Từ nay đến 2022, ĐTNĐ sẽ có bước tiến mới về ứng dụng công nghệ hiện đại với thiết bị AIS và VHF được yêu cầu lắp đặt trên phương tiện thủy.

Mở rộng phủ sóng, kết nối toàn diện

Với Đề án lắp đặt thiết bị tự động nhận dạng AIS và trang bị VHF trên phương tiện thủy nội địa đã được Bộ GTVT phê duyệt, từ nay đến 2020, hệ thống giám sát, hỗ trợ và tổ chức giao thông đường thủy nội địa (ĐTNĐ) phối hợp với hệ thống nhận dạng tự động AIS của Vishipel sẽ phủ sóng toàn bộ khu vực duyên hải dọc bờ biển Việt Nam, đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ, bao gồm: các tuyến vận tải thủy quan trọng; các tuyến tiếp giáp với vùng nước hàng hải; mở rộng phạm vi phủ sóng tại các tuyến vận tải khu vực miền Trung.

Theo nội dung Đề án, thời gian tới sẽ bố trí máy VHF cố định tại các trạm AIS; kết nối hệ thống của Cục và hệ thống Vishipel; lắp đặt thêm một số thiết bị thu thập thông tin về kết cấu hạ tầng giao thông thủy và thông tin về khí tượng thủy văn như: thông báo mực nước, tĩnh không cầu, các thông số về luồng tuyến, dòng chảy, thủy triều,…; lắp đặt thiết bị theo dõi, thông báo tình trạng tuyến, luồng – tổ chức giao thông.

Trong giai đoạn này cũng sẽ hoàn tất việc trang bị cho các đối tượng phương tiện bắt buộc phải trang bị thiết bị AIS theo chuẩn kỹ thuật quốc tế về Quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa và Thông tư 66/2014/TT-BGTVT.

Lắp đặt thiết bị AIS, VHF đối với các phương tiện chuyên chở container, hàng hóa nguy hiểm (xăng, dầu, hóa chất), phương tiện thi công, phương tiện nạo nét, phương tiện chuyên chở vật liệu xây dựng; Trang bị cho các phương tiện chở hàng có tải trọng toàn phần trên 1.000 tấn và các phương tiện chở khách trên 50 người.

Đồng thời hoàn tất việc trang bị cho đối tượng là các tàu công tác phục vụ công tác bảo trì, bảo dưỡng; tàu trục, thảo phao; tàu điều tiết, chống va trôi đản bảo ATGT ĐTNĐ; tàu nạo vét và các phương tiện phục vụ thi công nạo vét luồng ĐTNĐ.

Trong giai đoạn từ năm 2021 đến 2022 sẽ mở rộng phạm vi phủ sóng tại các vị trí trọng điểm thuộc các tuyến vận tải khu vực miền núi phía Bắc, và bổ sung các trạm thu dự phòng tại các vị trí trọng điểm thuộc các tuyến vận tải khu vực duyên hải ven biển; nâng cấp trung tâm dữ liệu cập nhật phần mềm và nâng cấp phần cứng hệ thống; lắp đặt thêm một số thiết bị thu thập thông tin về kết cấu hạ tầng giao thông thủy và thông tin khí tượng thủy văn.

Giai đoạn này cũng sẽ hoàn tất việc trang bị cho các phương tiện chở hàng, tàu kéo có trọng tải toàn phần từ 500 đến dưới 1.000 tấn và các phương tiện chở khách từ 20 đến dưới 50 người.

Sau năm 2022, Cục ĐTNĐ Việt Nam sẽ tiến hành rà soát, tổng kết rút kinh nghiệm, từ đó xây dựng lộ trình lắp đặt thiết bị trong giai đoạn tiếp theo. Đồng thời bổ sung các Trạm thu dự phòng tại các vị trí trọng điểm thuộc các tuyến vận tải khu vực duyên hải đồng bắc Bắc Bộ và Nam Bộ. Mặt khác, Cục sẽ xem xét việc trang bị cho các phương tiện chở hàng (bao gồm cả phương tiện có động cơ và phương tiện không có động cơ) có tải trọng toàn phần từ 300 đến 500 tấn.

Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước

Ngay sau quyết định phê duyệt Đề án lắp đặt thiết bị tự động nhận dạng AIS và trang bị VHF trên phương tiện thủy nội địa, Bộ GTVT tiếp tục ban hành Thông tư số 17/2018/TT-BGTVT ngày 9/4/2018 về việc Quy định quản lý và khai thác thông tin nhận dạng tự động của tàu thuyền.

Tại Thông tư này, Cục ĐTNĐ Việt Nam có trách nhiệm tổ chức xây dựng và quản lý Nhà nước đối với hoạt động của trung tâm dữ liệu AIS và trạm bờ AIS đáp ứng yêu cầu quản lý, khai thác, cung cấp tài khoản truy cập, quản lý thông tin tài khoản truy cập và cung cấp thông tin AIS theo phạm vi quản lý.

Cục phải chủ trì xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật vận hành và bảo trì Hệ thống AIS do Cục ĐTNĐ Việt Nam quản lý, vận hành; quản lý và vận hành trung tâm dữ liệu AIS của Cục ĐTNĐ Việt Nam;Cục phải chỉ đạo Cảng vụ ĐTNĐ trực thuộc tổ chức quản lý, khai thác thông tin AIS.

Lực lượng Cảng vụ ĐTNĐ kiểm tra thiết bị theo quy định trên phương tiện VR-SB

Theo đó, các Cảng vụ ĐTNĐ trực thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam có trách nhiệm tổ chức quản lý, khai thác thông tin AIS của tàu thuyền hoạt động trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa, ĐTNĐ theo phạm vi quản lý. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Thông tư này đối với các tàu thuyền được yêu cầu lắp đặt thiết bị AIS hoạt động trong phạm vi quản lý.

Các Cảng vụ phải thường xuyên sử dụng thông tin AIS để theo dõi tốc độ, hướng đi, vị trí của tàu thuyền hoạt động trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa, ĐTNĐ trong phạm vi quản lý; trích xuất dữ liệu AIS, chia sẻ thông tin AIS theo yêu cầu của cơ quản quản lý Nhà nước có thẩm quyền; quản lý và vận hành các trạm bờ AIS để thu nhận, khai thác và chia sẻ thông tin AIS của tàu thuyền hoạt động trong phạm vi quản lý.

Theo tapchigiaothong.vn