Cơn mưa buổi xế chiều bất ngờ ập đến cũng là lúc hoàng hôn đang dần buông, con hẻm nhỏ dẫn lối xuống bến phà nối liền đôi bờ con Sông Ông Đốc chật nít người, xe cộ. Phà cập bến, những chiếc xe gắn máy bóp kèn inh ỏi để chen lấn giữa dòng người hối hả, chen chúc nhau để được lên phà trước cứ như sợ mình bị bỏ lại chuyến sau. Chỉ có những người làm nghề chạy đò dọc ở bến phà này là rảnh rỗi, ngồi trầm ngâm, tư lự nhìn những dòng người qua lại. Có lẽ cơn mưa đang còn rất nặng hạt không biết kéo dài đến bao giờ đã làm cho tâm trạng của họ như vậy “mưa kiểu này sáng mai phải chạy bù mới có tiền cho vợ  đi chợ” anh Nguyễn Minh Vương, làm nghề chạy đò dọc ở thị trấn Sông Đốc, buồn bã nói.

Gần 20 năm sống ở cửa biển thị trấn Sông Đốc nhưng có đến 17 năm anh Vương làm nghề chạy đò dọc. Ngồi nhẩm tính anh Dương bảo đã chạy qua 5,6 xác đò rồi. Hơn 10 năm trước, khi mà đường lộ ở thị trấn Sông Đốc chưa phát triển, thì phương tiện thủy là lựa chọn duy nhất. Từ nhu cầu đi lại của người dân kéo theo nghề chạy đò dọc phát triển mạnh, hàng trăm chiếc đò dọc lớn nhỏ chạy suốt ngày đêm, nhiều người đã khấm khá lên nhờ chạy đò dọc “không phải phương tiện nào cũng có đăng ký, đăng kiểm nhưng những người chạy chui như tôi vẫn chấp nhận bị phạt, bởi lúc đó thu nhập một ngày gấp mấy lần bị phạt thì không lo gì” anh Vương nhớ lại.

Nắm bắt được nhu cầu của khách hàng là lựa chọn những chiếc vỏ lớn vì không như những nơi khác, của biển Sông Đốc vào những ngày mưa, sóng gió dữ dội, những phương tiện nhỏ sẽ bị sóng lớn đánh chìm, khách đi đò không dám chọn những chiếc đò nhỏ vì vậy anh Vương sắm vỏ lớn hơn. Rồi nhu cầu thuê mướn đò ngày càng nhiều, không chỉ đi gần mà khách còn thuê đi xa hơn qua các huyện khác, nhất là vận chuyển hàng hóa đến các cửa biển khác ở Phú Tân, Ngọc Hiển….nên anh Vương tiếp tục sắm máy có công suất lớn hơn.

Cứ như vậy, do nhu cầu khách đi đò ngày càng nhiều, thu nhập từ nghề này khá cao mà cũng không đòi hỏi trình độ hay kỹ năng phức tạp chỉ cần có sức khỏe và biết đường sá là có thể làm được nên nhiều người đang làm nghề khác cũng bỏ ngang chuyển sang nghề chạy đò dọc. Anh Nguyễn Văn Của, quê gốc ở Phú Tân, năm 1992 anh đến thị trấn Sông Đốc sinh sống bằng nghề làm thuê, làm mướn. Được một thời gian, có người anh bà con đang chạy đò dọc rủ anh chuyển nghề, thấy công việc hợp với sức của mình, thế là anh gom góm số tiền dành dụm được mua một chiếc vỏ máy cũ bắt đầu chạy đò dọc.

Năm tháng trôi qua, phố biển Sông Đốc thay da đổi thịt từng ngày, kinh tế phát triển, lộ làng ngày càng được mở rộng, các tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng ấp liền ấp, xã liền xã. Lúc đầu là những con đường nhỏ hẹp chỉ đủ cho xe 2 bánh lưu thông, rồi dần dần là ô tô, xe tải đã về đến tận trung tâm thị trấn. Và đó cũng là lúc nghề chạy đò dọc rơi vào tình trạng ế ẩm, những chủ phương tiện vỏ máy lớn một thời ăn nên làm ra giờ chuyển sang chở hàng thuê, những chiếc đò nhỏ thì bán lại cho những người có nhu cầu sử dụng cá nhân.

Bến đò dọc ở khóm 1, thị trấn Sông Đốc giờ không còn nhộn nhịp như xưa.

Bến đò dọc Sông Đốc năm xưa, một thời nhộn nhịp, tấp nập tàu bè, nhất là khi các chuyến tàu lớn vận chuyển hành khách và hàng hóa từ Cà Mau cập bến là những chiếc đò dọc đông nghẹt khách, đầy ấp hàng hóa phải chen chúc nhau rời bến vì mấy lớp vỏ lãi đậu nối đuôi nhau thành hàng rất khó di chuyển. Không như ngày xưa, bến đò ấy bây giờ đìu hiu, vắng khách, máy gác lên xuồng, những chiếc đò nằm im lìm dưới bến, lâu thật lâu mới nghe thấy được tiếng máy nổ. Nếu ngày xưa các chủ đò không có thời gian để nghỉ ngơi thì giờ đây các anh ngồi tụ tập thành nhóm uống cà phê, tán dóc và chờ khách. Trước thực trạng đó, nhiều người dù đã gắn bó với nghề trong một thời gian dài nhưng giờ đây không thể tiếp tục theo nghề chạy đò vì thu nhập không thể nuôi nổi gia đình. “Nếu tiếp tục nghề chạy đò thì tôi không thể nuôi nổi 3 đứa con đang học. Nghề này thu nhập bấp bênh lắm nhất là khi đường xá được xây dựng thì chạy đò ngày càng ế ẩm” Anh Nguyễn Văn Hài, người có hơn 10 năm gắn bó với nghề chạy đò dọc, cách nay 5 năm anh đã chuyển sang nghề bán đồ trang trí nội thất, bộc bạch.

Không chỉ thu nhập bấp bênh mà nghề chạy đò dọc còn lắm nỗi vất vả, nguy hiểm chực chờ, những hôm trời mưa gió thì ế khách, hoặc khi có khách, không may phương tiện bị hư máy giữa đường, rồi va chạm giữa các phương tiện vào ban đêm do không có đèn…“ban ngày thì nắng nóng, ban đêm thì muỗi cắn. Chưa kể những hôm trời mưa, giông, sóng gió dữ lắm, chạy ban đêm mà gặp trời mưa là rất nguy hiểm vì không thấy đường chạy. Vậy mà thu nhập thì không là bao, làm ngày nào ăn ngày nấy” Anh Nguyễn Văn Của chia sẻ vất vả của nghề chạy đò.

Vất vả là vậy nhưng với những người chạy đò lâu năm như anh Vương, anh Của thì ngoài chuyện làm nghề để kiếm sống, các anh gắn bó với nghề như một cái nghiệp “nghỉ ở nhà vài ba hôm không ra bến là nhớ lắm. Định chuyển nghề khác nhưng rồi loay hoay vẫn tiếp tục với nghề chạy đò này” anh Của tâm sự.

Nghề nào cũng vậy, trong sự vất vả luôn có những niềm vui, mà những người gắn bó với nghề không thể dứt ra được. Anh Nguyễn Minh Vương chia sẻ “dù vất vả nhưng có niềm vui, mình được đi đây đi đó, nếu như mình không làm nghề này chưa chắc mình được đi, rồi mình biết thêm nhiều câu chuyện rất hay. Lúc trước tôi thường chạy chở khách du lịch Hòn Đá Bạc, có khi chở hàng hóa cho các chủ ghe ở các cửa biển khác”.

Ngoài niềm vui, có lẽ một lý do nữa mà các anh em ở bến đò dọc này không muốn chuyển sang nghề khác, đó tình cảm gắn bó giữa người với người. Trời đã tạnh mưa, có một vài người khách đến hỏi đi đò nhưng tôi thấy không có sự tranh giành khách giữa các chủ đò như ở những bến khác, hỏi ra mới biết, các anh rất đoàn kết và nhường nhịn, chia sẻ khách với nhau. Khi một người vừa chạy xong sẻ tự động nhường lại cho các anh em khác “ở đây, anh em nào cũng có hoàn cảnh khó khăn riêng, nên rất thông cảm với nhau. Biết hoàn cảnh anh em nào đang khó khăn là tụi tôi tự đồng nhường cho người đó chạy. Tụi tôi sống gắn bó với nhau lắm”  Anh Nguyễn Minh Vương, tâm sự.

Tự an ủi cho bớt đi sự nghiệt ngã, bị đào thải của cái nghề chạy đò dọc bây giờ,  khi mà sự phát triển của lộ giao thông đã làm mất đi chỗ đứng của nó, anh Của vừa ngồi nhâm nhi ly cà phê vừa đợi khách, anh nói“ dù sau này có bắt cầu đi chăng nữa, dù lộ làng mở rộng bao nhiêu đi nữa thì nghề chạy đò của tụi tôi vẫn tồn tại, vì ở cửa biển này chỉ có cách đi đò mới ra ghe được thôi. Nên tôi vẫn sẽ theo nghề này”. Mỗi người có một lý do riêng để họ vẫn tiếp tục với nghề, dù vất vả, khổ cực có khi đánh đổi cả tính mạng mà vẫn không chuyển sang nghề khác, ngoài chuyện các anh lo cuộc sống mưu sinh cho bản thân và gia đình thì những người chạy đò dọc ở Sông Đốc còn gắn bó với nghề như một cái nghiệp không bỏ được. Bến đò dọc Sông Đốc đã chở thành mái nhà chung, che chở, chia sẻ buồn vui trong cuộc sống của các anh, là nơi đi xa là nhớ…để rồi cái nghề chạy đò dọc gắn bó với các anh như một cái duyên, cái nghiệp, để rồi dù cái nghề thăng trầm đến mấy thì các anh vẫn đeo đuổi đến cùng.

Ong Vò Vẽ