Út Giang (Nguyễn Trường Giang) là người miệt Gía Rai (tỉnh Bạc Liêu). Nhà đông anh em mà đất đai không có bao nhiêu, nên sau khi được xuất ngũ sớm (do bị thương trong lúc làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia) trở về nhà được vài tháng, Út Giang khăn gói xuống Cà Mau để lập nghiệp, anh chọn vùng đất Khánh Lâm và bắt đầu công việc gặt lúa mướn. Tính tình vui vẻ lại siêng năng lao động nên anh đã chiếm được cảm tình của chị Trần Thị Út (con gái chủ nhà). Và, sau một năm “hẹn hò trai gái” hai người kết nghĩa vợ chồng. Năm đó, Út Giang 29 tuổi.
Út Giang, kể: “trước khi lập gia đình, vợ tui mua được 3 công đất ở ấp 3 xã Khánh Lâm. Vì vậy, ra riêng tạm ổn định nơi ăn, chốn ở của buổi đầu tạo dựng cuộc sống mới. Rồi vừa canh tác trên phần đất ít ỏi có được, vừa thuê đất rừng để trồng lúa, rảnh nữa thì làm thuê… dành dụm đủ tiền thì vợ chồng lại mua đất”,
Cứ thế, cứ thế, đến nay gia đình Út Giang đã có trên 9 công đất. Những năm gần đây, gia đình anh không trồng lúa, mà cải tạo đất lên líếp trồng các loại cây ăn trái và chăn nuôi. Tuy còn phụ thuộc thời tiết, giá cả thị trường… nhưng tổng thu nhập bình quân của gia đình anh cũng khoảng 70 triệu đồng/năm.
“Mỗi lần đi trên đường, thấy lộ bể loang lỗ, mấy đứa nhỏ chạy xe đạp đôi khi té vì vấp ổ gà, người ở xa đến ban đêm không rành đường xá cũng bị vấp té… tôi thấy bức rức. Nhưng cuộc sống mình còn khó khăn, phải lo lao động kiếm sống trước đã. Rồi kinh tế gia đình đã ổn định, tôi quyết định sẽ trích một phần chế độ thương binh (Út Giang là thương binh 4/4, được trợ cấp 1.415.000/tháng) để mua vật tư vá đường. Quyết định của tôi được vợ con đồng tình ủng hộ”. Út Giang, bộc bạch.
Út Giang cặm cụi vá lổ hỏng trên tuyến đường Kinh Dớn Hàng Gòn - ảnh Chấn Phong.
Vậy là từ những tháng cuối năm 2013 đến nay, hàng tháng Út Giang đều đặng trích 415.000 từ chế độ thương binh, mua đá, cát, xi măng để ở hiên nhà. Phát hiện đường bị bể là anh tranh thủ thời gian rảnh, trộn hồ khô tại nhà rồi vô thùng, xúc đá vô bao rồi đưa lên xe gắn máy và chạy đến nơi múc nước dưới kênh, hoặc xin nước nhà dân gần đó để xáo hồ vá đường. “Lúc đầu, thấy tôi vá đường, lối xóm động viên thì ít mà mỉa mai thì nhiều. Có người còn nói tôi dư hơi, thậm chí tôi đến vá cái lổ bể trước nhà họ mà họ đứng nhìn bĩu môi nói tôi lo chuyện bao đồng. Thế nhưng, tôi bỏ hết ngoài tai những lời khen chê vô bổ, cứ làm cái công việc mà mình thấy cần làm”. Út Giang, tâm sự.
Sau nhiều năm làm cái công việc thầm lặng của mình, Út Giang không chỉ “chữa” lành lặn tuyến lộ giao thông Kinh Dớn Hàng Gòn, nơi gia đình anh qua lại hàng ngày mà nhiều tuyến lộ lân cận bị hư hỏng nhỏ, nếu phát hiện là anh cũng mang vật tư đến vá. Bây giờ, vá đường đã trở thành thói quen đối với Út Giang, thói quen này cũng đã tạo sự chuyển biến nhận thức đối với nhiều người dân ấp 3 cũng như những người tham gia giao thông qua lại hàng ngày trên tuyến Kinh Dớn Hàng Gòn – Kinh Chùa (chiều dài trên 6 km nối ấp 2 và ấp 3 xã Khánh Lâm). Gần đây, thỉnh thoảng có người đóng góp công sức cùng ông vá đường, hoặc “hùn” thêm vật tư… Đối với Út Giang đó là sự động viên để anh có thêm nghị lực làm công việc tự nguyện lâu dài hơi nữa.
Út Giang tự nhận việc làm của mình là “chuyện nhỏ ở ấp”, nhưng mong muốn việc làm nhỏ đó sẽ góp phần làm đẹp hơn những tuyến đường quê. Bởi theo anh, đóng góp để xây dựng, phát triển xã hội đâu cần phải hành động gì to tát, chỉ cần mỗi người làm một chuyện nhỏ có ích thì cộng hưởng lại sẽ tạo chuyển biến xã hội ngày một tốt hơn./.
CHẤN PHONG