạm nhân nói đã ngộ ra rất nhiều điều: "Tôi sẽ sớm làm lại cuộc đời. Tôi cũng mong nếu ai chưa biết đến ma túy thì đừng bao giờ thử".

Còn phạm nhân Lê Văn V (quê Lạng Sơn) mới có 19 tuổi đã mang trên vai bản án 3 năm 6 tháng tù. V kể, tối 23/10/2022, đi nhậu cùng một số người bạn, dù say nhưng vẫn cố đi đón một người quen. Đến gần ngã tư tỉnh lộ 295B đoạn qua xã Quang Châu, huyện Việt Yên (Bắc Giang), V tông trúng xe máy do anh Đ.C.K điều khiển. Anh K tử vong ngay sau đó.

Thời điểm gây tai nạn, V không có bằng lái xe và có nồng độ cồn trong cơ thể. Trải qua gần 1 năm đầu chấp hành án, V luôn hối hận. "Đang là niềm hy vọng của cả nhà, giờ thì đi tù, em chỉ ước thời gian có thể quay lại để không mắc phải sai lầm. Nếu không uống say rồi lái xe, em đã không cướp đi sinh mạng của người đó", V giãi bày.

Đã nghèo lại còn vướng lao lý

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) chia sẻ, ông từng tham gia bào chữa hàng chục vụ án liên quan TNGT, bảo vệ quyền lợi cho người bị hại và cũng từng bào chữa cho các bị cáo. Dù là gia đình nạn nhân hay bị cáo, TNGT vẫn là nỗi đau, sự ám ảnh đến xót xa.

"Tôi từng chứng kiến không ít những mảnh đời mà người gây TNGT là người lao động nghèo trong khi các vụ TNGT gây hậu quả nghiêm trọng, việc bồi thường cho nạn nhân lên đến vài trăm triệu đồng.

Trường hợp nạn nhân phải nằm viện điều trị dài ngày, tiền đền bù, hỗ trợ rất lớn, gia đình người gây tai nạn không có khả năng đền bù", luật sư Cường nói và cho biết, có những tài xế rơi vào vòng lao lý khiến vợ con, bố mẹ già ở nhà lâm cảnh kiệt quệ.

Nhiều trường hợp vì quá khó khăn không thể bồi thường thiệt hại cho nạn nhân, dù chấp hành án xong vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ dân sự khiến bản án đeo đẳng cả cuộc đời.

"Tôi còn nhớ, có một lái xe buýt, chỉ vì buồn chuyện tình cảm nên uống rượu say đến mức vào ca làm việc vẫn chưa tỉnh táo. Anh này gây tai nạn khiến nạn nhân bị thương tích nghiêm trọng. Việc bồi thường đã khiến kinh tế gia đình suy sụp", luật sư Cường kể.

Hãy nghĩ về hậu quả để không phải nói giá như

Điều ông Cường nhận thấy khi tham gia vào nhiều phiên xét xử các vụ án tai nạn giao thông đó là người gây tai nạn thường cố ý vi phạm luật giao thông nhưng không nhận thức được hậu quả xảy ra. Vì vậy, khi tai nạn chết người, hầu hết người cầm lái đều trong tình trạng lo lắng, sợ hãi đến suy sụp, hoặc ân hận, dằn vặt bản thân và có lẽ sẽ bị ám ảnh cả cuộc đời.

Chia sẻ với phóng viên, luật sư Trần Việt, Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng nếu ai cũng hình dung được hậu quả chết người từ việc lái xe uống rượu bia, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, lấn làn thì sẽ không có nhiều vụ tai nạn đáng tiếc như hiện nay.

Nhớ lại vụ án hai thanh niên điều khiển xe máy sau khi uống rượu bia, đi ngược chiều gây TNGT với xe taxi khiến người ngồi sau xe máy tử vong, người điều khiển bị thương nặng, luật sư Việt khuyến cáo: "Người mất thì để lại nỗi đau cho người ở lại, người còn sống thì vướng vòng lao lý, người bị thương thì mất khả năng lao động. Bất cứ ai từng liên quan tới một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng cũng gánh chịu những biến cố làm thay đổi cuộc đời".

Lãnh đạo Trại giam Phú Sơn 4 cho biết, quá trình các phạm nhân chấp hành án tai nạn giao thông, họ được cán bộ trại giam tổ chức giáo dục dạy nghề như cơ khí, may mặc, hàn, mộc... Trước khi phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng, trại giam thường mời cán bộ của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thái Nguyên đến nói chuyện, tuyên truyền về các quy định của pháp luật.

Theo Báo Giao thông