Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, năm 2017 bình quân mỗi km mặt đường được tăng thêm 25 triệu/năm để sửa chữa hư hỏng nhỏ trên mặt đường. Các tuyến lưu lượng xe lớn, thời gian khai thác đã lâu thì được tăng cao hơn, các tuyến đang trong thời gian bảo hành thì không bố trí kinh phí này. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị không đề xuất công tác sửa chữa đột xuất mặt đường để sử dụng duy nhất nguồn vốn bổ sung bảo dưỡng mặt đường thực hiện công tác sửa chữa định kỳ (SCĐK). Đến ngày 10/4, tổng giá trị duyệt tại các dự án SCĐK do Tổng cục ĐBVN, các Cục, Sở được ủy quyền duyệt nhỏ hơn 58,210 tỷ đồng so với tổng giá trị đã được Quỹ chấp thuận.
Sơn sửa vạch kẻ đường đảm bảo giao thông an toàn
Cùng với đó, Tổng cục ĐBVN đã ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo việc điều chỉnh dự án trong điều kiện biến động khá lớn như giá nhựa đường, giá các loại nguyên vật liệu khác. Trực tiếp kiểm tra xử lý, chấn chỉnh các vi phạm chất lượng, tiến độ thực hiện dự án. Do đó, công tác bảo dưỡng hệ thống quốc lộ quý 1/2017 cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ giao, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn cho 19.777 km do các Cục, các Sở GTVT trực tiếp quản lý bằng vốn của Quỹ BTTW. Đến 31/3 tổng khối lượng BDTX đạt 25% bằng với 1/4 thời gian cả năm (tương đương tỷ lệ đạt được cùng kỳ năm 2016). Hoàn thành công tác thẩm định, phê duyệt, khởi công các dự án SCĐK trong kế hoạch bảo trì 2017: “Tổng khối lượng đến nay đạt khoảng 35% so với tổng mức đầu tư của các dự án; so với vốn được giao thì tính đến 20/3 đạt gần 44%. Tỷ lệ hoàn thành trên tương đương so với cùng kỳ năm 2016; đến ngày 22/3 mới cấp kinh phí là 1.980,4 tỷ đồng, đã giải ngân đến 31/3 đạt 212,4 tỷ đồng”, ông Huyện Khẳng định.
Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Văn Huyện ngoài các dự án đang khẩn trương thi công, có một số dự án chưa khởi công do các Dự án này có tính chất kỹ thuật phức tạp (Dự án mở rộng cầu Phú Xuân trên QL1 tại TP. Huế); Các dự án thí điểm ứng dụng công nghệ vật liệu Microsufacing cho mặt đường BTN; Dự án sửa chữa mặt đường BTXM tại QL1 và QL26 của Cục QLĐB III; các dự án mới bổ sung vào danh sách kế hoạch chi; một số dự án cải tạo điểm đen địa phương cam kết tự GPMB nhưng chưa thực hiện. Ngoài ra có một số dự án phải điều chỉnh quy mô theo kết luận của Lãnh đạo Chính phủ, Bộ GTVT như đường lên Lũng Cú – Cột Cờ, QL34 Hà Giang...
Với trách nhiệm của cơ quan quản lý cấp trên, ngay từ đầu năm 2017 Tổng cục ĐBVN đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị có các biện pháp tăng cường chất lượng. Đến nay các Cục QLĐB, đa số các Sở GTVT và các Ban QLDA đã thành lập Đoàn công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng công tác bảo trì năm 2017. Lãnh đạo Tổng cục và các Vụ, Cục đã trực tiếp kiểm tra, chấn chỉnh chất lượng tại nhiều đơn vị. Điển hình như yêu cầu Sở GTVT: Sơn La, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Phú Thọ, Cục QLĐB I, IV chấn chỉnh công tác BDTX các quốc lộ được giao quản lý (QL37, QL6C, QL70, QL32, QL47, QL17B, QL22) và yêu cầu nhà thầu phải thực hiện bổ sung, làm lại công tác bảo dưỡng.
Đưa công nghệ mới vào trong công tác bảo trì đường bộ
Đối với các dự án SCĐK đã chấn chỉnh nhiều dự án, điển hình như yêu cầu đắp lại lề đường dự án sửa chữa QL37 do Sở GTVT Sơn La làm chủ đầu tư (CĐT); thi công lại rãnh BTCT lắp ghép tại QL.47 do Sở GTVT Thanh Hóa làm CĐT; lập biên bản yêu cầu loại bỏ đá dăm chưa đúng kích cỡ ở QL14C do Sở GTVT Bình Phước làm CĐT; yêu cầu dừng thi công để có biện pháp khắc phục hiện tượng cấp phối đá dăm phân tầng tại tuyến N2 do Cục QLĐB IV làm CĐT); hiện tượng sử dụng đá bột tại QL.57 (Sở GTVT Bến Tre làm CĐT. Trên địa bàn Cục QLĐB III, Đoàn kiểm tra của Vụ QLBT đã chấn chỉnh công tác tư vấn giám sát tại dự án sửa chữa mặt đường tuyến QL1D tỉnh Bình Định; nhắc nhở công tác đảm bảo ATGT trên QL26, QL27C; đề nghị thay thế vật liệu móng tại công trình khắc phục bão lũ bước 1 trên tuyến QL27C; nhắc nhở công tác vệ sinh mặt đường trên tuyến QL1 đoạn tuyến tránh Quảng Ngãi...
Cần khắc phục những điểm mất ATGT giao nhau giữa đường bộ với đường sắt. Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Cũng theo ông Nguyễn Văn Huyện, trong quý 1/2017 đã triển khai ứng dụng công nghệ Microsufacing vào bảo trì mặt đường tại đường HCM (nhánh Tây), đường HCM khu vực Quảng Bình, QL9 ở Quảng Trị; chuẩn bị áp dụng tại QL2 đoạn Hà Giang – cửa khẩu Thanh Thủy, QL54, QL61 ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long và một số đoạn khác được Bộ GTVT chấp thuận; phối hợp với Đoàn tư vấn của Jica để thí điểm công nghệ vá ổ gà mặt đường BTN và chám vá vết nứt mặt đường BTN tại QL10 qua địa bàn tỉnh Thái Bình và đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Hòa Bình. Tiến hành thí điểm công nghệ cào bóc tái chế đối với mặt đường hư hỏng nặng tại QL4E theo tiêu chuẩn mới của Bộ GTVT.
Để làm tốt công tác bảo trì quốc lộ quý 2/2017, Tổng cục ĐBVN tiếp tục hoàn thành công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; bổ sung các định mức trong lĩnh vực bảo trì cho các công tác bảo trì có áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới; hoàn thiện mẫu quy trình bảo trì...Tổ chức quản lý, bảo trì đảm bảo ATGT hệ thống đường bộ quốc lộ của cả nước. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra các đơn vị Cục, Sở GTVT được giao làm chủ đầu tư tổ chức thực hiện kế hoạch bảo trì năm 2017 đảm bảo hoàn thành trước 30/6/2017. Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác giải ngân. Tăng cường tổ chức kiểm tra hiện trường các tuyến đường; công tác quản lý chất lượng đối với các dự án SCĐK trên địa bàn cả nước nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng các dự án SCĐK…
Tập trung tổ chức xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT; phấn đấu đến hết năm 2017, sẽ xử lý khoảng 358 điểm (tập trung vào các điểm nguy hiểm, cấp bách và các điểm có kinh phí nhỏ, thực hiện ngay bằng nguồn vốn Quỹ BTĐBTW). Cùng với đó, triển khai các dự án phục vụ cho công tác bảo đảm ATGT nhằm góp phần kéo giảm 3 tiêu chí về ATGT; chuẩn bị các nhiệm vụ cho việc triển khai tháng cao điểm về lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia từ 16/5 – 15/6/2017.
Theo tapchigiaothong.vn