Vì sao không nên mua xe đã chạy taxi?
Đa số các xe chạy dịch vụ như taxi, grab,... thương là xe phiên bản giá rẻ. Cho nên, các trạng bị tiện nghi và các hệ thống an toàn bị cắt giảm đi khá nhiều. Đặt biệt là khi so với xe gia đình/cá nhân thì xe dịch vụ hoạt động cao hơn gấp nhiều lần, gần như không được nghỉ ngơi. Các xe này thường xuyên phơi nắng mưa, ít được chăm sóc và bảo dưỡng kỹ càng.
Cho nên cùng thời gian hoạt động như xe phục vụ cho gia đình/cá nhân bị hao mòn 1 thì xe chạy dịch vụ phải hao mòn gấp 2 đến 3 lần thậm chí có thể cao hơn. Nhất là đối với các xe cỡ nhỏ như Kia Morning, Hyundai i10, Toyota Wigo, Toyota Vios… đa phần màu sơn, dàn đồng, động cơ, hộp số, khung gầm… đều xuống cấp, thậm chí “rệu rã” nghiêm trọng.
Xe đã chạy taxi, dịch vụ thường sẽ bị hao mòn
Theo các thợ có kinh nghiệm, nếu mua xe dịch vụ, taxi thanh lý thì phần động cơ gần như là đã được đại tu lại để đảm bảo sự vận hành ổn định. Phần khung gầm, các phụ tùng giảm chấn, hệ thống treo và thước lái cũng gần như được thay mới. Còn hệ thống điện cũng nên thay dây mới để đảm bảo an toàn và hệ thống đèn cũng không ngoại lệ. Các phần bên trong nội thất xe như hệ thống ghế, hệ thống điều hoà, hệ thống giải trí (màn hình xe, loa xe)… chắc chắn cần tu bổ nhiều.
Cách tính giá bán xe ô tô cũ, các loại xe taxi thường thanh lý sẽ rẻ hơn 30% - 40% thậm chí giảm tới 50%. Nhưng chi phí sửa chữa, “đại trùng tu” để xe có thể hoạt động êm ái. đảm bảo an toàn, thậm chí giá tiền còn cao hơn tiền mua xe.
Vì thế, với câu hỏi “có nên mua xe taxi thanh lý không”, thì theo nhiều người có kinh nghiệm câu trả lời là “không”. Bởi rủi ro sẽ rất lớn. Dù bỏ tiền “đại tu” thì không thể chắc chắn xe sẽ hoạt động ổn định và bền bỉ về sau. Còn trong trường hợp vẫn muốn mua xe cũ để về chạy taxi, chạy Grab… thì nên mua xe taxi thanh lý chưa qua sửa chữa. Bởi khi này bạn có thể hoàn toàn làm chủ việc phục hồi, tu bổ chiếc xe của mình, nhất là tự tay lựa chọn thay thế phụ tùng, linh kiện chất lượng.
Cách để nhận biết xe taxi đã hoàn lương
Kiểm tra giấy tờ đăng kiểm
Để nhận biết một chiếc xe chạy dịch vụ một cách đơn giản nhất là kiểm tra giấy đăng kiểm. Với những chiếc xe chạy dịch vụ chuyên nghiệp như là taxi thì trên giấy đăng kiểm có dấu tích vô mực “Kinh doanh vận tải”. Mặt khác theo quy định thì các xe kinh doanh vận tải có chu kỳ đăng kiểm là 6 tháng. Trong khi đó, xe không kinh doanh vận tải có chu kỳ đăng kiểm là 18 tháng đối với xe mới sản xuất dưới 7 năm, 12 tháng đối với các xe sản xuất từ 7-12 năm và 6 tháng đối với xe sản xuất hơn 12 năm.
Trên sổ đăng kiểm xe ô tô sẽ ghi rõ xe có kinh doanh vận tải hay không
Nếu muốn có biết phải là xe taxi hoàn lương không cần trực tiếp kiểm tra giấy đăng kiểm. Trong các trường hợp chủ xe không cho kiểm tra giấy tờ hoặc báo mất hay trên giấy đăng kiểm có dấu hiệu bị tẩy xóa và thay đổi nội dung thì có thể là lý lịch xe này không rõ ràng, không đáng tin cậy.
Nhưng cách kiểm tra xe chạy dịch vụ này chỉ có thể áp dụng đối với những xe kinh doanh vận tải chuyển nghiệp. Còn đối với xe dịch vụ bán chuyên ví dụ như chủ xe lấy xe nhà để chạy thêm dạng xe hợp đồng, Grab, Uber… hay cho thuê xe tự lái thì trên giấy đăng kiểm sẽ không tích vào mục Kinh doanh vận tải. Do đó, người mua khó thể kiểm tra bằng cách này. Nhìn chung, đây chỉ là một bước kiểm tra mang tính tham khảo. Bởi nhiều nơi có thể làm giả cả sổ đăng kiểm, làm giả số khung – số máy xe. Vì vậy, để đánh giá chính xác cần kết hợp với kiểm tra tình trạng thực tế của xe.
Kiểm tra các dấu hiệu nhận biết xe có chạy dịch vụ
Cách để nhận biết xe ô tô cũ đã từng chạy dịch vụ chính xác nhất là phải kiểm tra qua mấy chi tiết sau đây:
- Sơn xe:
Thông qua màu sơn xe, bạn có thể nhận ra các dấu hiệu xe chạy dịch vụ đã hoàn lương. Trước tiên, phải quan sát trên nóc xe, ngay vị trí mà hay đặt mào taxi. Nếu là xe taxi thì chỗ này sẽ mới hơn những chỗ khác. Tiếp đến mới xem tình trạng sơn xe và so sánh với thời gian sử dụng xe. Nếu xe đã sử dụng thời gian lâu mà màu sơn vẫn còn mới thì có khả năng xe này đã được sơn lại.
Kiểm tra kỹ màu sơn tại vị trí đặt mão taxi
Sau đó chúng ta mới kiểm tra tới màu sơn của khung gầm. Đây là bộ phận thường bị bỏ qua khi “mông má” taxi thành xe nhà. Bởi vì người bán xe cho rằng người mua xe không kiểm tra tới chi tiết này. Nếu như kiểm tra thấy khung gầm trầy xước nhiều, thậm chí xuất hiện vết móp, rỉ sét… xuống cấp nhiều so với phần trên thì có khả năng cao là xe đã từng chạy dịch vụ.
Cuối cùng, không nên bỏ qua phần sơn bậc cửa xe. Ở các xe taxi, bởi lượng người ra vào và lên xuống xe khá nhiều cho nên phần sơn ở bậc cửa sẽ bị trầy, xuống cấp rất nhanh. Cho nên nếu thấy sơn ở vị trí này quá mới hay quá cũ thì phải đặt ra nghi vấn liền.
- Kính xe:
Xe chạy taxi hay dán số tài lên kính lái và kính sau
Xe taxi thường dán số tài lên kính lái và kính sau, dán quảng cáo lên kính sau. Do đó, một cách nhận biết xe taxi hoàn lương là quan sát kính lái và kính sau xe. Nếu còn dấu vết dán số tài hay thấy phần kính có sự khác màu thì chắc chắn là xe từng chạy taxi. Trừ trường hợp, xe đã thay kính mới thì mới khó phát hiện. Nhằm “che mắt” người mua, nhiều chủ xe cũng chấp nhận bỏ tiền thay kính mới cho xe. Nếu thấy kính xe rất mới so với thời gian sử dụng xe, bạn cũng nên đặt nghi vấn.
- Taplo:
Một cách nhận biết xe chạy taxi đã hoàn lương mà nhiều người hay sử dụng đó là kiểm tra phần nội thất, nhất là ở vị trí taplo xe. Xe taxi thường gắn đồng hồ đo quãng đường và tính tiền trên bảng taplo xe. Vì vậy, khi mua xe ô tô cũ bạn nên kiểm tra kỹ bảng taplo.
Xe taxi thường phải gắn đồng hồ nên sẽ dễ để lại dấu vết
Nếu như thấy có vết đục ở phía gần chỗ để cốc, có các lỗ nhỏ, bề mặt không phẳng, có dấu hiệu “chắp vá” thì khả năng cao đây là xe chạy taxi thanh lý. Trong trường hợp taplo quá mới so với tuổi đời sử dụng, bạn cũng nên đặt nghi vấn.
- Tay nắm cửa:
Nên kiểm tra kỹ cả phần tay nắm cửa. Nếu thấy tay nắm cửa bị bạc màu, tróc, trầy xước quá nhiều thì có thể đây là xe taxi.
- Chân/ga/chân côn:
Do tần suất sử dụng cao nên chân ga/phanh (với xe hộp số tự động) và chân ga/phanh/côn (với xe hộp số sàn) trên xe taxi, xe chạy dịch vụ… thường sẽ nhanh mòn hơn so với bình thường. Ngoài ra có thể kiểm tra xe từng chạy dịch vụ hay không qua mức độ xuống cấp của các chi tiết khác như vô lăng, hệ thống phím chức năng trên bảng điều khiển…
- Đồng hồ công tơ mét:
Thông số trên công tơ mét chì mang tính tham khảo bời vì hoàn toàn có thể tua công tơ mét trên xe ô tô, kể cả đồng hồ điện tử. Nhưng khi kiểm tra xe cũng phải xem qua, để đối chiếu coi số km có tương ứng với tình trạng thực tế của xe hay không.
- Điều hòa:
Theo một số người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc kiểm tra ô tô cũ, các loại xe từng chạy dịch vụ như taxi, Grab… hầu hết điều hoà sẽ hoạt động nhiều, thậm chí liên tục. Do đó điều hoà dễ nhanh xuống cấp. Khi mua xe cũ, cần kiểm tra kỹ hệ thống điều hoà xe. Nếu thấy điều hoà ồn, rè, làm lạnh chậm… thì khả năng cao là xe từng được dùng chạy taxi.
- Ghế ngồi:
Để biết có phải là xe chạy dịch vụ, xe taxi thanh lý hay không thì nên quan sát kỹ hệ thống ghế ngồi, nhất là ghế lái. Bời vì, xe dịch vụ thường được sử dụng nhiều và bảo dưỡng ít nên hệ thống ghế ngồi sẽ bị xuống cấp rất nhanh. Cho nên phải chú ý kỹ khu vực đỡ hông và đỡ đùi. Trên các xe dịch vụ, những vị trí này thường bị rạn nứt, bong tróc nặng do chịu ma sát liên tục.
Lái xe thử
Với xe dịch vụ, taxi hoàn lương thanh lý, dù có “mông má” cỡ nào cũng khó thể thay đổi được hệ thống máy móc xuống cấp và “tã” hơn bình thường. Khi lái thử xe sẽ có thể kiểm tra máy xe có “tã” hay không.
Khi lái thử xe nên bật điều hòa ở công suất tối đa. Hãy lái xe ở nhiều dạng địa hình khác nhau như: đường xóc, đường dốc… Chạy ở những địa hình xấu thì điểm yếu về động cơ, hệ thống khung gầm… mới dễ lộ rõ. Trong thực tế, có những trường hợp, xe chạy trong phố rất ổn nhưng đến khi ra chạy đường trường, đường dốc mới thấy rõ bị yếu. Khi máy xe bị “tã” sẽ thấy xe ì và nặng hơn, tăng tốc chậm, sang số kém mượt…
Hy vọng thông qua bài viết này có thể giúp cho những người đang dự định mua xe ô tô cũ có thêm kinh nghiệm coi xe. Nếu không như không tự coi xe được thì hãy tìm một người thợ lâu năm hoặc là dịch vụ kiểm tra xe chuyên nghiệp hơn để đến kiểm tra và thẩm định chiếc ô tô mà mình muốn mua.
Theo Anycar.vn