Đi xe số như xe tay ga

Một lỗi cơ bản mà rất nhiều chị em mắc phải là không về số khi dừng đỗ tạm thời (như khi dừng đèn đỏ) hoặc điều khiển xe với tốc độ cực thấp nhưng vẫn để số cao. Với cách đi xe như trên, xe của chị em sẽ bị hao xăng nhiều hơn, và động cơ cũng bị “tổn thọ” do luôn phải gồng mình hoạt động trong tình trạng máy yếu, ì.

Chị Nguyễn Hương Giang (Quỳnh Lôi, Quỳnh Mai, Hà Nội) cho biết: “Thực ra là không phải không biết cách đi. Nhưng nhiều khi đi giày cao gót, lúc đi vào số rất khó. Thế là cứ đề máy, cài số 3 rồi cứ thế đi như xe ga. Mình vẫn thấy đi được dù chả biết máy có bị nhanh hỏng không”.

Cách đi xe số đúng khi lên dốc.

Chị Lê Thị Huyền (Nhân Chính, Hà Nội) đã gắn bó với chiếc Wave Alpha của mình được 2 năm, nhưng đến tận bây giờ, chị vẫn thú thực là chưa biết đi xe thế nào cho “nuột”. “Hôm rồi có việc xuống tận dưới đê Thanh Trì. Đoạn dẫn lên đê có con dốc khá cao. Xe mình đến lưng dốc thì không lên nổi nữa dù cố ga. Có anh đi bên cạnh bảo chị phải về số thấp thì mới lên được dốc. Lúc đó mình mới biết là đi lên dốc thì phải như vậy” - chị Huyền kể.

Cách đi xe như chị Giang, chị Huyền cũng là cách đi xe của không ít chị em. Đôi khi họ không hiểu nguyên lý vận hành của xe máy số hoặc nghĩ chủ quan nên xe nhanh “tã” máy, động cơ yếu, nhông xích nhanh hỏng.

Chị em chỉ cần nhanh mắt để í các bảng đồng hồ công tơ mét của xe, nhà sản xuất thường chỉ định rõ ràng tốc độ hợp lý nhất. Ví dụ trong khoảng từ số 1 đến số 2, tốc độ là 20 km/h; từ số 2 đến 3, tốc độ là 20-40 km/h; từ số 3 đến 4 dành cho tốc độ 40-60 km/h.

Bên cạnh đó, mỗi cấp số lại cung cấp một lực kéo khác nhau. Do đó, xe chịu tải càng nặng hoặc dốc càng cao thì càng phải đi số thấp.

Chỉ dùng một phanh

Nhiều chị em phụ nữ khi vận hành xe số thường chỉ dùng một phanh. Chị em nên nhớ rằng tất cả những chiếc xe máy khi sản xuất ra đều được trang bị 2 phanh cho 2 bánh trước/sau để đảm bảo an toàn.

Thêm nữa, nhiều chị em do thói quen sử dụng tay phải nên đi xe số mà không phanh chân, chỉ dùng phanh tay. Lại có chị em chỉ dùng phanh chân mà “bỏ quên” luôn phanh tay. Điều này là hoàn toàn bất hợp lý.

Chị Trịnh Thị Thường (Mỹ Đức, Hà Nội) cho hay: “Em lái xe là do đi nhiều thành quen thôi. Chứ nếu có đi không đúng thì cũng không ai biết mình đi thế nào mà nhắc nhở. Từ trước đến nay em chỉ đạp phanh chân, không quen dùng phanh tay vì sợ bị ngã. Đến nỗi xe của em phanh tay lâu không dùng giờ cứng lại không bóp được nữa”.

Không thiếu những trường hợp đáng tiếc đã xảy ra khi xe gặp trường hợp nguy cấp mà chỉ sử dụng một phanh trước/sau. Nếu chỉ sử dụng phanh trước, nguy cơ bị trượt bánh trước và ngã rất dễ xảy ra. Chướng ngại vật đối diện có thể may mắn thoát nạn nhưng bạn và chiếc xe sẽ gặp nguy hiểm vì kiểu phanh bằng “cả người và xe” này.

Còn nếu sử dụng chỉ phanh sau, sẽ có nguy cơ chiếc xe bị văng, trượt và bắn ra xa. Trong cả hai trường hợp, nếu may mắn xe không bị lật, đổ thì bạn cũng mất một quãng đường phanh dài cho tới khi chiếc xe dừng hẳn lại. Cách tốt nhất phanh đồng thời cả hai phanh trước/sau theo nguyên tắc để phanh sau bám trước rồi mới bóp phanh trước.

Và còn thói quen khác như:

Không bật xi-nhan báo rẽ

Đây là tình trạng thường xuyên của chị em khi tham gia giao thông. Hành động này không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân chị em mà còn làm ảnh hưởng đến những người khác đang tham gia giao thông vì khi xe bất ngờ rẽ mà không báo hiệu cho những phương tiện đang di chuyển phía sau thì rủi ro rất dễ xảy ra.

Rà phanh khi xe đang chạy

Do cảm giác sợ va chạm xảy ra khi đang tham gia giao thông nên phần lớn chị em thường có thói quen rà phanh nhẹ để tránh rủi ro. Tuy nhiên, hành động này làm phát sinh lượng nhiệt lớn ở các bộ phận phanh, các mặt bố bị chai làm phanh không bám và làm nhanh chóng mài mòn bố phanh.

Gương chiếu hậu không có tác dụng

Nhiều chị em thường không quan tâm đến chiếc gương chiếu hậu và thói quen không nhìn gương này cũng tương tự như thói quen không bật đèn xi-nhan khi chuyển làn đường, nó làm người phía sau không trở tay kịp trước khi trở thành hiểm họa.

Khởi động máy rồi vận hành luôn

Đây là thói quen muôn thưở của chị em và cũng là thói quen của cả các cánh mày râu khi đi xe, thói quen này gây tổn hại đến khả năng vận hành của động cơ xe bởi quá trình khởi động xe cũng là quá trình làm các chi tiết bị hao mòn nhiều nhất.Vì vậy từ giờ trở đi khi bật khóa và khởi động động cơ thì bạn nên để động cơ chạy khoảng 15s sau đó mới di chuyển.

Mù tịt về tình trạng xe

Đối với chị em, xe hỏng có nghĩa là nó không đi được nữa, vì vậy nên chị em thường không phát hiện ra những dấu hiệu bất thường tiềm ẩn của xe, trừ khi xe bị hỏng nặng mới đem đi sửa. Đây là một yếu tố khiến xe vận hành trong tình trạng mất an toàn. Cách tốt nhất là chị em nên thường xuyên cho xe đi kiểm tra, bảo dưỡng để nhanh chóng phát hiện ra những vấn đề chiếc xe đang gặp phải để kịp thời khắc phục và sửa chữa.

Vừa lái xe vừa dùng điện thoại

Thói quen xấu nữa chị em cần bỏ là chính là việc sử dụng điện thoại, việc lái xe bằng 1 tay chắc chắn không thể an toàn bằng hai tay, chưa kể đến việc khi đang mải mê đọc tin nhắn hoặc nghe điện thoại có thể gặp những tình huống bất ngờ khó tránh khỏi va chạm.

Trên đây là một số thói quen thường thấy ở chị em làm ảnh hưởng đến an toàn của chị em và những người cùng tham gia giao thông, bạn có những thói quen nào? Hãy cố gắng từ bỏ những thói quen đó đi để có một lộ trình an toàn bạn nhé!

Nguồn Internet. Hà Giang tổng hợp